Nhiều chương trình đẩy mạnh tiết kiệm điện
Theo Tổng công ty điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội), giai đoạn 2020-2023 Tổng công ty đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp của Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Trong các năm 2020-2023 dự kiến tiết kiệm được 1,85 tỷ kWh, tương đương 2,16% tổng sản lượng thương phẩm.
Cụ thể, năm 2020 tiết kiệm 430,8 triệu kWh; năm 2021 tiết kiệm được 447,1 triệu kWh; năm 2022 tiết kiệm được 481,2 triệu kWh. Ước thực hiện tiết kiệm điện năm 2023 là 500 triệu kWh.
Ngoài ra, EVN Hà Nội cũng đẩy mạnh thực hiện chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Đến nay, đã có 878 khách hàng đồng ý ký thỏa thuận tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) phi thương mại, với tổng công suất đăng ký tham gia tiết giảm là 123,8MW.
Đợt cao điểm nắng nóng hè 2023, EVNHANOI đã tạo dựng sự kiện DR các ngày 17-18-19/5/2023 trên chương trình DRMS với khung thời gian từ 12h00-15h00 và ngày 2/6/2023 với khung thời gian từ 13h-15h.
Qua đó, tại sự kiện ngày 17/5, tổng công suất tiết giảm 8,05MW. Sự kiện ngày 18/5, tổng công suất tiết giảm 42,155 MW. Sự kiện ngày 19/5, tổng công suất tiết giảm 19,660 MW. Sự kiện ngày 2/6, tổng công suất tiết giảm 8,1MW.
Đặc biệt, thông qua chương trình "Giờ Trái đất" tổ chức vào tháng 3 hàng năm với nhiều hoạt động như tổ chức khoảng 60 buổi tuyên truyền tiết kiệm điện lồng ghép sự kiện Giờ Trái đất tới các hộ gia đình thông qua các buổi họp tại tổ dân phố, cụm dân cư;
Tuyên truyền và yêu cầu các khách hàng có sử dụng điện chiếu sáng biển hiệu (các cửa hàng, khách sạn, cơ quan...) và các công ty quảng cáo lớn trên địa bàn Thủ đô tắt điện chiếu sáng biển hiệu, các tấm Panô quảng cáo trong thời gian diễn ra sự kiện Giờ Trái đất....
"Giai đoạn 2020-2023, tổng sản lượng điện tiết kiệm được trong 1 giờ diễn ra sự kiện Giờ Trái đất là 1,385 tỷ kWh", EVN Hà Nội cho hay.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, thông qua các hoạt động tuyên truyền và giáo dục cộng đồng, hơn 85% người dân Việt Nam biết và được tiếp cận với các kiến thức về tiết kiệm năng lượng; nhận thức của cộng đồng về sử dụng hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, đảm bảo được an ninh năng lượng quốc gia ngày càng được nâng cao.
Tiết kiệm điện còn chưa được hiệu quả
Dù ghi nhận có sự thay đổi tích cực về ý thức tiết kiệm điện nhưng Bộ Công thương thừa nhận việc sử dụng năng lượng (đặc biệt là sử dụng điện) ở Việt Nam chưa được tiết kiệm và hiệu quả, gây lãng phí lớn đối với ngành điện nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Cụ thể, tình trạng sử dụng điện còn chưa tiết kiệm, hiệu quả, biểu đồ phụ tải điện ngày còn có sự chênh lệch lớn giữa phụ tải trong các giờ cao điểm và giờ thấp điểm, dẫn tới việc vận hành hệ thống điện chưa đạt hiệu quả kinh tế tốt.
Một trong những nguyên nhân là Luật Điện lực còn một số hạn chế, chưa phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế trong giai đoạn hiện nay và còn thiếu một số nội dung về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để triển khai thực hiện Nghị quyết số 55/NQ-TW.
Thực tế, cùng với sự phát triển kinh tế, nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam tăng với tốc độ nhanh chóng (trung bình 10,5% trong giai đoạn 2011-2019), hệ số đàn hồi về điện (tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện so với tốc độ tăng trưởng GDP cùng năm) trong giai đoạn trước năm 2015 gần bằng 2 và đã giảm xuống khoảng 1,3 trong những năm gần đây.
Mặc dù hệ số đàn hồi có xu hướng giảm đi nhưng còn chậm, tốc độ tăng nhu cầu sử dụng điện vẫn cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP, thể hiện việc sử dụng điện còn kém hiệu quả.
Nguyên nhân, theo Bộ Công thương, Luật Điện lực năm 2004 được ban hành khi các hoạt động về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo ở giai đoạn sơ khai, chưa được triển khai rộng như hiện nay.
Đến năm 2010, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành cũng chưa quy định các nội dung chuyên ngành trong phát điện, truyền tải và phân phối điện, quản lý nhu cầu điện và phát triển thị trường tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng.
Do đó, các vấn đề về tiết kiệm điện trong phát điện, truyền tải và phân phối điện, quản lý nhu cầu điện, phát triển thị trường tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng cần được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện nay.
PGS.TS Nguyễn Minh Duệ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Kinh tế năng lượng, Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá: Về phía sử dụng điện, nói chung các doanh nghiệp và người dân sử dụng điện còn kém hiệu quả, lãng phí.
Nhiều doanh nghiệp với công nghệ lạc hậu, chưa thật chú ý đến cải tiến kỹ thuật, suất tiêu hao điện năng cho một đơn vị sản phẩm còn cao, chưa chú ý đến san bằng đồ thị phụ tải điện để góp phần giảm giá thành điện.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng điện, PGS.TS Nguyễn Minh Duệ đề nghị Chính phủ và các cơ quan như Bộ Công thương, Bộ Khoa học công nghệ nghiên cứu ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ trong việc đổi mới các dây chuyền công nghệ lạc hậu sang dây chuyền công nghệ mới tiên tiến.
Việc thay thế công nghệ lạc hậu bằng công nghệ tiên tiến cần phải có kinh phí. Chính phủ, các Bộ ngành và các địa phương cần tạo điều kiện về cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn để đổi mới công nghệ.
"Tóm lại, việc sử dụng hiệu quả và tiết kiệm sử dụng năng lượng cần tiến hành song song với việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp sản xuất năng lượng để góp phần phát triển năng lượng bền vững quốc gia", vị chuyên gia này đúc kết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận