Thời sự Quốc tế

Sự thật về các tin đồn gây chấn động đối với ba đời Chủ tịch Triều Tiên

29/04/2020, 16:37

Chosun Ilbo, báo lớn nhất Hàn Quốc, do xuất bản báo in, đã không bao giờ có cơ hội sửa sai khi đăng đến 7 trang tin đồn về ông Kim Nhật Thành.

img
Hai vợ chồng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un xuất hiện trong một sự kiện đối ngoại quan trọng - ảnh tư liệu.

Theo hãng thông tấn AP của Hoa Kỳ, trong khi sự vắng mặt bất thường kéo dài hơn hai tuần gần đây của Kim Jong Un, đã kích thích sự tò mò và làm nảy sinh những đồn đoán nói rằng nhà lãnh đạo trẻ tuổi này đang bị ốm nặng, thực tế, Chủ tịch Kim Jong Un cũng không phải là thành viên đầu tiên của giới lãnh đạo cấp cao ở Triều Tiên bất ngờ ẩn mình khỏi tầm nhìn của công chúng.

Theo AP, một số sự vắng mặt hay ẩn mình của các lãnh đạo Triều Tiên trong quá được gây ra bởi những rắc rối hư cấu, nửa đúng nửa thật hoặc không bao giờ được xác nhận, chúng tập trung chủ yếu quanh vấn đề liên quan đến sức khỏe, biến cố hoặc những nghi ngờ về các hoạt động thanh trừng.

Nhưng, theo hãng thông tấn của Mỹ, thường thì những vụ “ẩn mình” của các nhà lãnh đạo Triều Tiên trong quá khứ chỉ cho thấy sự mất kết nối giữa sự tò mò vô độ của dư luận về những gì mà xảy ra bên trong quốc gia có vũ khí hạt nhân, bị cô lập và “chiếc áo choàng bí mật dày đặc” xung quanh các nhà lãnh đạo của quốc gia ở khu vực Đông Bắc Á.

AP đã điểm lại các sự kiện để cung cấp một cái nhìn về các trường hợp “ẩn mình” trong quá khứ của các quan chức ở Triều Tiên.

Lãnh tụ Kim Nhật Thành

img
Lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành.

Theo hãng tin AP, trước khi qua đời vào năm 1994, người ta cho rằng không có người Hàn Quốc nào không sợ người sáng lập nhà nước Triều Tiên Kim Nhật Thành – tức ông nội chủ Chủ tịch đương nhiệm Triều Tiên Kim Jong Un.

Các lực lượng vũ trang của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào miền Nam (Hàn Quốc) vào tháng 6 năm 1950, gây ra một cuộc chiến tàn khốc, đã thu hút sự can thiệp trên quy mô lớn của Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Cuộc chiến tranh này đã giết chết và làm bị thương hàng triệu người trước khi một hiệp ước đình chiến được ký ba năm sau đó (Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953).

Ông Kim Nhật Thành cũng phái lực lượng đặc nhiệm tiến hành một nỗ lực (nhưng thất bại) ám sát Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee vào năm 1968.

img
Ông Kim Nhật Thành khi trẻ - ảnh tư liệu.

Tiếp đó, năm 1983, Triều Tiên đã cử các đặc vụ tiến hành một vụ đánh bom nhằm ám sát Tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Chun Doo-hwan khi ông này đến thăm Myanmar, khiến 21 người chết, trong đó có một số bộ trưởng nội các Hàn Quốc.

Theo tư liệu của báo Foreign Policy, Triều Tiên từng muốn ám sát Tổng thống Chun Doo-hwan bằng cách cài bom trong một chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Hàn Quốc đến Yangon (Myanmar) vào năm 1983.

Khi đó, biệt kích Triều Tiên tiến hành cài chất nổ tại lăng Aung San để trừ khử ông Chun. Tuy nhiên, ông Chun, mục tiêu chính trong âm mưu, may mắn thoát chết nhờ xe chở ông đến muộn hơn kế hoạch.

Khi báo chí Hàn Quốc đưa tin đồn ông Kim Nhật Thành qua đời vào tháng 11 năm 1986, dư luận ở Hàn Quốc, ít nhất là trong vài giờ, đã tràn ngập tâm trạng. Thời điểm đó, cũng xuất hiện sự hoảng loạn không hề ít về sự bất ổn tiềm tàng ở các khu vực biên giới.

Các báo cáo bắt đầu lưu hành vào ngày 16 tháng 11 khi tờ Chosun Ilbo xuất bản một câu chuyện ngắn của một phóng viên ở Tokyo, người đã viết bài về các tin đồn ở Nhật Bản rằng ông Kim Nhật Thành đã qua đời.

Mọi thứ trở nên kỳ lạ đến bất ngờ vào ngày hôm sau (17 tháng 11) khi phát ngôn viên quân đội Hàn Quốc, đột ngột đưa ra tuyên bố khá kỳ quặc rằng “Triều Tiên đã sử dụng loa phóng thanh ở khu vực biên giới được gài đầy mìn để thông báo rằng ông (Kim Nhật Thành) đã bị bắn chết.

Báo Chosun Ilbo đã phát hành một số bổ sung để báo cáo sâu hơn về câu chuyện vào ngày 17 tháng 11 năm 1986, hôm đó là ngày thứ Hai, ngày mà các tờ báo ở Hàn Quốc thường không được xuất bản.

Tờ Chosun Ilbo đã sử dụng đến bảy trang báo in để mô tả vụ ám sát (tin đồn - PV) xảy ra đối với ông Kim Nhật Thành vào ngày 18 tháng 11, dưới tiêu đề nổi tiếng trên trang nhất là “ông Kim Nhật Thành bị bắn chết”.

Các tờ báo khác ở Hàn Quốc cũng đã viết những câu chuyện tương tự. Tuy nhiên, chỉ một vài tiếng sau đó, “sự điên cuồng về các bài báo” nói "ông Kim Nhật Thành chết” đột ngột kết thúc sau khi lãnh tụ Triều Tiên bất ngờ xuất hiện tại một sân bay ở thủ đô Bình Nhưỡng, để chào đón một phái đoàn Mông Cổ đến thăm.

Chosun Ilbo, tờ báo lớn nhất của Hàn Quốc, do đã xuất bản và đưa đi lưu hành phiên bản báo in, đã không bao giờ có cơ hội sửa sai. Tờ báo này sau đó (tháng 12/1986) đã chính thức lên tiếng xin lỗi dư luận về câu chuyện dài 7 trang giấy mà họ đã đăng tải trong khi làm lễ kỷ niệm 100 năm thành lập báo.

img
Bà Hyon Song Wol.

Tờ Chosun Ilbo cũng từng phải đưa ra lời xin lỗi công khai vì một bài báo xuất bản năm 2013, trong đó nói rằng ca sĩ và đảng viên cầm quyền cao cấp của Triều Tiên Hyon Song Wol đã bị xử tử.

Bà Hyon Song Wol xuất hiện trở lại trước công chúng vào tháng 5 năm 2014 và đến nay vẫn được coi là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất ở Triều Tiên, bà Hyon Song Wol cũng thường xuyên tháp tùng Chủ tịch Kim Jong Un tới một số hội nghị thượng đỉnh quốc tế.

Chủ tịch Kim Jong Il

Ông Kim Jong Il, cha của Chủ tịch Triều Tiên đương nhiệm Kim Jong Un, cũng là chủ đề của vô số báo cáo và tin đồn về sức khỏe và sự an toàn của nhà lãnh đạo này.

Năm 2004, một vụ nổ lớn bất ngờ xảy ra tại một nhà ga xe lửa của Triều Tiên, giáp khu vực biên giới với Trung Quốc.

img
Ông Kim Jong Il.

Vụ nổ này đã trở thành cái cớ cho những tin đồn về một vụ ám sát nhằm vào Chủ tịch Kim Jong Il khi ấy bởi trước đó vài giờ, ông Kim Jong Il đã đi qua khu vực này khi đang trên đường trở về Bình Nhưỡng từ thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc.

Vụ va chạm của hai đoàn tàu chở nhiên liệu được báo cáo đã giết chết và làm bị thương hàng ngàn người, nhưng, theo AP, mối liên hệ giữa vụ tai nạn này với chuyến đi của nhà lãnh đạo Triều Tiên khi ấy không bao giờ được xác nhận.

Những bàn tán về cái chết của ông Kim Jong Il sau tin đồn về một vụ đột quỵ xảy ra vào năm 2008 trở nên thường xuyên đến nỗi nó đã khiến cơ quan quản lý tài chính Hàn Quốc đã phải mở một cuộc điều tra xem liệu những tin đồn này có được cố tình lan truyền để thao túng thị trường chứng khoán của nước này khi đó hay không.

img
Bà Kim Kyong Hui.

Khi ông Kim Jong Il qua đời vào tháng 12 năm 2011, sau nhiều năm suy giảm sức khỏe và giảm sút sự xuất hiện của công chúng, thế giới bên ngoài không có manh mối nào cho đến khi truyền thông nhà nước Triều Tiên chính thức thông báo về sự ra đi của ông Kim Jong Il hai ngày sau khi ông mất.

Người em gái quyền lực một thời của ông Kim Jong Il khi ấy là Tướng Kim Kyong-hui, con gái của cựu lãnh tụ Kim Nhật Thành (với người vợ đầu tiên của ông Kim Jong-suk), cô ruột của nhà lãnh đạo Kim Jong Un cũng trở thành nạn nhân của những tin đồn ác ý.

img
Bà Kim Kyong Hui (mặc áo đen bên phải) và hai vợ chồng ông Kim Jong Un.

Tướng Kim Kyong-hui đã từng giữ chức vụ Giám đốc Ban Công nghiệp nhẹ của Đảng Lao động Triều Tiên kể từ năm 1988.

Hãng CNN vào tháng 5 năm 2015 đã trích dẫn lời một người đào thoát từ Triều Tiên, tung ra tin đồn nói rằng ông Kim Jong Un đã đầu độc cô mình (bà Kim Kyong-hui đến chết).

Tuy nhiên, người phụ nữ 73 tuổi này bất ngờ xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên sau khoảng sáu năm vào tháng 1/2020, khi cùng ngồi gần hai vợ chồng người cháu trai quyền lực Kim Jong Un trong một buổi hòa nhạc.

Chủ tịch Kim Jong Un

Theo AP, các báo cáo mâu thuẫn nhau xuất hiện trong tuần qua chủ yếu xoay quanh tin đồn nói rằng ông Kim Jong Un đang ốm nặng sau một cuộc phẫu thuật tim mạch, trong khi nhà chức trách Hàn Quốc cho rằng ông Kim Jong Un hoàn toàn khỏe mạnh và ở Triều Tiên không có gì bất thường xảy ra.

img
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un.

Năm 2014, ông Kim Jong Un cũng từng đột nhiên không xuất hiện trước công chúng trong gần sáu tuần trước khi xuất hiện trở lại với một cây gậy trên tay. Cơ quan gián điệp của Hàn Quốc cho biết ông đã trải qua một cuộc phẫu thuật để cắt bỏ một khối u ở mắt cá chân.

Năm 2016, truyền thông Hàn Quốc dẫn lời các quan chức tình báo cho biết ông Kim Jong Un đã ra lệnh xử tử một cựu chỉ huy quân sự (ông Ri Yong Gil) vì tham nhũng và các cáo buộc khác.

Nhưng, nhiều tháng sau, truyền thông nhà nước Triều Tiên cho thấy tướng Ri Yong Gil còn sống và vẫn đang phục vụ quân đội.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un được nhìn thấy lần cuối trước công chúng vào ngày 11 tháng 4 khi ông chủ trì một cuộc họp của đảng cầm quyền về phòng chống đại dịch Covid-19.

img
Hai vợ chồng nhà lãnh đạo Kim Jong Un xuất hiện cùng người em gái và người cô ruột.

Ông thậm chí đã không tham dự công khai lễ kỷ niệm sinh nhật ông nội Kim Nhật Thành vào ngày 15 tháng 4 vừa qua. Đây cũng là lần đầu tiên ông Kim Jong Un không tham gia sự kiện trọng đại của Triều Tiên kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2011.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên kể từ đó đã đưa tin ông tham gia vào các hoạt động thường ngày, nhưng không công khai.

Theo báo chí Triều Tiên, Chủ tịch Kim Jong Un đã gửi lời chào đến các nhà lãnh đạo Syria, Cuba và Nam Phi.

Trước đó, ông Kim Jong Un gửi thư bày tỏ sự biết ơn đối với các công dân ưu tú, bao gồm cả công nhân đã tham gia xây dựng các cơ sở du lịch ở thị trấn ven biển Wonsan, nơi mà một số người suy đoán ông đang ở.

Theo AP, dù ông Kim Jong Un có thể tái xuất bất cứ lúc nào, tiếp tục truyền thống gia đình, hồi sinh các hoạt động như thường lệ trên phương tiện truyền thông, một số chuyên gia nói rằng sức khỏe của ông Kim Jong Un đã và sẽ trở thành một yếu tố đáng chú ý trong những năm tới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.