Tăng chế tài xử lý vi phạm đối với cơ sở sản xuất, lắp ráp
Điểm đáng chú ý của dự thảo là việc bổ sung quy định cụ thể các trường hợp cơ sở sản xuất (CSSX) phải tạm dừng việc xuất xưởng của kiểu loại sản phẩm và thu hồi Giấy chứng nhận (GCN) đã cấp cho kiểu loại sản phẩm đó
Theo đó, CSSX sẽ phải tạm dừng xuất xưởng nếu không lập đầy đủ hồ sơ cho ô tô xuất xưởng theo quy định, có các vi phạm quy định liên quan đến sở hữu trí tuệ theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền; Không hợp tác, cố tình che dấu thông tin, cung cấp thông tin không trung thực trong quá trình xác minh lỗi vi phạm, lỗi của sản phẩm có khuyết tật, không thực hiện triệu hồi các sản phẩm có khuyết tật thuộc từ 2 kiểu loại sản phẩm trở lên theo yêu cầu của cơ quan quản lý chất lượng.
Theo ban soạn thảo, qua rà soát thực tế một số nội dung trong quá trình làm việc với đoàn thanh tra, tại các CSSX đã phát sinh các lỗi vi phạm này song thông tư hiện hành chưa quy định rõ để xử lý, do vậy cần bổ sung tạo thuận lợi khi áp dụng.
Ngoài ra, dự thảo thông tư cũng đã bỏ nội dung: Nếu doanh nghiệp có nhu cầu tiếp tục sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu kiểu loại sản phẩm bị thu hồi GCN thì phải thực hiện thẩm định lại thiết kế và chứng nhận lại như đối với sản phẩm mới.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN), đối với các trường hợp GCN bị thu hồi do vi phạm nghiêm trọng các quy định mà không có biện pháp khắc phục triệt để sẽ không cho phép sản xuất lắp ráp lại.
Ngoài ra, hiện nay Bộ GTVT đã cho phép miễn kiểm định lần đầu, do đó cần tăng cường chế tài xử lý đối với các CSSX có vi phạm nghiêm trọng quy định trong sản xuất lắp ráp.
Về triệu hồi sản phẩm, dự thảo bổ sung quy định nhằm tăng trách nhiệm của CSSX trong quá trình thực hiện. Theo đó, định kỳ trước ngày 15/1 hằng năm, CSSX phải báo cáo kết quả thực hiện của các chương trình triệu hồi sản phẩm đang thực hiện tới cơ quan quản lý chất lượng. Sau thời gian không quá 30 ngày kể từ khi kết thúc việc triệu hồi, CSSX phải báo cáo bằng văn bản về kết quả thực hiện triệu hồi tới cơ quan này.
Đồng thời, cũng bổ sung trách nhiệm của cơ quan quản lý chất lượng trong việc theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện triệu hồi của CSSX để theo dõi việc thực hiện triệu theo kế hoạch triệu hồi đã công bố.
Khắc phục bất cập, phù hợp với thực tế
Tại tờ trình gửi Bộ GTVT, Cục ĐKVN cho biết, việc sửa đổi Thông tư 25/2019 nhằm xem xét, cập nhật, bổ sung, sửa đổi các thủ tục hành chính và các quy định có liên quan phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, khắc phục một số bất cập giữa thực tế so với quy định; Đảm bảo đồng bộ về quy định giữa các thông tư liên quan tới vấn đề triệu hồi, đánh giá đảm bảo chất lượng tại CSSX; Tương thích, tuân thủ quy định các điều ước quốc tế trong lĩnh vực đăng kiểm mà Việt Nam là thành viên.
Ngoài ra, bổ sung thêm quy định đối với hình thức hồ sơ điện tử do hiện nay Cục ĐKVN đã áp dụng hồ sơ này trên hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ GTVT và phương thức làm việc trực tuyến.
Dự thảo thông tư cũng quy định rõ hơn về các thủ tục hành chính theo hướng minh bạch hóa về các bước thực hiện, thời gian thực hiện, không tăng thêm thời gian cũng như thủ tục trong quá trình thực hiện thủ tục.
Trong đó, tại quy định hồ sơ đăng ký chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT & BVMT) kiểu loại sản phẩm, dự thảo thông tư đã bổ sung trường hợp các linh kiện nhập khẩu sử dụng để lắp ráp xe ô tô đã được cấp "Thông báo miễn kiểm tra chất lượng ATKT & BVMT linh kiện nhập khẩu" sẽ thực hiện theo quy định của Nghị định 60/2023 ban hành ngày 16/8/2023 về việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng ATKT & BVMT ô tô nhập khẩu và linh kiện nhập khẩu theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, không phải nộp lại các tài liệu để tránh phải kiểm tra đánh giá nhiều lần.
Tại quy định về cấp giấy chứng nhận chất lượng ATKT & BVMT kiểu loại sản phẩm, đã lược bỏ quy định phải thực hiện đánh giá việc đảm bảo chất lượng của sản phẩm tại cơ sở sản xuất (COP) trong thời hạn 15 ngày như quy định hiện hành khi kiểm tra hồ sơ và kết quả đánh giá COP đối với các trường hợp nội dung hồ sơ không hợp lệ được Cục ĐKVN thông báo để đánh giá lại.
Theo Cục ĐKVN, qua rà soát thực tế, thời hạn 15 ngày không thể thực hiện bởi việc thực hiện đánh giá phụ thuộc vào sự chuẩn bị của CSSX, đối với các CSSX nước ngoài phải làm các thủ tục gửi thư mời, xin cấp Visa, hộ chiếu…. hoặc có trường hợp CSSX xin lùi thời gian đánh giá COP.
Ngoài ra, ban soạn thảo cho biết thêm, thực tế hiện nay phát sinh một số trường hợp các linh kiện nhập khẩu theo kiểu loại đã được cấp GCN nhưng CSSX chưa lắp ráp hết và còn tồn một số lượng nhất định trong khi GCN toàn xe vẫn còn hiệu lực nên CSSX không thể xuất xưởng xe. Bởi thông thường, các GCN linh kiện được thực hiện chứng nhận trước GCN xe từ 1-3 tháng nên GCN linh kiện thường hết hiệu lực trước GCN xe.
Do đó, đề xuất bổ sung quy định: Các linh kiện sử dụng để sản xuất, lắp ráp xe phải được mua, nhập khẩu hoặc sản xuất, lắp ráp trước thời gian hết hiệu lực của Thông báo miễn kiểm tra chất lượng ATKT & BVMT linh kiện nhập khẩu theo quy định của Nghị định 60/2023/NĐ-CP hoặc GCN linh kiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận