3 loại trạm kiểm tra tải trọng xe
Tại dự thảo Thông tư sửa đổi, Bộ GTVT phân thành 3 loại trạm kiểm tra tải trọng xe (KTTTX). Loại thứ nhất là trạm KTTTX cố định bán tự động 2 cấp cân. Đây là trạm được xây dựng, trang bị hệ thống cân và thiết bị lắp đặt cố định ở hai vùng cân khác nhau để theo dõi, phát hiện và xử lý xe vi phạm quá tải trọng và quá khổ giới hạn.
Trạm KTTTX cố định tự động 1 cấp cân là trạm được trang bị hệ thống thiết bị cân động lắp đặt cố định ở một vùng cân để tự động đo lường xác định khối lượng xe khi đi qua vùng cân.
Loại thứ 3 là trạm KTTTX lưu động được trang bị hệ thống cân và thiết bị kiểm tra, theo dõi lưu động, xách tay hoặc lắp đặt trên xe chuyên dụng để kiểm soát và xử lý xe vi phạm quá tải trọng, quá khổ giới hạn tại những vị trí theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Đáng chú ý, Dự thảo đã sung quy trình cân kiểm tra tải trọng, đo kích thước xe cơ giới đối với mỗi loại trạm KTTTX trên, làm cơ sở cho các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ.
Trạm KTTTX khi đưa vào hoạt động phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, có thiết bị cân đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật về đo lường. Việc kiểm định kỹ thuật hệ thống cân phải do tổ chức kiểm định kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền về đo lường cấp giấy chứng nhận.
Rõ trách nhiệm trong quản lý, vận hành
Tại dự thảo mới, Bộ GTVT đề xuất bỏ nội dung về việc kết nối với hệ thống phần mềm KTTTX của Cục Đường bộ VN do hiện tại hệ thống này không thể đáp ứng nhu cầu kết nối của tất cả các Trạm KTTTX trên cả nước.
Thay vào đó, bổ sung trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý dữ liệu và cung cấp, truy xuất dữ liệu cho các cơ quan quản lý khi có yêu cầu.
Cục Đường bộ VN là đơn vị quyết định việc đưa vào hoạt động đối với trạm KTTTX cố định bán tự động 2 cấp cân, trạm KTTTX cố định tự động 1 cấp cân trên quốc lộ, trạm KTTTX lưu động do đơn vị quản lý.
Cơ quan này cũng là đầu mối tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy của tổ chức, cá nhân đầu tư, quản lý, vận hành khai thác hệ thống cân KTTTX cố định tự động 1 cấp cân loại 2 theo quy định của pháp luật.
Sở GTVT các địa phương có trách nhiệm tham mưu cho UBND cấp tỉnh quyết định đưa vào hoạt động trạm kiểm tra tải trọng xe cố định tự động 1 cấp cân trên hệ thống đường bộ địa phương.
Đồng thời có trách nhiệm phối hợp với Cục Đường bộ VN trong việc xây dựng, phát triển, quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì trạm KTTTX trên đường bộ.
Theo Cục Đường bộ VN, sau gần 2 năm triển khai, Thông tư số 34/2021/TT-BGTVT về quản lý, hoạt động của trạm KTTTX trên đường bộ đã giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, hiện nay, Bộ GTVT đang đồng loạt triển khai các dự án thành phần của dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông.
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông có tổng chiều dài khoảng 2.063km. Ngoài ra, các tuyến đường bộ khác (quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện...) có tổng chiều dài khoảng 609.552km.
Do đó, việc đầu tư xây dựng các trạm KTTTX để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trước ảnh hưởng của các phương tiện chở hàng quá tải trọng là hết sức cần thiết.
Mặt khác, Cục Đường bộ VN cũng đang trình Bộ GTVT dự thảo Quy chuẩn sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm KTTTX (QCVN 66:2013/BGTVT), trong đó bổ sung mô hình trạm KTTTX tự động nhằm giảm chi phí, nhân sự vận hành, giảm ùn tắc giao thông, hạn chế sự tác động của con người để tránh tiêu cực khi thực hiện nhiệm vụ.
Vì vậy, cần phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư 34, trong đó, bổ sung nội dung về trạm KTTTX tự động cho phù hợp với nội dung Quy chuẩn sửa đổi, bổ sung QCVN 66:2013/BGTVT.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận