Hiện Đại đức Thích Thanh Toàn (SN 1976 ở Quảng Trị, người vướng nghi vấn gạ tình nữ phóng viên), là Trụ trì chùa Nga Hoàng đã gửi tờ trình đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc xin xả giới, hoàn tục. Sư Thích Thanh Toàn cũng xin giữ lại tài sản cá nhân trị giá khoảng 200 - 300 tỷ đồng sau khi hoàn tục.
Liên quan đến thông tin sư Thích Thanh Toàn xin giữ lại tài sản trị giá 200 - 300 tỷ đồng khi hoàn tục, sáng 8/10, trao đổi với PV Báo Giao thông, Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm – Đoàn Luật sư TP Hà Nội nêu quan điểm không đồng tình.
“Sư thầy lấy tiền đấy ở đâu ra? Đi vào chùa với hai bàn tay trắng mà hoàn tục lại có tiền, thế thì phải chăng ở Giáo hội này là nơi kiếm tiền? Sư thầy không buôn bán thì chỉ có xác suất là tiền của chúng sinh đóng góp cho nhà chùa thông qua sư thầy. Không phải đóng góp cho sư thầy thì cái này là của Giáo hội, Giáo hội phải nhận lấy. Giáo hội không nhận thì trả lại nhân dân", ông Tú đặt vấn đề.
Theo ông Tú, nếu nói là tài sản cá nhân sư Toàn, thì phải có các giấy tờ chứng minh. Sư Toàn phải chứng minh được có một khoản thừa kế, hồi môn chẳng hạn. Còn nếu khối tài sản 200 - 300 tỷ đồng có được từ việc Phật tử cung tiến cho nhà chùa, thì sư Toàn không thể giữ lại sau khi hoàn tục.
Trong clip cuộc họp chiều 5/10 với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc, Đại đức Thích Thanh Toàn gây sốc khi khoe tài sản trị giá khoảng 200 - 300 tỷ đồng và tuyên bố nếu muốn có thể cưới vợ, ăn chơi thoải mái sau khi hoàn tục mà không sợ bất cứ thế lực nào cả.
Đại đức Thích Tâm Vượng, Phó trưởng ban kiêm chánh thư ký Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Giáo hội đã chấp nhận đơn xin hoàn tục của sư Thích Thanh Toàn. Giáo hội sẽ tiếp quản chùa Nga Hoàng và không can thiệp tài sản đứng tên sư Toàn. Sắp tới Giáo hội Vĩnh Phúc sẽ phối hợp với chính quyền địa phương và Thích Thanh Toàn để xác minh nguồn gốc tài sản của ông ta.
Theo Đại đức Thích Tâm Vượng, tài sản đối với người tu hành có 2 loại. Một là tài sản thuộc cơ sở tôn giáo, hai là tài sản thuộc sở hữu cá nhân. Như nếu phật tử cúng pho tượng ngọc trị giá hàng tỉ đồng cho chùa Nga Hoàng thì pho tượng vẫn là tài sản của chùa Nga Hoàng. Nhưng nếu phật tử biếu cho sư Toàn cái xe máy, ô tô, sư Toàn đi đăng ký với thế danh của thầy thì đó là tài sản cá nhân của thầy, được pháp luật bảo hộ. Hoặc đất đai không nằm trong sổ đỏ của chùa Nga Hoàng, do sư Toàn mua bán hợp pháp thì đương nhiên sư Toàn được quyền sở hữu. Giáo hội không thể thu hồi tài sản thuộc sở hữu cá nhân của sư Toàn.
>>> Video sư Thích Thanh Toàn khoe sở hữu tài sản 200 - 300 tỷ đồng:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận