Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ được triển khai theo hình thức BOT - Ảnh: Tạ Tôn |
Siết chặt công tác quản lý đầu tư đối với các dự án BOT là mục tiêu xuyên suốt trong các chính sách, chỉ đạo điều hành của Bộ GTVT những năm qua. Quá trình triển khai, do cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật còn thiếu chặt chẽ, Bộ GTVT đã chủ động đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư, ngăn chặn thất thoát, lãng phí tại các dự án BOT.
Quản chặt như công trình ngân sách
Trước khi Nghị định 15/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) được ban hành, các dự án BOT giao thông chủ yếu áp dụng theo quy định của Nghị định 108/2009. Về mặt pháp lý, nhiều quy định của Nghị định 108 còn tồn tại kẽ hở, nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời, tình trạng thất thoát, lãng phí rất dễ xảy ra.
"Trong 51 dự án BOT đã quyết toán, Bộ GTVT đã ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh thời gian thu phí của 23 dự án, trong đó có 18 dự án đã điều chỉnh giảm thời gian thu phí. Còn lại 28 dự án đang được Bộ GTVT rà soát, tính toán lại phương án tài chính theo hướng ưu tiên điều chỉnh giảm giá. Trong số này, 21 dự án có thể điều chỉnh giảm giá trong thời gian tới”. Ông Nguyễn Danh Huy |
Điển hình, Nghị định 108 quy định cho phép nhà đầu tư được giao toàn quyền trong việc lập và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S), dự toán công trình và tự tổ chức quản lý thi công, thu phí hoàn vốn. Quy định này được coi là “lỗ hổng” pháp lý, bởi các thông số về dự án có thể bị bóp méo khi nhà đầu tư “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, tình trạng thất thoát, lãng phí xảy ra là điều khó tránh khỏi.
Đại diện Cục QLXD & CLCTGT (Bộ GTVT) cho biết, ngay cả khi Chính phủ ban hành Nghị định 15 ngày 6/2/2013 về quản lý chất lượng công trình xây dựng, vai trò của cơ quan Nhà nước chỉ dừng lại ở mức thẩm tra thiết kế của dự án BOT. Phải đến năm 2014, khi Quốc hội ban hành Luật Xây dựng, lúc đó mới có quy định cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền được quyền thẩm tra dự toán công trình của các dự án BOT.
“Quá trình quản lý đầu tư, Bộ GTVT đã nhận thấy lỗ hổng này và ban hành ngay Văn bản 3085 ngày 4/10/2013 (sau này là Văn bản 4255/2015) quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban QLDA - Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các dự án đầu tư bằng hình thức hợp đồng BOT và BT. Theo đó, trong các hợp đồng BOT đều có điều khoản, nhà đầu tư phải trình hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán để Ban QLDA rà soát. Sau đó, Bộ GTVT sẽ tiến hành thẩm tra, thẩm định lại. Khi quy định này được ban hành, một số nhà đầu tư kêu ca, nhưng đây là việc bắt buộc Bộ GTVT phải làm để kiểm soát chặt chẽ quá trình đầu tư, xây dựng và đảm bảo hiệu quả đầu tư cho các dự án BOT”, đại diện Cục QLXD&CLCTGT chia sẻ.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Phạm Quang Tú, Phó viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) khẳng định: “Quy trình thẩm tra, phê duyệt dự toán của các dự án BOT được thực hiện giống như các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước”.
Theo ông Tú, trên cơ sở hồ sơ thiết kế, dự toán công trình do đơn vị tư vấn thiết kế lập, cùng các quy định về chế độ chính sách… Viện Kinh tế xây dựng tiến hành rà soát, đánh giá kết quả dự toán để ra báo cáo kết quả thẩm tra.
“Căn cứ vào kết quả thẩm tra, những gì chưa được, đơn vị tư vấn sẽ phải sửa lại và trình chủ đầu tư. Theo quy định của Bộ GTVT, trước khi chủ đầu tư phê duyệt dự toán phải trình Ban QLDA thẩm tra và Bộ GTVT thẩm định lại. Quy trình thẩm tra, phê duyệt dự toán như vậy rất chặt chẽ và không khác gì dự án sử dụng ngân sách”, ông Tú nói.
Dẫn chứng tại dự án BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT Phương Thành Tranconsin cho biết, nếu theo Nghị định 108, nhà đầu tư được quyền lập và phê duyệt thiết kế kỹ thuật. Tuy nhiên, Bộ GTVT đã ban hành văn bản quy định, nhà đầu tư phải trình thiết kế kỹ thuật cho Ban QLDA thẩm tra, sau đó, Cục QLXD&CLCT tiến hành thẩm định.
“Căn cứ vào kết quả thẩm tra, thẩm định của Bộ GTVT, chúng tôi mới được phép phê duyệt và triển khai ký hợp đồng với các nhà thầu. Trong quá trình triển khai, các đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát hay xây lắp được lựa chọn cũng đều phải căn cứ vào kết quả xếp hạng năng lực của Bộ GTVT”, ông Khôi nói.
Cũng theo ông Khôi, công tác quyết toán công trình cũng trải qua rất nhiều công đoạn, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. “Tôi khẳng định, quy trình quản lý đầu tư dự án BOT không khác gì một dự án dùng vốn ngân sách. Còn một số ý kiến cho rằng, nhà đầu tư BOT tự tung tự tác chỉ là những quan điểm cá nhân”, ông Khôi thẳng thắn.
80 đoàn thanh tra, kiểm toán đã minh bạch?
Không chỉ kiểm soát các dự án BOT bằng các quy định văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GTVT còn chủ động đưa ra giải pháp để ngăn chặn tình trạng lãng phí trong quá trình triển khai thi công các dự án BOT. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Xuân Sanh, nguyên Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT cho biết, năm 2014, Bộ GTVT thành lập các tổ để rà soát về quy mô thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật tại các dự án BOT đang trong quá trình triển khai trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.
“Qua rà soát, nhiều cây cầu cũ có thể sửa chữa, gia cố đảm bảo khả năng khai thác an toàn sẽ được cắt giảm không xây dựng mới như dự kiến ban đầu. Cùng đó, nhiều đoạn tuyến được điều chỉnh quy mô đảm bảo phù hợp, hạng mục nào không cần thiết sẽ cắt giảm,… Kết quả là các dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã tiết giảm tổng mức đầu tư hàng chục ngàn tỷ so với ban đầu nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả đầu tư”, ông Sanh nói.
Trong năm 2015, Bộ GTVT đã chủ động mời kiểm toán Nhà nước, các cơ quan thanh tra tiến hành thanh, kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng tất cả các dự án BOT đang triển khai để chấn chỉnh và nâng cao công tác quản lý đầu tư trong quá trình triển khai dự án. Theo đó, đã có tổng cộng hơn 80 đoàn thanh tra, gồm: Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Bộ Xây dựng, Bộ KH&ĐT,… vào thanh, kiểm tra các dự án BOT.
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ PPP, Bộ GTVT cho biết, hợp đồng BOT là hợp đồng mở (có thể điều chỉnh thời gian thu phí khi quyết toán công trình hoặc khi lưu lượng xe tăng so với ước tính ban đầu...) nên việc Bộ GTVT mời các cơ quan thanh tra và kiểm toán vào đã giúp Bộ kiểm soát chi phí đầu tư thật và căn cứ vào kết quả kiểm toán điều chỉnh giảm cả trăm năm thu phí theo dự toán ban đầu”.
Nhằm minh bạch vốn đầu tư trong các dự án BOT, ngay sau khi các dự án này đi vào hoạt động, từ năm 2016, lãnh đạo Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt việc quyết toán các công trình. Trong nhiều cuộc họp của Ban cán sự Đảng Bộ GTVT, lãnh đạo Bộ thậm chí đưa việc hoàn thành quyết toán các dự án đầu tư BOT là tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo các Ban QLDA.
Kết quả, chỉ trong thời gian ngắn, Bộ GTVT đã hoàn thành quyết toán, xác định giá trị thực tế đầu tư của 54 dự án BOT, BT, trong đó có 51 dự án BOT. Đây được coi là kỷ lục chưa từng có của ngành GTVT trong công tác quyết toán công trình. Thông qua đó, người dân và xã hội sẽ biết được giá trị thực tế đầu tư của các dự án BOT và thời gian thu phí để giám sát.
Xem thêm:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận