Điểm nổi bật tại dự thảo Thông tư mới là sự phân cấp, phân quyền rõ rệt của các cảng vụ đường thủy trực thuộc Cục Đường thủy nội địa VN và trực thuộc các sở GTVT địa phương.
Cụ thể, Cảng vụ Đường thủy nội địa được quy định là cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu và luồng, tuyến đường thủy nội địa nhằm bảo đảm việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa và bảo vệ môi trường.
Trong đó, Cảng vụ Đường thủy nội địa trực thuộc Cục Đường thủy nội địa VN thực hiện nhiệm vụ của cơ quan quản lý đường thủy nội địa đối với luồng, tuyến đường thủy nội địa quốc gia, luồng chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia theo ủy quyền của Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN và theo quy định của pháp luật.
Còn Cảng vụ Đường thủy nội địa trực thuộc sở thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiệm vụ của cơ quan quản lý đường thủy nội địa đối với luồng, tuyến đường thủy nội địa địa phương, luồng chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương theo phân cấp, ủy quyền của UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và theo quy định của pháp luật.
Cũng tại dự thảo Thông tư mới, Cục Đường thủy nội địa VN kiến nghị bổ sung thành lập các tổ cảng vụ đường thủy nội địa khu vực để tạo điều kiện thuận tiện cho chủ phương tiện, người lái làm thủ tục và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu theo quy định.
Theo đó, kiến nghị bổ sung quy định: Đại diện cảng vụ đường thủy nội địa thực hiện chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến, khu neo đậu và luồng, tuyến được giao theo quy định, được sử dụng con dấu riêng.
Tùy theo yêu cầu và địa bàn quản lý thực tế, giám đốc cảng vụ đường thủy nội địa quyết định tổ chức các tổ cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc đại diện cảng vụ đường thủy nội địa cho phù hợp.
Ngoài ra, một trong những đề xuất sửa đổi đáng chú ý là bỏ chức năng thanh tra chuyên ngành trong nhiệm vụ và quyền hạn của cảng vụ đường thủy nội địa.
Nguyên nhân được lý giải do theo Luật Thanh tra năm 2022 quy định về thanh tra viên, viên chức thuộc cục thuộc các bộ không có chức năng thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm hành chính.
Trong khi đó theo quy định hiện hành, các cảng vụ đường thủy nội địa thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về giao thông đường thủy nội địa của các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi trách nhiệm.
Đồng thời, xử phạt vi phạm hành chính và thu phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận