Làm báo cùng Giao thông

Sư uống rượu, ăn thịt chó, hiểu thế nào?

06/12/2015, 06:42

Vấn đề ăn chay mặn trong tu tập thực sự đang là cuộc tranh luận chưa có hồi kết giữa các nhánh Phật giáo.

Thái-Lan-3

Đa phần người tu hành theo đạo Phật tại Thái Lan Myanmar, Srilanka... không ăn chay

Vấn đề ăn chay mặn trong tu tập thực sự đang là 1 cuộc tranh luận chưa có hồi kết giữa các nhánh Phật giáo. Đa phần người tu hành theo đạo Phật tại các quốc gia Myanmar, Srilanka, Thái Lan, Lào, Campuchia không ăn chay.

Việc báo chí đưa tin một số nhà sư ăn thịt chó, uống rượu ngay trong chùa đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Hình ảnh này thực sự không thể chấp nhận trong con mắt của đại đa số người Việt nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, vấn đề ăn chay, mặn trong tu tập thực sự đang là một cuộc tranh luận chưa có hồi kết giữa các nhánh Phật giáo. Đa phần người tu hành theo đạo Phật tại các quốc gia Myanmar, Srilanka, Thái Lan, Lào, Campuchia không ăn chay còn ở Việt Nam và Trung Quốc, điều này là phổ biến.

Ngay cả Đức Phật, theo sách vở ghi chép lại, cũng chỉ ăn chay trường 6 năm. Ngài nói đó là 6 năm Ngài trả nghiệp ác. Theo cách hiểu của người viết bài này, ăn chay không phải là hình thức bắt buộc hay mục đích của đạo Phật. Người theo đạo không quan tâm đến thịt hay rau mà chỉ cần biết đó và vật thực trong sạch mà thôi.

Các tài liệu lưu lại cho thấy, Luật Tạng (Mahavagga, VI, 31-2) ghi lại việc Đức Phật và các vị Tỳ Khưu của ngài được tướng quân Siha mời một bữa trai tăng trong đó thịt đã được cúng dường. Ngay sau đó đã lan truyền chuyện tướng quân Siha giết một “con vật béo” và chính Đức Phật đã cố ý tham dự bữa tiệc đó, và như thế, Ngài đã phạm phải một hành vi gây hậu quả nghiệp chướng nghiêm trọng. Trong thực tế, món thịt dùng để cúng dường trai tăng đã được mua ở chợ, tức là con vật không bị giết để dành riêng cho việc đó.

Tuy nhiên, Đức Phật đã tận dụng cơ hội này để chế định giới luật liên quan đến việc sử dụng thịt và cá khi Ngài giáo giới chúng đệ tử. Đó là chỉ được sử dụng thịt khi đáp ứng đủ 3 điều kiện là không nghe - không thấy - không nghi.

Ba điều kiện trên đòi hỏi người tu tập khi ăn mặn thì không được chứng kiến sự giết mổ, không nghe nói rằng con vật đó được giết để cho mình ăn và không khởi lên sự nghi ngờ về hai trường hợp trên (nghĩa là mắt, tai và tâm ý phải thỏa mãn được “sự vô can” về món thịt đó).

Ngay trong thời của Đức Phật đã có một vị Đề Bà Đạt Đa khởi xướng ý đưa vào giới luật việc bắt buộc giới tu hành phải ăn chay trường. Đức Phật đã bác bỏ chủ thuyết đó vì như vậy dễ sa vào cực đoan khổ hạnh ép xác (mục tiêu tối thượng của chúng sinh trong tam giới là tu tập hướng đến giải thoát chứ không phải là khổ hạnh ép xác hoặc đắm chìm trong hưởng thụ khoái lạc ngũ trần).

Hơn nữa, việc tăng chúng thọ thực để đủ sức tu tập thoát khổ thì khi ăn uống không quá chú trọng đến vật thực. Vật thực lúc này chỉ mang tính chất của tứ đại (cứng - mềm, nóng - lạnh, căng - chùng, kết dính) mà thôi.

Điều này khác với cách thọ thực của những người không có đạo khi họ thọ thực với tâm bất thiện (thấy ngon, muốn ăn thêm nữa; thấy không ngon, muốn dừng ăn...).

Khi có chánh niệm trong thọ thực thì tâm ý và nhu cầu về vật thực sẽ đơn giản và thuần hậu. Điều này vô cùng quan trọng trong đời sống của Tăng chúng đệ tử Đức Phật khi hàng ngày thực hiện hạnh khất thực độ sinh. Trường hợp tăng chúng đi khất thực thì có gì dùng nấy, không được chọn lựa vật thực chay hoặc mặn, vật thực của thí chủ này chứ không phải của thí chủ kia...

Ở đây, cần phải nhấn mạnh là ý nghĩa và mục đích của đạo Phật là hướng đại chúng đến tu tập giải thoát khổ bằng cách thanh tịnh thân - khẩu - ý. Thiếu 1 trong 3 điều kiện đó cũng là thất bại. Như vậy, những nhà sư ăn uống xô bồ, ngày say mấy bận, gây sự, nói năng thô lỗ như sư tại chùa Phú Thị và Nhạn Tháp (Hưng Yên) mà báo chí đưa tin những ngày vừa qua thì càng không thể đạt được tiêu chí thanh tịnh thân - khẩu - ý như giáo lý sâu xa của nhà Phật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.