Cơ chế riêng sẽ thu hút được nhân tài
Chiều nay (10/11), Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chính thức được trình tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, các đại biểu Quốc hội thống nhất cao việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi).
Theo các đại biểu Quốc hội, Hà Nội là trái tim của cả nước, sự phát triển của Thủ đô là niềm tự hào chung của cả nước. Vì vậy, việc hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) không chỉ đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô mà còn tạo sự lan tỏa, tạo động lực dẫn dắt cho cả vùng và đất nước.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho biết, trong 63 tỉnh, thành phố trong cả nước cũng chỉ có duy nhất Hà Nội có Luật Thủ đô; và Thủ đô Hà Nội chỉ có một. Luật Thủ đô được ban hành năm 2012 đã tạo bước đột phá để Hà Nội tiến lên một bước mới.
"Tuy nhiên, sau 10 năm đi vào cuộc sống, thực tiễn thi hành Luật Thủ đô 2012 cũng đã bộc lộ nhiều vướng mắc, hạn chế, đòi hỏi phải sớm sửa đổi để phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển", ông Hòa nói.
Ông Hòa tán thành với quy định về cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô được nêu trong dự thảo Luật.
Việc thu hút và "giữ chân" nhân tài cần hướng đến không chỉ người ở trong nước mà còn cả người ở nước ngoài, không chỉ là những người gốc Hà Nội mà còn từ khắp các tỉnh, thành phố và kiều bào muốn đến Hà Nội sinh sống và làm việc.
"Do đó, cần có những cơ chế, chính sách đặc thù tương đối cho mọi đối tượng, để mọi người đến với Hà Nội đều cảm nhận được một chính quyền đô thị nhân văn, có tinh thần cầu thị. Tôi tin rằng Hà Nội sẽ có những chế độ đãi rõ ràng, cụ thể, phù hợp với thực tiễn và quỹ ngân sách của mình.
Điều quan trọng, cốt lõi nhất là những chính sách này phải mang tính đãi ngộ vượt trội, hơn hẳn những nơi khác để người giỏi, người tài phát huy được năng lực, cống hiến xây dựng Thủ đô phát triển", ông Hòa nói.
Cần tạo thể chế thuận lợi nhất, phân cấp mạnh mẽ nhất
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho rằng, việc trình Quốc hội xem xét dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV có ý nghĩa rất quan trọng bởi Thủ đô Hà Nội và TP.HCM là hai đô thị đặc biệt của quốc gia, hai đô thị này đang quyết định 45% tổng thu ngân sách của của cả nước.
Quan trọng hơn, Thủ đô Hà Nội và TP.HCM là bộ mặt của quốc gia, là cửa ngõ giao lưu và hội nhập quốc tế, nhất là Thủ đô Hà Nội. Nhân dân cả nước luôn tin yêu, kỳ vọng Hà Nội về một Thủ đô đi đầu.
"Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức vận hành thời gian qua đã gặp nhiều vướng mắc về thể chế. Cho nên, chúng ta cần tạo thể chế thuận lợi nhất, phân cấp mạnh mẽ nhất cho Thủ đô Hà Nội", ông Ngân nói.
Ngoài ra, ông Ngân cho biết, qua quá trình triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, có nhiều nội dung mà một đô thị đặc biệt cần phải được áp dụng.
Đặc biệt, những nội dung này đã được cập nhật vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) như vấn đề phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), phát triển đô thị gắn với giao thông hay phân cấp trong điều chỉnh quy hoạch, tổ chức bộ máy…
"Do đó, tôi tin chắc dự thảo Luật được đưa ra trình tại kỳ họp này sẽ được các đại biểu ủng hộ, tán thành", ông Ngân nói.
Phải có cơ chế để đầu tư, ưu đãi nhiều hơn
Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) cho biết, chúng ta đã có Luật Thủ đô năm 2012 nhưng thực tế cho thấy pháp luật về Thủ đô thời gian qua vẫn chưa đầy đủ, chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trái tim của cả nước.
Hà Nội là Thủ đô của cả nước, mà Thủ đô phải là nơi hội tụ của cả quốc gia, là hình ảnh đại diện, là hình mẫu quốc gia. Như vậy, Thủ đô không thể như một địa phương, một tỉnh hay một thành phố. Vì vậy, cần phải có những cơ chế quản lý, đầu tư khác biệt so với các địa phương khác.
"Từ đó, tôi cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này phải đặt ra một cơ chế thực sự đặc thù, tạo ra được khuôn khổ pháp lý mang tính bao trùm so với các luật hiện hành khi áp dụng riêng cho Thủ đô. Tinh thần bao trùm đòi hỏi Thủ đô phải được phát triển ở mức cao hơn, tiêu chuẩn phát triển cao so với các thành phố khác", ông Cường nói.
Ngoài ra, ông Cường cho rằng, phải có cơ chế để đầu tư, ưu đãi nhiều hơn. Đặc biệt, phải có một cơ chế để khai thác những tiềm năng vốn có của Thủ đô để vừa tạo ra nguồn lực phát triển, vừa thu hút được nguồn lực từ bên ngoài.
Nếu đạt được các yêu cầu như vậy, chắc chắn Luật Thủ đô (sửa đổi) chính là một công cụ pháp lý để tạo hành lang phát triển, đồng thời cũng tạo ra một công cụ để thu hút các nguồn lực kinh tế.
Huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cũng cho rằng, cần thiết phải sửa đổi Luật Thủ đô.
"Luật Thủ đô ban hành năm 2012, trong khi đó, năm 2013, chúng ta thông qua Hiến pháp. Do vậy, rất cần sửa đổi Luật Thủ đô để phù hợp và cập nhật những điểm mới của Hiến pháp 2013", ông Hạ nói.
Cùng đó, ông Hạ cho biết, thời gian qua Trung ương, Bộ Chính trị và Quốc hội đã có một số nghị quyết ban hành cơ chế đặc biệt, đặc thù đối với TP Hà Nội. Vì vậy, cần thể chế hóa, luật hóa các nội dung này.
Ngoài ra, cần tạo cho TP Hà Nội những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Chỉ khi đó, Hà Nội mới có thể phát triển xứng tầm với vị thế là trái tim của cả nước, đúng với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận