Khám phá

Sự thật về "dịch bệnh" khiến cả làng thiệt mạng sau 1 đêm

01/01/2019, 09:47

Chỉ sau một đêm, hơn 1.700 người cùng 3.500 động vật đã bị xóa sổ.

VNE-Nyos-2602-1464249380

Hồ tử thần giết chết hơn 1.700 người. Ảnh: báo VnExpress 

Báo VnExpress đưa tin, hồ Nyos nằm ở vùng tây bắc Cameroon gắn liền với truyền thuyết về linh hồn ác quỷ nổi lên từ mặt hồ và giết chết những người sống xung quanh. Tuy nhiên, truyền thuyết này bắt nguồn từ một sự kiện có thực từng cướp đi mạng sống của hơn 1.700 cư dân địa phương.

Được biết, hồ Nyos hình thành trên miệng núi lửa cách đây 400 năm. Vào ngày 21/8/1986, sự kiện chấn động xảy ra. Hồ nước nổ tung, tạo nên đài phun nước cao hơn 90 m vươn thẳng vào không trung và gây ra một trận sóng thần nhỏ. 

Tổng cộng, 1.746 người tử vong trong thảm họa. Các làng Nyos, Kam, Cha và Subum không có người sống sót. Hơn 3.500 gia súc bị tiêu diệt chỉ trong vài phút. Hồ Nyos chuyển từ màu xanh dương sang màu đỏ sẫm, thay đổi gây ra do sắt bị khuấy tung từ đáy hồ.

h3_3_svml

Thảm họa khiến hàng ngàn động vật chết la liệt.  

Bài viết đăng trên Báo Pháp luật Việt Nam dẫn lời một nhân chứng kể lại: “Tôi ngửi thấy mùi gì đó kinh khủng nhưng không thể nói và bắt đầu trở nên mơ màng. Lúc ấy quay sang tôi nghe thấy con gái đang ngáy một cách bất thường, nhưng khi đi đến gần giường con bé tôi ngất lịm đi. Nằm đó tới 9h sáng, khi một người bạn tới và gõ cửa. Tôi ngạc nhiên thấy quần của mình dính máu. Cánh tay tôi bị thương nhưng không biết vì sao, thậm chí muốn nói, muốn thở cũng không được”.  

Điều đáng nói là thi thể các nạn nhân tập trung chủ yếu trong khu vực 20km quanh hồ. Càng tới gần hồ, số lượng xác chết lại càng tăng. Những ngôi làng nằm cách xa hồ có nhiều người sống sót hơn, đặc biệt là những người hay ở trong nhà. Còn ở Nyos, làng gần hồ nhất, cách đó chưa đến 4km, chỉ có 6/800 dân làng thoát chết.

Dựa vào những manh mối ban đầu, các nhà khoa học cho rằng núi lửa bên dưới hồ đã hoạt động trở lại, từ đó phun trào khí độc gây nên thảm họa chết người. Giả thuyết này nghe có vẻ hợp lý nhưng thực chất không phải vậy, bởi nếu một vụ phun trào có khả năng phóng đủ khí độc để giết chết nhiều người trên diện rộng như vậy buộc phải có hoạt động địa chấn. Trong khi đó, theo lời những người sống sót sau thảm họa kể lại, họ chỉ nghe thấy tiếng nổ lớn nhưng không hề có động đất hay hoạt động rung lắc nào. Đồ đạc và mọi thứ xung quanh cũng không hề có dấu hiệu xáo trộn.

Thời điểm đó, nhận thấy nước hồ chuyển thành màu đỏ và đục ngầu, các nhà khoa học xét nghiệm mẫu nước ở nhiều độ sâu khác nhau. Nhiều tháng sau, kết quả cho thấy “hung thủ” bí ẩn chính là khí CO2. 

Được biết, thảm họa hồ Nyos là thảm họa nổ khí CO2 thứ 2 trong lịch sử. Trước đó, vào ngày 15/8/1984, một vụ nổ lớn phát ra từ hồ Monoun nằm trên miệng núi lửa cách hồ Nyos không xa, đã khiến 37 người thiệt mạng. Ngày nay, giới khoa học cho rằng chỉ có ba hồ trên thế giới là Nyos, Monoun và Kivu nằm giữa biên giới Congo và Rwanda tích tụ đủ khí CO2 hòa tan ở đáy hồ gây chết người.

Không muốn tái diễn thảm họa này một lần nào nữa, chính phủ Cameroon đã buộc người dân sống tại các làng ven hồ Nyos phải rời đi nơi khác. Họ tháo dỡ nhà dân để ngăn không cho bất cứ ai quay về trước khi khu vực hồ an toàn trở lại.

Mất khoảng một năm để tìm ra nguyên nhân, nhưng các nhà khoa học lại mất thêm 10 năm nữa để tìm cách giải phóng khí CO2. Họ đã đặt một chiếc ống có đường kính 13cm xuống độ sâu 182m, ngay phía trên đáy hồ. Nước ở tầng đáy được bơm qua ống, phun lên cao nhằm nhả khí CO2 ra ngoài. Quá trình này kéo dài liên tục cho đến khi CO2 dưới đáy hồ thoát hết. 

Sau khi thử nghiệm thành công vào năm 1995, ống thoát khí độc được chính thức đưa vào sử dụng năm 2001. Tính đến mùa thu năm 2006, ống thoát khí vẫn hoạt động tốt và giải phóng được gần 20 triệu m3 khí mỗi năm, lớn hơn lượng khí nạp vào hồ.

Sự kiện kinh hoàng năm 1986 tại hồ Nyos là trường hợp ngạt khí chết người nhiều nhất từng ghi lại được. Ngày nay hồ Nyos vẫn là một hiểm họa tiềm tàng. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.