Siết chất lượng phương tiện
Một trong các điểm đáng chú ý tại dự thảo Thông tư quy định trình tự thủ tục kiểm định, miễn kiểm định lần đầu, cải tạo xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đang được Bộ GTVT lấy ý kiến là việc phân các các khiếm khuyết, hư hỏng của xe cơ giới trong kiểm định được phân thành 3 mức.
Dự thảo thông tư nêu rõ: Khiếm khuyết, hư hỏng không quan trọng là những hư hỏng không gây mất an toàn kỹ thuật (ATKT), ô nhiễm môi trường khi xe cơ giới tham gia giao thông. Trong trường hợp này, xe cơ giới vẫn được cấp giấy chứng nhận kiểm định.
Khiếm khuyết, hư hỏng quan trọng là hư hỏng có thể gây mất ATKT, ô nhiễm môi trường khi xe cơ giới tham gia giao thông. Xe cơ giới không được cấp giấy chứng nhận kiểm định, phải sửa chữa các hư hỏng để kiểm định lại.
Khiếm khuyết, hư hỏng nguy hiểm là hư hỏng gây nguy hiểm trực tiếp và tức thời khi xe cơ giới tham gia giao thông. Trường hợp này, xe cơ giới không những không được cấp giấy chứng nhận kiểm định mà còn không được tham gia giao thông và phải sửa chữa các hư hỏng để kiểm định lại.
Đáng chú ý, Bộ GTVT đề xuất xe cơ giới khi đồng thời có những hư hỏng ở các mức khác nhau sẽ bị đánh giá ở mức hư hỏng cao nhất trong các hư hỏng.
Xe cơ giới có nhiều hư hỏng cùng một mức sẽ bị đánh giá vào mức hư hỏng cao hơn kế tiếp nếu như sự kết hợp các hư hỏng gây nguy hiểm hơn cho xe cơ giới.
Theo lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội cho biết, đây là đề xuất mới cho cách đánh giá mức hư hỏng, khiếm khuyết của phương tiện.
Nếu như hiện nay, ô tô bị từ 2 lỗi hư hỏng, khiếm khuyết không quan trọng vẫn được xếp vào trường hợp đảm bảo an toàn kỹ thuật và được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm.
Nhưng với đề xuất tại dự thảo Thông tư, nếu có từ 2 lỗi loại này trở lên mà sự kết hợp của các lỗi này gây nguy hiểm hơn cho xe cơ giới sẽ được đánh giá là hư hỏng, khiếm khuyết quan trọng (MaD) và bị trượt đăng kiểm.
"Đây là đề xuất hợp lý nhằm siết chất lượng phương tiện, nâng cao trách nhiệm của chủ xe trong việc bảo dưỡng, sửa chữa giữa hai chu kỳ đăng kiểm", lãnh đạo trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội nói và cho rằng cần có thêm hướng dẫn để dễ dàng trong đánh giá những hư hỏng, khiếm khuyết nào khi kết hợp với nhau sẽ nguy hiểm hơn.
Lấy ví dụ như, nếu ô tô bị hết nước phun rửa kính, lại đồng thời hỏng cả cần gạt mưa, nếu như hiện nay, đơn vị đăng kiểm chỉ nhắc nhở và vẫn cấp giấy chứng nhận đăng kiểm do đều là lỗi hư hỏng không quan trọng.
Tới đây, có thể sẽ bị đánh giá là lỗi hư hỏng quan trọng bởi nếu xe di chuyển trong trời mưa hay đường bị bụi bẩn quá dày mà hỏng đồng thời các chi tiết trên sẽ ảnh hưởng đến khả năng quan sát của lái xe, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Chỉ kiểm tra hạng mục không đạt nếu kiểm định lại cùng một cơ sở đăng kiểm
Tại dự thảo Thông tư, Bộ GTVT cũng đề xuất xe cơ giới kiểm định lại ngay trong ngày làm việc tại cùng một cơ sở đăng kiểm thì chỉ kiểm định lại các hạng mục không đạt.
Riêng đối với các hạng mục liên quan đến hệ thống phanh hoặc hệ thống lái nếu có hạng mục không đạt thì phải kiểm tra lại toàn bộ các hạng mục thuộc hệ thống phanh hoặc hệ thống lái tương ứng.
Trường hợp kiểm định lại vào ngày khác hoặc tại đơn vị khác thì phải kiểm định lại tất cả các hạng mục.
Việc kiểm tra, đánh giá tình trạng ATKT & BVMT của xe cơ giới phải do các đăng kiểm viên thực hiện; mỗi xe cơ giới có thể phân công một hoặc nhiều đăng kiểm viên.
Có 5 công đoạn kiểm tra bao gồm: kiểm tra nhận dạng, tổng quát; kiểm tra phần trên của phương tiện; kiểm tra hiệu quả phanh và trượt ngang; kiểm tra môi trường; kiểm tra phần dưới của phương tiện.
Ngoài ra, dự thảo Thông tư còn quy định đăng kiểm viên phải tự lái xe khi kiểm tra phương tiện. Trường hợp đối với tổ hợp xe (đầu kéo và sơ - mi rơ - moóc; xe thân liền và rơ - moóc), ô tô chở người trên 30 chỗ, nếu không lái được xe thì đăng kiểm viên có thể đề nghị chủ xe thực hiện việc lái xe vào dây chuyền kiểm định.
Đại diện một trung tâm đăng kiểm cho biết, quy định chỉ kiểm định lại hạng mục không đạt khi phương tiện kiểm định lại tại cùng một cơ sở đăng kiểm trong ngày là hợp lý, nhằm tiết kiệm thời gian cũng như tạo thuận lợi cho chủ xe.
Tuy nhiên, vị này đề xuất thay vì từ "trong ngày" có thể quy định "trong 24 giờ", bởi nhiều phương tiện đi đăng kiểm vào buổi chiều, có những hạng mục khi khắc phục sẽ không kịp quay lại đăng kiểm trong ngày vì đơn vị đăng kiểm thường 17h sẽ hết thời gian làm việc.
Do đó, phải để đến sáng hôm sau mới quay lại để kiểm định lại, lúc này sẽ phải kiểm tra lại từ đầu và phải nộp 50% phí đăng kiểm, vừa mất thời gian lại mất thêm chi phí.
Chính điều này, theo chia sẻ của nhiều chủ xe, họ có tâm lý ngại đưa xe đi đăng kiểm vào cuối giờ chiều. Từ đó, dẫn đến tình trạng, từ 16h chiều, các đơn vị đăng kiểm đã hết xe kiểm định trong khi lượng xe lại dồn về khá đông vào đầu giờ các buổi sáng và chiều, gây ra tình trạng xếp hàng dài phía trước đơn vị đăng kiểm cũng như phải chờ đợi lâu.
"Nếu tính trong 24 giờ sẽ khắc phục được tình trạng người dân đưa xe đi đăng kiểm phân bố không đều các khung thời gian trong ngày, tránh mất thời gian cho cả chủ xe và đơn vị đăng kiểm, cũng như tiết kiệm chi phí cho người dân", vị đại diện trung tâm đăng kiểm nói thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận