Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, từ thành công của Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) 2008, lần sửa đổi Luật lần này sẽ bổ sung nhiều quy định mới để tạo nền tảng hiện đại hoá GTVT đường bộ, đồng thời kéo giảm sâu và bền vững TNGT.
Thay đổi lớn về diện mạo giao thông đường bộ
Thứ trưởng đánh giá thế nào về kết quả sau hơn 10 năm chúng ta thực hiện Luật GTĐB năm 2008?
Sau hơn 10 năm thực hiện Luật GTĐB, chúng ta có sự phát triển vượt bậc về kết cấu hạ tầng, vận tải và ATGT. Từ thôn, bản đến thành thị, mạng lưới giao thông đường bộ với gần 700.000km, bao gồm các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, đường địa phương và đường giao thông nông thôn. Đến nay, gần như chúng ta đã giải quyết dứt điểm tình trạng không có đường ô tô đến trung tâm xã. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã đánh giá, chỉ số năng lực kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam liên tục được cải thiện, từ thứ hạng 76 (năm 2014) lên 64 (năm 2018) trên 137 quốc gia được xếp hạng.
Cùng đó, giao thông đường bộ đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước. Chất lượng các tuyến đường có chuyển biến rõ rệt, tốc độ lưu thông, năng lực kết cấu hạ tầng cao hơn. Từ đó giúp năng lực vận chuyển tốt hơn là nền tảng đặc biệt quan trọng để phát triển dịch vụ vận tải. Tiếp đến là sự phát triển của phương tiện, tăng trưởng phương tiện rất lớn. Nguyên nhân là chúng ta làm tốt hạ tầng, có chính sách phát triển phương tiện phù hợp.
Trên tền tảng những quy định đã có trước, Luật GTĐB năm 2008 đã được xây dựng trên quan điểm rất tiến bộ, tạo nên một hệ thống quy định và chính sách điều chỉnh toàn diện, thống nhất chặt chẽ các đối tượng của GTVT đường bộ, bao gồm: Quy tắc giao thông, kết cấu hạ tầng, người tham gia giao thông, phương tiện và vận tải.
Có thể khẳng định, Luật GTĐB 2008 là nền tảng để thay đổi lớn về diện mạo, năng lực, chất lượng kết cấu hạ tầng, dịch vụ vận tải, phương tiện và đảm bảo ATGT trong hơn 10 năm qua.
Thứ trưởng vừa nói đến tính thống nhất, toàn diện của Luật GTĐB năm 2008. Vậy, nó đóng góp thế nào trong việc kéo giảm TNGT những năm qua?
Như trên tôi vừa nói, để giảm TNGT, 3 thành tố chính là hạ tầng, phương tiện và người lái phải có mối liên hệ chặt chẽ và thống nhất. Hạ tầng quan hệ biện chứng với hành vi của người tham gia giao thông, hành vi đó đúng hay sai đầu tiên phải xét đến môi trường tham gia giao thông đúng hay sai. Đường được thiết kế đúng quy định, biển báo đầy đủ, vạch sơn rõ ràng, tín hiệu tường minh được thể hiện trong hạ tầng. Điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện được quy định trong Luật được điều chỉnh trong mối tương quan. Khi có sự thay đổi nào đó về hạ tầng sẽ xem xét đến an toàn cho phương tiện, người lái và ngược lại.
Các nội dung trên được quy định chặt chẽ, không bị tách rời trong Luật. Tính đồng bộ, thống nhất không thể tách rời các yếu tố trên đã tạo cơ sở quan trọng để tổ chức quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong hệ thống chỉnh thể, giúp kéo giảm TNGT. Kết quả đó được thể hiện qua con số, nếu như năm 2010, mỗi năm có khoảng 12.000 người chết do TNGT, đến nay chỉ còn dưới 8.000 người.
Có tầm nhìn và sức sống ổn định từ 10-15 năm
Vậy vì sao chúng ta vẫn cần sửa đổi Luật GTĐB năm 2008, thưa Thứ trưởng?
Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của hạ tầng, phương tiện và đặc biệt là khoa học và công nghệ mới, Luật GTĐB 2008 chắc chắn không tránh khỏi những hạn chế, bất cập. Những quy định, chính sách ra đời từ năm 2008 không tránh khỏi lạc hậu.
Thực tiễn cũng đòi hỏi có quy định cụ thể hơn đối với quản lý điều kiện an toàn kỹ thuật, người điều khiển phương tiện, đặc biệt khi Việt Nam đã tham gia Công ước Viên. Cùng đó, cần phải giải quyết những tồn tại trong vận tải như việc trùng lắp giữa các loại hình vận tải hợp đồng và du lịch, tách rời vận tải khách liên tỉnh với xe buýt.
Bộ GTVT được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo sửa đổi Luật, điều đó không có nghĩa là Bộ GTVT được phép đưa ra những quy định thiếu khoa học, khách quan, gây khó khăn cho các bộ, ngành khác, mâu thuẫn với lợi ích của nhân dân. Đơn cử như quy định mô tô, xe máy phải có đèn nhận diện ban ngày cũng là vì bảo vệ ATGT cho người dân. Tuy nhiên, khi một bộ phận người dân chưa hiểu rõ về đèn nhận diện, thậm chí còn có người hiểu sai thành quy định phải bật đèn pha cả ngày thì chúng ta phải có trách nhiệm tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu rõ, từ đó ủng hộ và đồng thuận để thực hiện cho tốt.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ
Bộ GTVT sẽ sửa đổi Luật GTĐB lần này theo hướng như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Luật mới lần này được Bộ GTVT xây dựng với tinh thần khắc phục những tồn tại, kế thừa và phát huy thế mạnh về tính hệ thống, toàn diện của Luật GTĐB năm 2008.
Đặc biệt phải có tầm nhìn và sức sống ổn định từ 10-15 năm. Mục tiêu xây dựng Luật lần này, Bộ GTVT hướng đến một hệ thống giao thông đường bộ an toàn, thông suốt, thân thiện với môi trường và tiết kiệm chi phí cho nhân dân.
Nhiều điểm mới được đưa vào Luật
Những nội dung cụ thể được Bộ GTVT đề xuất sửa đổi là gì?
Trong dự thảo Luật GTĐB lần này, đối với phần kết cấu hạ tầng, bên cạnh quy định mới về đường cao tốc, sẽ phân định rõ nguồn lực tài chính phục vụ bảo trì và nguồn lực dành cho đầu tư phát triển. Luật mới sẽ đặt trọng tâm vào đầu tư phát triển những tuyến đường bộ có tính chất chiến lược như đường cao tốc. Việc phân định rõ nguồn tài chính sẽ tạo hành lang pháp lý cho hệ thống đường chất lượng cao thu phí để tái đầu tư. Tạo cơ chế thúc đẩy sử dụng ngân sách Nhà nước và các nguồn lực khác để đầu tư phát triển hệ thống đường chiến lược chất lượng cao.
Đặc biệt, dự thảo Luật cũng Luật hóa nhiều nội dung được quy định ở những văn bản dưới Luật như Nghị định, Thông tư đã ổn định. Đơn cử, quy định tốc độ và khoảng cách của phương tiện. Bên cạnh đó, để lấp khoảng hở và siết chặt tình trạng mất ATGT đối với xe đạp điện, xe máy điện, dự thảo cũng quy định người điều khiển phương tiện dưới 50cm3 phải được cấp GPLX.
Dự thảo cũng bổ sung quy định mô tô, xe máy phải có đèn nhận diện, đèn xe sẽ tự động sáng khi khởi động, trở thành điều kiện an toàn bắt buộc đối với phương tiện. Điều chỉnh phù hợp này một phần trên cơ sở tiếp thu ý kiến của người dân, mặt khác điều chỉnh sao cho phù hợp với Công ước Viên.
Để đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của công nghệ, dự thảo Luật lần này cũng mạnh dạn đề xuất cơ chế mở là giao cho Chính phủ quy định vấn đề tham gia giao thông của những phương tiện công nghệ mới có thể sẽ xuất hiện trong thời gian tới, tránh bị động như ứng xử với taxi công nghệ thời gian qua.
Đặc biệt, dự thảo Luật cũng phân công trách nhiệm giữa Bộ, ngành, địa phương phù hợp nhất với chức năng nhiệm vụ và đặc điểm của từng Bộ, ngành đảm bảo theo đúng nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính.
Hành lang pháp lý cũng quan trọng nhưng việc thực thi trong thực tế cũng quan trọng không kém. Thứ trưởng nói gì về điều này?
Tất nhiên, để tổ chức thực thi cho tốt, Luật GTĐB hay bất kỳ văn bản pháp luật chuyên ngành khác thì việc quy định trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương phải phù hợp với các quy định của nhiều văn bản Luật có liên quan khác.
Mặt khác, nếu thực tiễn đòi hỏi và được quy định trong Luật GTĐB về mặt chuyên môn, Quốc hội và Chính phủ sẽ xem xét cần có sửa đổi, bổ sung điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để đảm bảo khả năng thực thi tốt nhất. Một mặt rất quan trọng để giúp thực thi pháp luật hiệu quả đó chính là công tác giám sát của Quốc hội, HĐND, các đoàn thể thuộc MTTQ Việt Nam, hoặc giám sát trực tiếp của nhân dân, báo chí theo quy định pháp luật.
Còn về công tác đảm bảo ATGT, dự thảo Luật mới quy định thế nào?
Tôi cho rằng các giải pháp kéo giảm TNGT chung thường bám sát 5 trụ cột mà nhiều Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã đề ra bao gồm: Q⁴uản lý nhà nước, hạ tầng, phương tiện, con người và ứng phó sau tai nạn. Mục tiêu của Luật GTĐB năm 2008 đã định hình mục tiêu đảm bảo ATGT cho cả 5 trụ cột này.
Trong dự thảo lần này vẫn tuân thủ nguyên tắc toàn diện và tạo khung pháp lý tốt nhất cho công tác đảm bảo ATGT đường bộ bằng những quy định về ATGT sẽ được cụ thể hóa hơn nữa. Đơn cử, phải có quy định cụ thể về thẩm tra ATGT, cần nghiên cứu đưa vào quy định về đánh giá tác động giao thông của các công trình xây dựng lớn kết nối vào đường bộ (các khu đô thị, khu công nghiệp, công trình cao tầng kết nối với đường bộ), quy định cụ thể hơn về trách nhiệm bảo đảm ATGT của tất cả mọi tổ chức, cá nhân.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận