Quản lý

Sự thật “kiểm toán 27 dự án BOT giảm gần 100 năm thu phí”

23/02/2017, 08:44

Đối với các dự án BOT, tổng mức đầu tư ban đầu, thời gian thu phí là tạm tính, Thứ trưởng Đông khẳng định.

1

Đường Hồ Chí Minh đoạn Km1793+600 - Km1824+00 tỉnh Đắk Nông là một trong những dự án giảm thời hạn thu phí sau kết luận của Kiểm toán Nhà nước (Trong ảnh: Trạm thu phí BOT Hoàn Mỹ, tỉnh Đắk Nông) - Ảnh: Ngọc Hùng

Tăng cường giám sát đầu tư, khai thác dự án BOT giao thông
28 trạm sẽ thu phí tự động không dừng từ 30/6

Vừa qua, một số phương tiện truyền thông đăng tải thông tin 27 dự án BOT giao thông phải giảm gần 100 năm thu phí theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Từ đó nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại, phủ nhận vai trò quản lý Nhà nước đối với các dự án này. Sự thật là như thế nào?

Bộ GTVT chủ động mời kiểm toán để quyết toán dự án

Theo các thông tin báo chí, tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 21/2 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT, Kiểm toán Nhà nước cho biết, nhiều dự án trong số 27 dự án kiểm toán phải giảm 5–7 năm thu phí. Tổng cộng tất cả các dự án, giảm tới gần 100 năm thu phí.

Chiều qua (22/2), trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công-tư (PPP – Bộ GTVT) cho biết, tại các hợp đồng BOT, thời gian thu phí ban đầu chỉ là dự kiến do một số dự án thực hiện theo hình thức chỉ định thầu. “Nguyên tắc tối thượng đối với các dự án thực hiện theo hình thức chỉ định thầu là thực thanh, thực chi. Do vậy, Bộ GTVT đã quy định trong tất cả các hợp đồng BOT, dự án sau khi đầu tư xây dựng và quyết toán được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận sẽ phải xác định lại thời gian thu phí. Đồng thời, khi lưu lượng xe tăng hoặc giảm so với phương án dự kiến ban đầu cũng vẫn phải điều chỉnh lại thời gian thu phí”, ông Huy nhấn mạnh.

"Bộ GTVT đã nhận diện tất cả các hạn chế của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh hình thức đầu tư BOT. Đồng thời, Bộ GTVT tiến hành tổng kết đánh giá 5 năm đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, BT với sự tham gia của bộ, ngành, chuyên gia và báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ các phương án khắc phục những hạn chế”.

Ông Nguyễn Danh Huy 
Vụ trưởng, Trưởng ban PPP

Theo ông Huy, để kiểm soát chặt chi phí đầu tư của các dự án BOT, từ đầu năm 2015, Bộ GTVT đã chủ động có văn bản gửi Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị hỗ trợ kiểm toán tất cả các dự án BOT phục vụ công tác quyết toán, tính toán lại thời gian thu phí một cách minh bạch. “Việc giảm thời gian thu phí các dự án BOT theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước cũng đang là thời gian tạm tính vì một số cơ chế chính sách về quyết toán các dự án BOT còn chưa rõ ràng nên cả 27 dự án trên đều chưa hoàn thành quyết toán cuối cùng. Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ vấn đề này”, ông Huy chia sẻ.

Đề cập đến giá trị tổng mức đầu tư của các dự án BOT giảm sau kiểm toán, ông Huy lý giải, cơ bản do các dự án được lập trong giai đoạn 2010 – 2012, khi đó chỉ số trượt giá CPI của Việt Nam rất cao, khoảng 10-12%/năm. Theo các thông tư hướng dẫn của Luật Xây dựng, dự phòng trượt giá trong cơ cấu tổng mức đầu tư của các dự án được tính dựa trên chỉ số trượt giá CPI. Do vậy, chỉ riêng dự phòng trượt giá có những dự án lên tới 25%. Trong khi đó, các dự án BOT được tiến hành triển khai xây dựng trong giai đoạn 2012–2015, nhờ sự chỉ đạo điều hành chính sách vĩ mô tốt nên chỉ số trượt giá chỉ từ 4-5% và giá vật liệu xây dựng cũng giảm mạnh. Đồng thời, tiến độ xây dựng các dự án được đẩy nhanh nên dự phòng trượt giá của các dự án gần như không sử dụng đến.

Mặt khác, để đảm bảo hiệu quả đầu tư của các dự án BOT trong khi nguồn lực đất nước còn khó khăn, Bộ GTVT đã chủ động thành lập các tổ rà soát để điều chỉnh giảm quy mô một số đoạn tuyến chưa cần thiết thuộc các dự án BOT nên chi phí GPMB và chi phí xây lắp của các dự án đều giảm.

“Việc giảm thời gian thu phí của các dự án BOT chứng tỏ chính sách điều hành kinh tế vĩ mô tốt và việc quản lý thực hiện các dự án đầu tư đã dần được chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại nhằm hướng tới sự hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng”, ông Huy nói và cho biết, ngoài 27 dự án BOT đã được Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán, Bộ GTVT còn chủ động chỉ đạo Thanh tra Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ và thanh tra của các bộ, ngành tiến hành công tác thanh tra.

“Trên cơ sở kết quả công bố của Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan thanh tra, Bộ GTVT mới lấy giá trị cuối cùng để tiến hành quyết toán dự án với nhà đầu tư và khi đó mới xác định thời gian thu phí chính thức của dự án. Do vậy, nhiều công trình sau khi quyết toán sẽ giảm thời gian thu phí so với dự kiến ban đầu là chuyện hết sức bình thường”, ông Huy nói.

2

Đường Hồ Chí Minh đoạn km 1793+600 - km 1824+00 tỉnh Đắk Nông là một trong những dự án giảm thời hạn thu phí sau kết luận của Kiểm toán Nhà nước - Ảnh: Minh Thi

Áp dụng chỉ định thầu đúng quy định

Chia sẻ với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cũng khẳng định, đối với các dự án BOT, tổng mức đầu tư ban đầu và thời gian thu phí là tạm tính. Sau khi hoàn thành, nhiều dự án có tổng mức đầu tư thực tế thấp hơn tổng mức đầu tư dự toán, do nhiều yếu tố.

“Sau khi quyết toán dự án sẽ chốt giá trị đầu tư thực tế để tính lại thời gian thu phí phù hợp. Kiểm toán Nhà nước chỉ ra mức chênh lệch và đề nghị giảm thời gian thu phí là căn cứ giữa tổng mức đầu tư tạm tính và giá trị thực tế của dự án khi hoàn thành. Bộ GTVT đang rà soát các dự án BOT, tính toán lại hợp đồng BOT. Sau khi quyết toán sẽ có phương án giảm mức phí hoặc thời gian thu phí của từng dự án cụ thể”, Thứ trưởng Đông cho biết.

Liên quan đến thông tin trong 27 dự án được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán thì 26 dự án chỉ định thầu, một số dự án đấu thầu có hai nhà thầu thì một nhà thầu bỏ cuộc, ông Nguyễn Danh Huy cho biết, theo quy định của pháp luật, Thủ tướng Chính phủ là người có thẩm quyền quyết định hình thức chỉ định thầu đối với các dự án quan trọng cấp bách.

“Cơ bản các dự án BOT thực hiện đầu tư tập trung trên QL1 và QL14 đều là những dự án quan trọng cấp bách. Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành để áp dụng hình thức này. Bên cạnh đó, có những dự án BOT, Bộ GTVT đã đăng tải danh mục đầu tư trong vòng 30 ngày nhưng chỉ có một nhà đầu tư tham gia, khi đó sẽ tiến hành áp dụng theo hình thức chỉ định thầu theo đúng quy định của pháp luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.