Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, lan rộng ở nhiều quốc gia trên thế giới, câu chuyện bệnh nhân có tái nhiễm sau khi đã khỏi bệnh khiến nhiều người lo lắng.
Việt Nam chưa thấy hiện tượng tái nhiễm
Gần đây, thông tin từ một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc phát hiện bệnh nhân tái nhiễm virus SARS-CoV-2 (loại virus gây dịch bệnh Covid-19) sau khi điều trị khỏi bệnh khiến nhiều người lo lắng. Cụ thể, theo Đài NHK của Nhật Bản, 1 nữ bệnh nhân được phát hiện dương tính với Covid-19 vào ngày 29/1 sau khi tiếp xúc với đoàn khách Trung Quốc. Bệnh nhân này sau đó được điều trị khỏi bệnh và xuất viện vào ngày 1/2. Tuy nhiên, gần 2 tuần sau khi xuất viện, bệnh nhân này xuất hiện dấu hiệu đau họng và tức ngực, đến khám và xét nghiệm lại dương tính với Covid-19.
Tại Trung Quốc, cũng có thông tin nhiều bệnh nhân đã bị nhiễm Covid-19 và được xuất viện sau khi bình phục đã lại có kết quả dương tính với chủng virus này. Tuy nhiên, các chuyên gia của địa phương này cho rằng, các bệnh nhân vẫn chưa hồi phục hoàn toàn khỏi chứng viêm phổi khi họ được xuất viện. Theo đó, những người hồi phục sau khi bị nhiễm viêm đường hô hấp cấp Covid-19 có thể phải được theo dõi trong một thời gian lâu hơn ngay cả sau khi họ có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 hai lần như quy định của giới chức y tế và được xuất viện.
Còn tại Việt Nam, đến nay đã ghi nhận 16 ca nhiễm Covid-19 đều được điều trị khỏi bệnh và xuất viện, trong đó có 11 bệnh nhân đến từ Vĩnh Phúc. Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Tính đến thời điểm này, các bệnh nhân nhiễm Covid-19 được điều trị và xuất viện trở về địa phương đều có sức khỏe tốt; trong đó, có những ca xuất viện đã gần 20 ngày. Thời gian sau khi ra viện, các bệnh nhân vẫn tuân thủ việc cách ly, theo dõi sức khỏe thường xuyên, có làm lại xét nghiệm Covid-19 và đều cho kết quả âm tính”.
Tương tự, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Ứng phó khẩn cấp vấn đề y tế công cộng (Bộ Y tế) khẳng định: “Tất cả 16/16 bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại nước ta đều đã được điều trị khỏi. Trước khi ra viện, các bệnh nhân đều được xét nghiệm cẩn trọng 2 - 3 lần liên tiếp và đều có kết quả âm tính. Tới thời điểm này tất cả đều có sức khỏe tốt”.
Trường hợp tái nhiễm Covid-19 được lý giải thế nào?
Chia sẻ quan điểm về liệu có tái nhiễm sau khi bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh Covid-19, BS. Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư khẳng định: “Với các bệnh nhân điều trị Covid-19, nếu hết sốt ba ngày, có dấu hiệu sinh tồn ổn định, chức năng các cơ quan tổn thương bình thường và quan trọng nhất là xét nghiệm PCR âm tính 2 - 3 lần sẽ được coi là khỏi bệnh và cho xuất viện. Với virus nói chung và SARS-CoV-2 nói riêng không thể nhiễm lại tức thì, mà có thể tái nhiễm sau thời gian khá dài khoảng 2 năm khi kháng thể của người mắc bệnh giảm đi”.
Về vấn đề này, PGS.TS. Vũ Xuân Phú, Phó giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư cho hay: “Câu hỏi này được rất nhiều người quan tâm và các thầy thuốc chúng tôi cũng quan tâm xem xét đánh giá tại Vĩnh Phúc. Theo các ca bệnh chúng ta quan sát từ đầu vụ dịch, thời gian ủ bệnh trung bình diễn ra từ 12v- 14 ngày. Theo tôi, thông tin về những ca nhiễm Covid-19 đã được điều trị, ra viện nhưng được cho là tái nhiễm thực chất là bệnh chưa khỏi. Do vậy, việc phải xét nghiệm nhiều lần để xác định khỏi bệnh trước khi xuất viện là cần thiết. Vì thế, tất cả những người đã xuất viện, xét nghiệm âm tính không có khả năng lây cho người khác”.
Cũng theo BS. Phú, tất cả những bệnh truyền nhiễm sau khi khỏi bệnh thì sẽ tạo được miễn dịch đối với bệnh đó, đây là cơ chế của hệ miễn dịch. Tuy nhiên, thời gian miễn dịch lại tùy vào từng loại bệnh. Và đối với trường hợp bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2 vẫn chưa có báo cáo cụ thể nào về miễn dịch. Do vậy, theo phương án hiện nay là cách ly 14 ngày, ở những diễn biến cụ thể sẽ có những xử lý phù hợp.
Còn theo TS.BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, thông thường một bệnh nhân khi mắc bệnh, rồi khỏi bệnh thì đã có kháng thể để không mắc bệnh đó nữa. Nhưng, cũng có người sau khi khỏi bệnh vẫn nhiễm lại do cơ thể không có miễn dịch, nhất là khi người đó trở về vùng dịch bệnh Covid-19.
“Với thông tin một số ca bệnh được Trung Quốc báo cáo tái nhiễm sau điều trị cũng đã được đính chính về nguyên nhân là chưa khỏi bệnh. Còn tại Nhật Bản cũng báo cáo 2 ca tái nhiễm, chưa rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, đây là con số rất nhỏ trong hàng ngàn ca bệnh Covid-19 và ngay Tổ chức Y tế thế giới cũng chưa có ý kiến về diễn biến này”, ông Trần Đắc Phu cũng cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận