Trước thắc mắc của dư luận mấy ngày qua về việc vì sao không lựa chọn công nghệ mà Liên Xô trước đây và nay là Liên bang Nga để sửa chữa mặt cầu Thăng Long, trao đổi với Báo Giao thông, ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, yêu cầu của chuyên gia Nga không phù hợp với pháp luật Việt Nam nên không thể lựa chọn.
Theo ông Toàn, với mong muốn sửa chữa mặt cầu Thăng Long bằng công nghệ gốc, thông qua trao đổi với Viện Nghiên cứ xây dựng Giao thông toàn Nga (CNIIS), Tổng cục Đường bộ VN đã tìm hiểu tài liệu, hồ sơ và tìm được TS. Sakharova là người đã tham gia thiết kế và thi công mặt cầu Thăng Long. Ngày 1/8/2018, Tổng cục có thư đề nghị bà Sakharova hợp tác để sửa chữa mặt cầu Thăng Long.
Ngày 2/8/2018, bà Sakharova đã có thư trả lời khẳng định có thể hợp tác và đề nghị chuyển tài liệu để nghiên cứu trước, đồng thời phía Nga sẽ khảo sát tình hình thực tế. Tổng cục Đường bộ đã chuyển các tài liệu về cầu Thăng Long cho bà Sakharova.
Từ ngày 17 - 23/9/2018, chuyên gia Nga là TS. Kazarin Vilgen Yurevich - Tổng giám đốc Công ty SK MOST, người được bà Sakharova cử sang thay do bà Sakharova không đủ sức khỏe, đã sang và làm việc với Bộ GTVT và đi thị sát cầu Thăng Long.
Trên cơ sở thị sát và kết quả trao đổi hai bên đã ký biên bản ghi nhớ về các công việc đã thực hiện và các công việc tiếp theo.
Tuy nhiên, đến ngày 22/10/2018 tại thư trả lời từ phía Công ty SK MOST lại nêu: Cần phải thay lại toàn bộ kết cấu lớp áo đường trên mặt cầu, cần cung cấp các thông số để phía Nga có thể tính toán thiết kế sửa chữa mặt cầu. Đặc biệt, công ty này cũng đề nghị phía Việt Nam ký hợp đồng để triển khai lập dự án.
Đến ngày 26/10/2018, Tổng cục đã gửi thư cho Công ty SK MOST trong đó nêu rõ các nguyên nhân chưa ký được hợp đồng là do chưa đủ thủ tục theo quy định và mong muốn phía Công ty có đề xuất các hướng hợp tác để triển khai.
Ngày 14/11/2018, tại thư trả lời công ty này đưa ra nhiều yêu cầu, đáng chú ý là đề nghị chi phí tư vấn dự kiến 7 - 8% chi phí sửa chữa mặt cầu, tương đương khoảng 14 tỷ đồng. Đề nghị này trái các quy định pháp luật Việt Nam nên không thể thực hiện theo yêu cầu.
Sau đó 1 tuần, phía Tổng cục Đường bộ có điện thoại qua cho ông Kazarin Vilgen Yurevich để trao đổi tình hình, tuy nhiên không liên lạc được và đã phải liên hệ đến bà Sakharova để đề nghị hợp tác. Bà Sakharova có nói mọi việc đều do ông Kazarin Vilgen Yurevich quyết định.
Đến ngày 10/7/2019, Tổng cục tiếp tục liên lạc với ông Kazarin Vilgen Yurevich trao đổi. Tuy nhiên phía Công ty SK MOST và ông Kazarin Vilgen Yurevich tiếp tục yêu cầu ký hợp đồng tư vấn với chi phí nêu trên mới triển khai các bước tiếp theo. Việc ký hợp đồng khi chưa được các cấp phê duyệt là không phù hợp với quy định của Việt Nam.
Không chỉ vậy, qua kênh ngoại giao chính thức, ngày 23/3/2019, Bộ GTVT có văn bản gửi Bộ Công thương đề xuất trong phiên họp của tổ công tác cấp cao về các dự án đầu tư ưu tiên Việt - Nga để phía Nga hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm sửa chữa cầu Thăng Long và công nghệ bảo trì cầu, đường nói chung.
Đến ngày 4/7/2019, tại thư do Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Liên Bang Nga A.M. Talibov gửi cho Bộ Công thương Việt Nam nêu rõ: “Bộ Phát triển kinh tế Liên Bang Nga đã gửi yêu cầu Công ty SK MOST, kèm đề nghị của phía Việt Nam, tham gia sửa chữa cầu Thăng Long, tuy nhiên công ty không thể hiện sự quan tâm”.
Do không nhận được thông tin trả lời từ phía chuyên gia và Công ty SK MOST, trên cơ sở thư trả lời nói trên và do nhu cầu phải sửa mặt cầu Thăng Long nên ngày 25/9/2019, Tổng cục Đường bộ đã báo cáo Bộ GTVT cho phép chuẩn bị đầu tư dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận