Sinh viên Lê Thị Hà Phương (trái) và di ảnh bé Ngô Ngọc P. - Ảnh: TTO |
Chưa đủ cơ sở nói bé gái mất tích được tìm thấy ở Campuchia bị lấy nội tạng như tin đồn. Về thi thể nữ sinh viên ở hồ đá, hiện đang chờ kết luận của cơ quan chức năng.
Phân tích vi thể tìm nguyên nhân bé gái 8 tuổi tử vong
Chiều 30/3, liên quan tới vụ bé Ngô Ngọc P. (8 tuổi, ngụ H.Củ Chi, TP.HCM) bị nghi mất tích rồi sau đó được phía Campuchia thông báo đã tử vong, nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM cho biết Công an TP đã khám nghiệm tử thi, lấy mẫu để phân tích vi thể tìm nguyên nhân gây ra cái chết cho bé P.
Theo nguồn tin, trước đó, vào trưa 26/1, gia đình bé P. nhờ người tới trường đón bé sau giờ tan học, nhưng bé đã được người khác đón đi từ trước.
Gia đình tổ chức người đi tìm kiếm, dán thông báo ở nhiều nơi và thông báo với Công an địa phương nhưng không có kết quả. Ngày 19/3, ba của bé P. nhận được thông báo của vợ từ Campuchia, nói qua để nhận xác con về. Khi tới nhận thi thể bé P., mẹ bé thông báo Cảnh sát Campuchia tìm thấy thi thể bé trên cánh đồng mía, đã khô và không còn nhận dạng được, chỉ xác định qua quần áo đồng phục học sinh và những vật dụng khác.
Theo một cán bộ điều tra của Công an TP.HCM, do thi thể của bé P. đã khô, phần lớn cơ thể đã bị phân hủy, chỉ còn lại xương và da nên việc khám nghiệm tử thi để tìm nguyên nhân gây ra cái chết gặp nhiều khó khăn. Qua khám nghiệm ban đầu thì chưa phát hiện vết thương do tác động ngoại lực trên thi thể, cũng chưa đủ cơ sở để nói bé bị lấy hết nội tạng như một số tin đồn vì toàn bộ phần mềm trên cơ thể đã phân hủy hết.
Căn cứ vào sự phân hủy của cơ thể, có thể thấy bé P. đã chết từ hàng chục ngày trước, không loại trừ khả năng bé bị bỏ đói cho tới chết. Tuy nhiên, đây chỉ là nhận định ban đầu, kết luận cuối cùng phải dựa vào kết quả phân tích vi thể mới có thể xác định được nguyên nhân và thời điểm tử vong của bé. Sau khi có kết quả giám định, Cơ quan điều tra mới bàn và có hướng điều tra tiếp theo.
Trao đổi về việc có khởi tố vụ án bắt giữ người trái pháp luật hay không, vì khả năng bé P. bị bắt cóc đưa tới Campuchia sau đó mới tử vong, vị cán bộ điều tra nói: “Chưa thể trả lời việc này, vì cần có thời gian làm rõ ai là người đưa bé P. đi khỏi trường học. Phải chờ kết quả giám định, sau đó họp lại mới có hướng điều tra tiếp theo và ra các quyết định”.
Trong khi đó, liên quan tới vụ sinh viên Lê Thị Hà Phương (22 tuổi, sinh viên trường Đại học Quốc gia TP.HCM) được trình báo mất tích từ ngày 13/3, sau khi đi từ Ký túc xá trường Đại học Kinh tế TP HCM (Q.5, TP HCM) tới tập sự tại một Công ty ở BÌnh Dương nhưng được phát hiện đã tử vong tại khu hồ đá, thuộc Khu đô thị Đại học Quốc gia TP HCM (giáp ranh giữa thị xã Dĩ An, Bình Dương và Q.Thủ Đức, TP HCM).
Cho tới nay, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Dĩ An vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân gây ra cái chết và những dấu hiệu khác. Bước đầu, Cơ quan điều tra đánh giá nạn nhân có dấu hiệu chết do ngạt nước, tuy nhiên phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng mới kết luận chính thức và cần thời gian điều tra để làm rõ vụ việc.
Căng thẳng việc học, nữ sinh CĐ Bách Việt tắt điện thoại, đi Đà Lạt
Anh Châu đang dán tờ rơi tìm em trong lúc Diễm My bỏ đi - Ảnh: Hải Hiếu |
Về việc nữ sinh Nguyễn Thị Diễm My (22 tuổi, học năm cuối trường Cao đẳng Bách Việt, TP HCM) được các báo đưa tin mất tích. Sau 4 ngày tìm kiếm, nữ sinh viên này đã được tìm thấy tại một quán nước gần ngã tư Hàng Xanh do một người đọc trên mạng nhận diện được và báo tin cho người nhà.
Theo anh Nguyễn Bá Châu (anh ruột Diễm My), hiện tại nữ sinh này đã về quê ở xã Hòa Hiệp Nam (H.Đông Hòa, Phú Yên) sống cùng cha mẹ. Sau nhiều ngày dò hỏi, Diễm My đã thú thật với gia đình về việc bỏ đi là do buồn về chuyện học hành và định hướng tương lai của mình. Do Diễm My là con gái duy nhất trong gia đình có ba anh em nên mọi người rất kỳ vọng vào em. Bị áp lực phải thành công nhưng em lại chọn học một ngành mà không biết tương lai sẽ làm gì nên chán nản.
Trong thời gian 4 ngày bỏ đi, trong túi của Diễm My có chưa tới 1 triệu đồng, tắt điện thoại và đi lên Đà Lạt rồi trở về lại TP HCM. Người nhà Diễm My đã lo lắng, đưa thông tin tìm kiếm lên mạng và được các báo, trang mạng tìm đến đăng tải là mất tích. Người nhà của em còn đi báo công an nơi cư trú và nơi học tập của em để được hỗ trợ tìm kiếm. Nhiều trang mạng còn cố tình bịa thêm những chi tiết bí ẩn, giật gân giống như bị bắt cóc khiến nhiều người lo lắng.
“Trước đây, gia đình đã kỳ vọng nhiều vào bé My nên khiến em bị áp lực. Hiện tại, gia đình đang để cho My thoải mái để bình tĩnh trở lại, tự do lựa chọn nghề nghiệp tương lai cho mình. Gia đình cũng đã thấy mình quá khắt khe khiến em bị áp lực. Do quá lo lắng nên đăng tin mất tích làm nhiều người bất an. Giờ tìm được em và hiểu được nguyên nhân bỏ đi nên tôi muốn các báo thông tin lại cho nhiều sinh viên yên tâm”, anh Châu nói.
Đồng Nai: Hai đứa trẻ “mất tích” đã đi học trở lại
Trần Vương và mẹ - Ảnh: A Lộc |
Ngày 30/3, hai em Trần Vương, học sinh lớp 4 Trường tiểu học Nguyễn Thị Sáu (xã An Hòa, TP Biên Hòa) và em Trần Minh Chiến, học sinh lớp 6 Trường THCS Long Bình Tân (P.Long Bình Tân, TP Biên Hòa, Đồng Nai) đã đi học trở lại.
Trước đó, người nhà và một số trang mạng thông tin hai em Vương và Chiến mất tích gây hoang mang dư luận.
Anh Trần Viết Lưu, anh họ của Vương cho biết, ngày 22/3, trong lúc đi nhặt ve chai, Vương và Chiến vô tình làm hư xe đạp của Vương. Do lo sợ người nhà đánh nên hai em đã quyết định bán xe đạp lấy 50 ngàn đồng rồi đi lang thang lượm ve chai kiếm tiền mua xe mới.
Khi thấy hai em không về nhà, hai gia đình đã chia ra tìm kiếm nhiều nơi, phát tờ rơi đồng thời trình báo công an.
Theo lời kể của hai em, từ ngày 22/3 đến ngày 25/3, Vương và Chiến đã đi dọc tuyến đường từ ngã tư Vũng Tàu đến cầu Rạch Cát (TP HCM) để nhặt ve chai bán kiếm tiền. Mỗi ngày hai em kiếm được hơn chục ngàn đồng để mua mì ăn, khát thì xin nước ở các hàng quán bên đường. Tối hai em ngủ tại ống cống trước Khu du lịch Suối Tiên, gầm cầu Đồng Nai, Rạch Chiếc.
Ngày 26/3, hai em đi dọc Quốc lộ 1A về hướng Dầu Giây với ý định đi tới Nha Trang (Khánh Hòa) vì “ở đó có nhiều ve chai để nhặt” theo lời của Chiến. Tuy nhiên nhà xe không cho đi nên hai em bỏ ý định đó rồi quay lại TP HCM. Khi đến cầu Rạch Cát thì anh Lưu đã được người đi đường chỉ dẫn tới đón về.
Cô Nguyễn Thị Phi, giáo viên chủ nhiệm của Vương cho biết, Vương mới chuyển trường vào học từ đầu năm. Ba em mất sớm, mẹ em làm công nhân một mình nuôi Vương ăn học. Trong lớp Vương hiền lành, ít nói, học kỳ rồi Vương đạt học lực trung bình - khá.
Chiều 30/3, gia đình hai em cho biết Vương và Chiến đã đi học lại bình thường, tinh thần cũng đã ổn định hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận