Phân rõ trách nhiệm
Điểm đáng chú ý tại dự thảo Thông tư mới là quy định về nhân viên không lưu. Theo đó, nhân viên không lưu khi thực hiện nhiệm vụ phải có giấy phép và năng định còn hiệu lực. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu phải bố trí đủ nhân viên không lưu phù hợp với vị trí công tác.
Đối với nhân viên không lưu tham gia thực tập và huấn luyện tại vị trí làm việc (đường dài, tiếp cận, tại sân) phải được giám sát, hướng dẫn bởi một kiểm soát viên không lưu hoặc của một huấn luyện viên có kinh nghiệm, có giấy phép và năng định phù hợp còn hiệu lực.
Người giám sát, hướng dẫn chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc đảm bảo an toàn hoạt động bay đối với việc cung cấp dịch vụ điều hành bay của nhân viên thực tập trong quá trình huấn luyện tại vị trí làm việc tại vị trí điều hành thực tế.
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu thực hiện bố trí đầy đủ nhân viên không lưu phù hợp với vị trí làm việc và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật trong quá trình cung cấp dịch vụ. Cục Hàng không VN hướng dẫn việc thực hiện công tác huấn luyện, thực tập tại vị trí việc làm cho kiểm soát viên không lưu theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Theo Bộ GTVT, Phụ ước 1 của ICAO về cấp giấy phép nhân viên quy định rõ: Người nộp đơn đề nghị cấp giấy phép và năng định phải có thời gian tối thiểu thể hiện được năng lực của bản thân khi tham gia cung cấp dịch vụ điều hành bay trong môi trường thực tế (tại cơ sở dự kiến mà nhân viên đó sẽ được cấp giấy phép và năng định) dưới sự giám sát của một kiểm soát viên không lưu hoặc huấn luyện viên có kinh nghiệm, có giấy phép, năng định phù hợp còn hiệu lực phù hợp tại vị trí làm việc.
Đồng thời, tài liệu của ICAO hướng dẫn về đánh giá và huấn luyện kiểm soát viên không lưu cũng quy định, công tác huấn luyện tại cơ sở (huấn luyện để cấp giấy phép và năng định) được chia làm 2 giai đoạn: Trước khi huấn luyện tại vị trí làm việc và huấn luyện tại vị trí làm việc.
Trong đó, mục tiêu của huấn luyện tại vị trí làm việc là việc huấn luyện khai thác được thiết kế để giúp học viên tiếp thu và củng cố các quy trình, quy định cụ thể của cơ sở dưới sự giám sát của huấn luyện viên tại vị trí làm việc.
Đồng thời, các điều kiện quy định về nhân viên bảo đảm hoạt động bay của Thông tư số 19/2017 quy định, nhân viên bảo đảm hoạt động bay phải đáp ứng yêu cầu "có thời gian huấn luyện và thực tập tối thiểu theo quy định; "Thời gian đào tạo, huấn luyện đối với nhân viên bảo đảm hoạt động bay theo quy định hiện hành của Bộ GTVT về đào tạo, huấn luyện và sát hạch nhân viên hàng không".
Bên cạnh đó, Thông tư số 10/2018 đã chi tiết thời lượng thực tập tại vị trí làm việc đối với kiểm soát viên không lưu tại sân bay, tiếp cận, đường dài là 480 giờ.
Do vậy, Bộ GTVT cho rằng về mặt pháp lý, các quy định của Việt Nam đã triển khai về cơ bản đầy đủ các yêu cầu của ICAO đối với đối tượng nhân viên bảo đảm hoạt động bay. Tuy nhiên, tại các văn bản hiện hành chưa có quy định làm rõ và phân định trách nhiệm của các đối tượng (người thực tập, người hướng dẫn thực tập) trong quá trình huấn luyện tại vị trí làm việc để đảm bảo an toàn hoạt động bay và không ảnh hưởng đến quá trình cung cấp dịch vụ.
Bổ sung quy định miễn trừ trong quản lý an toàn hoạt động bay
Cùng với sửa đổi về trách nhiệm của các đối tượng để bảo đảm an toàn bay, một trong những sửa đổi, bổ sung khác tại dự thảo quy định mới là những quy định về quản lý an toàn hoạt động bay.
Theo đó, dự thảo Thông tư xác định, quản lý an toàn hoạt động bay gồm: Xác định chính sách về an toàn; Xây dựng hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn về an toàn; Thiết lập hệ thống giám sát an toàn hoạt động bay, hệ thống báo cáo an toàn hoạt động bay; tổ chức thiết lập hệ thống quản lý an toàn (SMS); Tổ chức điều tra, kiểm tra sự cố hoạt động bay; Đảm bảo các nguồn nhân lực và tài chính cho hoạt động quản lý an toàn; Xem xét, chấp thuận các kinh nghiệm thực hành; Các nội dung khác về quản lý an toàn theo hướng dẫn của ICAO.
Đặc biệt, việc miễn trừ được áp dụng đối với trang thiết bị trong trường hợp bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu, hỏa hoạn, sét đánh, bão lụt; đối với nhân viên trong trường hợp ứng phó không lưu vì đại dịch, an ninh, hỏa hoạn, động đất, cấp giấy chứng nhận sức khỏe vì lý do đại dịch.
Bộ GTVT cho biết, theo tài liệu hướng dẫn của ICAO về giám sát an toàn, quy định áp dụng các trường hợp miễn trừ trong hàng không dân dụng là nội dung cần thiết để Nhà chức trách hàng không xử lý các tình huống thực tiễn khi chưa đáp ứng tiêu chuẩn hiện hành mà không làm gián đoạn hoạt động bay hàng không dân dụng.
Tất cả vì lợi ích công cộng và lợi ích chung của cộng đồng nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc an toàn dựa trên các giải pháp xử lý tình huống được chấp nhận sau quy trình đánh giá rủi ro.
Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất bổ sung quy định về việc nhân viên quản lý luồng không lưu (ATFM), nhân viên bay đánh giá phương thức bay bằng thiết bị, nhân viên hiệp đồng tìm kiếm cứu nạn tại Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không phải có trình độ tiếng Anh mức 3.
Bởi theo quy định của ICAO tại Phụ ước 12 về tìm kiếm cứu nạn, mỗi trung tâm điều phối tìm kiếm cứu nạn phải có nhân viên trực 24/7, thành thạo ngôn ngữ tiếng Anh trong sử dụng liên lạc thoại vô tuyến.
Trong khi hiện nay, tại Thông tư 19/2017 về bảo đảm hoạt động bay chưa có quy định về trình độ tiếng Anh cho nhân viên hiệp đồng tìm kiếm cứu nạn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận