Nội dung nêu trên được nhấn mạnh tại hội thảo khoa học "Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)" do Trường Đại học Luật Hà Nội cùng Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với tổ chức, chiều 25/4.
Thời gian qua, Bộ Tư pháp và UBND TP Hà Nội đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động, tổ chức các cuộc họp với đại diện các bộ, ban, ngành có liên quan để góp ý trực tiếp vào từng nội dung, đề xuất trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Các đơn vị cũng tổ chức các hội thảo tham vấn nhiều chuyên gia, doanh nghiệp về các quy định, biện pháp thu hút đầu tư trong lĩnh vực văn hóa - thể thao, giáo dục đào tạo, y tế; Bảo vệ, phát triển văn hóa của Thủ đô; Cơ chế khai thác hiệu quả tài sản công; Hội thảo về phân cấp, phân quyền trong đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi (Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị) cho biết, Luật Thủ đô được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/11/2012. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô.
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) là bước tiến lớn trong công cuộc hoàn thiện thể chế về xây dựng, phát triển Thủ đô trong bối cảnh mới. Trong đó, các chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã được đề cập một cách rõ nét, thể hiện tầm quan trọng trong chiến lược về con người của nước ta.
Một nội dung đáng chú ý là Điều 16 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nêu rõ, việc thu hút, trọng dụng người có tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có nhiều điểm tiến bộ vượt bậc hơn so với quy định trong văn bản trước đây.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận, làm rõ hơn nhận thức chung về phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và vấn đề trọng dụng nhân tài hiện nay. Đây là yếu tố nòng cốt để phát triển nhanh và bền vững cho kinh tế và xã hội, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia là cán bộ, giảng viên trường Đại học Luật Hà Nội đã trình bày tham luận đề xuất xác định rõ các tiêu chuẩn xác định nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao; đề xuất cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.
Điển hình như quan điểm của thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Thúy (trường Đại học Luật Hà Nội), diễn giả này đề xuất, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần quy định rõ hơn khái niệm, tiêu chuẩn, điều kiện của nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng điều khoản riêng về tiêu chuẩn, điều kiện nguồn nhân lực chất lượng cao.
"Cần quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là chế độ về thu nhập, nhà ở và vị trí việc làm phù hợp, theo hướng quy định chế độ, chính sách đặc thù", bà Thúy nêu quan điểm.
Các chuyên gia còn nhìn nhận, Hà Nội có thể tăng cường thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là Việt kiều, du học sinh, kèm với đó là các chính sách phù hợp để tận dụng được tri thức của những đối tượng này.
Hay như quan điểm của tiến sĩ Trần Thị Quyên (trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, hiện nay việc thu hút nhân tài mới chỉ chú ý đến bằng cấp của đối tượng đó, mà chưa chú ý nhiều đến thực tiễn.
“Có thể xây dựng mức lương riêng và cụ thể cho nhân tài, có thể cao hơn so với mức lương của công chức thông thường”, bà Quyên đề xuất.
Ngoài những ý kiến trên, các diễn giả còn đề xuất một số giải pháp khác như: Có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học; Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học đầu ngành...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận