Đường thủy

Sửa quy định về chương trình đào tạo thuyền viên phương tiện thủy nội địa

29/07/2024, 15:41

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định nội dung, chương trình đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa.

Tăng trách nhiệm của cơ sở đào tạo

Điểm đáng chú ý tại dự thảo Thông tư là quy định rõ nhiệm vụ của cơ sở đào tạo. Các cơ sở đào tạo có trách nhiệm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa theo chương trình quy định.

Sửa quy định về chương trình đào tạo thuyền viên phương tiện thủy nội địa- Ảnh 1.

Việc bổ sung các quy định, nội dung mới về chương trình đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa để phù hợp với thực tiễn (Ảnh: Tạ Hải).

Đồng thời biên soạn, thẩm định và ban hành giáo trình, tài liệu giảng dạy phù hợp với khung chương trình và theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, cũng như thường xuyên cập nhật giáo trình, tài liệu giảng dạy.

Các cơ sở đào tạo có trách nhiệm hoàn thiện việc biên soạn, thẩm định và ban hành giáo trình, tài liệu giảng dạy quy định chậm nhất trong vòng 6 tháng kể từ ngày Thông tư có hiệu lực. 

Trong thời gian các cơ sở đào tạo hoàn thiện giáo trình, tài liệu giảng dạy thì được tiếp tục đào tạo, huấn luyện theo định tại Thông tư số 03/2017 của Bộ GTVT quy định nội dung, chương trình đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa và các Thông tư sửa đổi.

Kết hợp hình thức đào tạo truyền thống và trực tuyến

Dự thảo Thông tư cũng đề xuất sửa đổi nhiều nội dung, chương trình đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa để phù hợp với thực tiễn như số giờ, tăng cường giảng dạy bằng hình thức trực tuyến, online.

Cụ thể, bổ sung hình thức đào tạo trực tuyến kết hợp trực tiếp nhằm tạo thuận lợi cho cơ sở đào tạo và học viên, góp phần linh hoạt trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. Điều này cũng phù hợp với thực tiễn và tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại của học viên và cơ sở đào tạo mà vẫn đảm bảo chất lượng đào tạo thuyền viên. 

Quy định cụ thể thời lượng được đào tạo trực tuyến không quá 30% tổng thời lượng của chương trình đào tạo.

Hình thức này là căn cứ để cơ sở đào tạo có thể linh hoạt trong công tác đào tạo, có thể áp dụng trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh bất khả kháng.

Học viên có thể học từ xa với các nội dung thuần lý thuyết, giảm thời gian tập trung tại cơ sở đào tạo, giảm gánh nặng về chi phí sinh hoạt, thời gian đi lại. Tài liệu học tập, giảng dạy dưới dạng file điện tử có thể sử dụng lâu dài, tiết giảm chi phí in, photo...

Bên cạnh đó, để giải quyết việc Thông tư hiện hành chưa quy định cụ thể về thang điểm để đánh giá các môn học, mô đun cũng như hoàn thành khóa học, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định về thang điểm và mức điểm hoàn thành khóa học làm cơ sở đánh giá học viên. 

Cụ thể, học viên phải hoàn thành tất cả các môn học, mô đun và đạt điểm đánh giá từ 5.0 trở lên theo thang điểm 10.

Điều này giúp quy định rõ cách thức đánh giá học viên thông qua thang điểm, tạo sự thống nhất trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa trên phạm vi toàn quốc. Phục vụ công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm.

Một trong những nội dung khác được đề xuất sửa đổi liên quan tới nội dung trùng lặp của nhiều chương trình đào tạo hiện nay tại các loại, hạng khác nhau, chưa mang tính chất liên thông. 

Theo đó, Thông tư hiện hành quy định về loại hình đào tạo thường xuyên, chú trọng phần thực hành nghề nhằm nâng cao kỹ năng tay nghề cho người học, nhưng các chương trình đào tạo cấp CCCM đang có số giờ là 295 giờ, tương đương một chương trình đào tạo sơ cấp.

Trong chương trình đào tạo cũng chưa phân biệt rõ môn học và mô đun, chưa cụ thể số giờ lý thuyết, giờ thực hành cho từng môn học, mô đun, dẫn đến thiếu đồng nhất khi triển khai thực hiện giảng dạy, ghi sổ lên lớp ở các cơ sở đào tạo khác nhau.

Từ đây, Bộ GTVT đánh giá cần xây dựng lại các chương trình theo hình thức liên thông từ thấp đến cao để tránh chồng chéo, gây lãng phí trong dạy và học. Cũng cần hiệu chỉnh giảm bớt thời lượng học hoặc xem xét giảm những môn học, mô đun không cần thiết.

Cạnh đó, đề xuất bổ sung giới thiệu một số nội dung đào tạo thuyền viên dựa trên đặc điểm của phương tiện thủy hoạt động trên các tuyến đường thủy trong vịnh ven biển, bờ ra đảo, giữa các đảo... để các cơ sở đào tạo nghiên cứu, lựa chọn chương trình đào tạo phù hợp với đặc thù hoạt động giao thông đường thủy của từng địa phương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.