Hàng ngàn ô tô của Honda Việt Nam cập cảng Hiệp Phước ngày 1/3 đã chứng minh Nghị định 116 không cản trở hoạt động nhập khẩu ô tô của doanh nghiệp - Ảnh: N.A |
Tuần qua, trước những “bức xúc” của một số doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu ô tô cho rằng, Nghị định 116 và Thông tư 03 đang “ngáng chân” việc sản xuất và kinh doanh, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã có cuộc gặp để lắng nghe. Thực tế chính sách mới đang “cản trở” làm cho mọi việc xấu đi hay đang “căn chỉnh” lại thị trường cho mọi thứ tốt lên?
Nghị định 116 không có vướng mắc
Thực tế trước thời điểm ban hành Nghị định 116 (tháng 12/2017), không ít chuyên gia đã tiên lượng về một cuộc di tản của các liên doanh sản xuất ô tô trong nước. Điều này cũng dễ hiểu khi quy mô thị trường Việt Nam còn nhỏ (khoảng 300 nghìn xe/năm), công nghiệp hỗ trợ chưa đủ mạnh dẫn đến chi phí sản xuất, lắp ráp trong nước cao hơn so với khu vực.
Trước nguy cơ thị trường Việt Nam trở thành “sàn diễn” của các dòng xe nhập khẩu từ ASEAN, Chính phủ đã có một số chính sách để cân bằng giữa xe nội và xe nhập khẩu, trong đó có hiệu ứng mạnh mẽ nhất là Nghị định 116 về điều kiện kinh doanh ô tô. Đến nay, Thông tư số 03 hướng dẫn Nghị định 116 cũng đã được Bộ GTVT ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/3/2018.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Quang Hà, Phó vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT) cho biết, mặc dù đến nay một số doanh nghiệp (DN) vẫn còn kiến nghị xung quanh nội dung nghị định và thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên các kiến nghị đó là do cách hiểu chưa đúng, thực tế không có vướng mắc gì.
Chẳng hạn nhiều DN nêu khó khăn về quy định phải có bản sao Giấy chứng nhận kiểu loại ô tô nhập khẩu và cho rằng quy định này không phù hợp với thông lệ quốc tế. Thực tế đến nay, Bộ GTVT đã chấp nhận mẫu Giấy chứng nhận (GCN) do Chính phủ Thái Lan cấp cho xe Ford Ranger, Ford Everest, các mẫu xe của Honda hay mẫu GCN do nhà sản xuất Ford (Hoa Kỳ) tự phát hành... Đồng thời, các đối tác của Thaco và Thành Công như: Trung Quốc (Foton), Đức (BMW, MINI), Pháp (Peugeot), Nhật Bản (Mazda), Ấn Độ (Fuso), Hàn Quốc (KIA, Hyundai) đều đã cung cấp được GCN chất lượng kiểu loại đáp ứng yêu cầu.
Một số DN cũng cho rằng, việc kiểm tra theo lô xe nhập khẩu là không cần thiết. Tuy nhiên theo ông Hà, không có cơ sở để khẳng định tất cả lô xe nhập khẩu cùng kiểu loại đảm bảo tiêu chuẩn khí thải và an toàn giống như mẫu đại diện của lô xe nhập khẩu đầu tiên. Nói cách khác, không có căn cứ đánh giá chất lượng đồng nhất của kiểu loại trong sản xuất giữa các đợt sản xuất, lô hàng khác nhau khi nhập khẩu vào Việt Nam và có thể xảy ra gian lận chất lượng xe nhập khẩu. Nếu từng lô xe nhập khẩu vào Việt Nam không được kiểm tra khí thải và an toàn thì không công bằng đối với các xe được sản xuất, lắp ráp trong nước khi đang bị kiểm tra, giám sát để đảm bảo duy trì chất lượng trong sản xuất hàng loạt.
Ngoài ra, một số thông tin cho rằng, việc kiểm tra theo lô mất thời gian 1 - 2 tháng, gây tốn kém hàng chục nghìn USD cho mỗi lô hàng xe nhập khẩu. Thực tế, Thông tư 03 của Bộ GTVT đã miễn giảm một số điều kiện trong quy trình kiểm tra, thử nghiệm đối với xe nhập khẩu so với xe sản xuất trong nước (xe sản xuất trong nước phải thử nghiệm đủ 7 linh kiện).
Cụ thể, xe nhập khẩu chỉ thử nghiệm xe mẫu đại diện cho lô nhập khẩu và không phải thử nghiệm các linh kiện kèm theo như: lốp, gương, kính, đèn chiếu sáng, vật liệu nội thất chống cháy (các linh kiện này chỉ phải xuất trình giấy chứng nhận); không phải thử nghiệm phép thử bay hơi trong thử nghiệm khí thải, do đó thời gian và chi phí giảm nhiều so với việc thử nghiệm mẫu, chứng nhận kiểu loại xe sản xuất lắp ráp trong nước.
Đối với thử nghiệm khí thải, từ khi cơ sở thử nghiệm nhận xe mẫu đến khi trả kết quả không quá 2 ngày. Chi phí thử 27 triệu/mẫu (đối với động cơ xăng) và 28 triệu đối với xe động cơ diesel). Về thử nghiệm an toàn, cơ sở thử nghiệm nhận xe mẫu để thử nghiệm và trả xe ngay trong ngày. Chi phí thử nghiệm là 12 triệu/mẫu thử.
“Với dung lượng thị trường 300 nghìn xe/năm, các DN nhập khẩu không thể nhập khẩu lô hàng có số lượng ít mà mỗi lô hàng nhập khẩu ít nhất phải hàng trăm xe. Do đó việc lấy một mẫu xe trong lô hàng nhập khẩu để kiểm tra khí thải và an toàn không làm phát sinh chi phí đáng kể cho DN nhập khẩu, chi phí thử nghiệm nêu trên chỉ khoảng 40 triệu đồng.
Mẫu Honda CR-V đã được Chính phủ Thái Lan cấp GCN kiểu loại ô tô và nhập khẩu về Việt Nam |
Những tín hiệu tích cực
Theo một số chuyên gia, các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ và duy trì sản xuất lắp ráp trong nước là điều dễ hiểu bởi liên quan đến công ăn việc làm của hàng trăm nghìn lao động trong ngành sản xuất, lắp ráp, phụ kiện ô tô trong nước. Bên cạnh đó, công nghiệp ô tô cũng được coi là đòn bẩy thúc đẩy nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp quan trọng của đất nước, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ. Thực tế, dù nghị định mới được ban hành cuối năm 2017 nhưng đã cho thấy những dấu hiệu tích cực, trong đó rõ nhất là tín hiệu các hãng xe tiếp tục duy trì sản xuất, nhiều DN đang xúc tiến mở nhà máy tại Việt Nam.
Cụ thể, ngay từ đầu năm 2018, đại diện Hyundai Thành Công cho biết, đơn vị này đã tạm ngừng đưa về các mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc, thay vào đó là đẩy mạnh việc lắp ráp trong nước. Thực tế, kế hoạch chuyển dần sang lắp ráp 90-95% các mẫu xe du lịch đã được Hyundai xây dựng từ trước khi Nghị định 116 ban hành. Trước đó, vào tháng 7/2017, mẫu xe Hyundai Grand i10 đã được chuyển từ nhập Ấn Độ sang lắp ráp trong nước. Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Hyundai Thành Công khẳng định, với tỷ lệ nội địa hoá từ 40% trở lên, xe Hyundai lắp ráp tại Việt Nam sẽ được hưởng thuế nhập khẩu nội khối ASEAN 0% và hoàn toàn có thể xuất khẩu ngược sang các quốc gia trong khu vực.
Mới nhất, Tập đoàn Mitsubishi Motors (Nhật Bản) cũng đã gặp gỡ các cơ quan chức năng của Việt Nam để thông báo nghiên cứu việc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất xe hơi thứ hai với quy mô 250 triệu USD, công suất 50.000 xe/năm.
Đặc biệt, nhà máy mới sản xuất lắp ráp xe mang thương hiệu Mazda công suất 100.000 xe/năm (giai đoạn 1 là 50.000 xe/năm), tổng vốn đầu tư là 12.000 tỉ đồng cũng đang được Thaco gấp rút xây dựng, dự kiến đi vào hoạt động ngay cuối tháng 3/2018. Nhà máy này được giới thiệu là hiện đại nhất của Mazda ở khu vực ASEAN. Sản phẩm sẽ hướng tới mục tiêu tỉ lệ nội địa hóa đạt 40% cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước ASEAN…
Một số liên doanh ô tô khác tuy chưa công bố chính thức nhưng cũng đang có những động thái duy trì sản xuất trong nước, thậm chí còn có kế hoạch mở rộng nhà máy, gia tăng công suất.
Không chỉ bước đầu níu chân các DN duy trì sản xuất trong nước, thu hút thêm đầu tư vào lĩnh vực tiềm năng này, Nghị định 116 với các điều kiện kinh doanh ô tô chặt chẽ hơn đang từng bước tăng cường kiểm soát chất lượng đầu ra của loại phương tiện này, góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như bảo vệ môi trường, ATGT...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận