Sau vụ bê bối melamine, sữa và các sản phẩm từ sữa của Trung Quốc dần vắng bóng tại thị trường Việt Nam.
Dính bê bối melamine, sữa Trung Quốc bị người tiêu dùng Việt quay lưng |
Sữa Trung Quốc vắng bóng
Thị trường sữa Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh mạnh và quy mô tương đối lớn. Tiềm năng của thị trường vẫn còn rất cao khi tỷ lệ sữa tiêu thụ trên đầu người vẫn thấp hơn nhiều so với các nước phát triển. “Miếng bánh” này càng ngon hơn nữa khi giá sữa Việt Nam được đánh giá vào loại cao nhất thế giới.
Báo cáo của Kantar Worldpanel cho thấy, sữa và các sản phầm từ sữa là loại hàng tiêu dùng có sức tiêu thụ hàng đầu tại Việt Nam khi tăng trưởng khoảng 15% trong năm 2013. Đây là tỷ lệ tăng rất lớn. Nhiều thị trường khác có tốc độ tăng trưởng dưới 10%.
Vì có nhiều điểm hấp dẫn nên thị trường sữa Việt Nam trở thành điểm đến của nhiều hãng sữa nổi tiếng thế giới. Và sữa Trung Quốc cũng không thể bỏ qua thị phần béo bở này được. Sữa Trung Quốc thâm nhập vào thị trường Việt Nam từ khá sớm nhưng hầu như chưa thương hiệu nào khẳng định được vị thế của mình.
Tuy nhiên, do dùng chiến lược giá thấp như nhiều mặt hàng khác nên các sản phẩm sữa Trung Quốc vẫn có chỗ đứng riêng trên thị trường.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trước năm 2008, kim ngạch nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa có nguồn gốc từ Trung Quốc vào Việt Nam luôn trên 200 triệu USD/năm.
Tuy nhiên, các sản phẩm của Trung Quốc vốn không được người tiêu dùng đánh giá cao vì chất lượng không đảm bảo. Nếu một số mặt hàng khác như quần áo, giày dép, người tiêu dùng có thể nhắm mắt làm ngơ vì sản phẩm không ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe. Nhưng sữa thì khác. Đa phần, sản phẩm sữa đều dành cho trẻ em, lớp đối tượng khách hàng được đặt yếu tố sức khỏe lên hàng đầu nên sữa Trung Quốc không giữ được vị thế giá rẻ kể từ vụ bê bối sữa melamine diễn ra năm 2008.
Năm 2008, cả thế giới rúng động vì thị trường sữa Trung Quốc đối mặt với vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử. Khi đó sữa bột trẻ em bị phát hiện nhiễm melamine - một loại hóa chất chỉ được dùng trong ngành công nghiệp. Melamine đưa vào sữa để làm tăng hàm lượng đạm giả tạo. Hiện tượng sữa nhiễm bẩn đã bị phát hiện ở 22 công ty Trung Quốc, trong đó có Sanlu , Mengniu, Yili, và Yashili.
Kết quả là hơn 300.000 trẻ bị ảnh hưởng. Trong đó, 6 trẻ đã tử vong vì đã uống loại "sữa bẩn" này. Ngành thực phẩm Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề. Ít nhất 11 nước đã ngừng nhập khẩu sản phẩm sữa từ Trung Quốc.
Việt Nam không tuyên bố ngừng nhập khẩu Trung Quốc nhưng vì lo cho sức khỏe của thế hệ tương lai, khách hàng Việt Nam ngay lập tức quay lưng lại với sản phẩm sữa Trung Quốc.
Mặc dù trong vụ bê bối sữa nhiễm Melamine, sữa bột mới là “trung tâm” của vấn đề nhưng khách hàng Việt đã nói không với hầu như các sản phẩm sữa khác có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.
Bị khách hàng Việt quay lưng, thị phần sữa Trung Quốc tại Việt Nam vốn đã khiêm tốn nay lại càng nhỏ nhoi hơn.
Nếu trước năm 2008, kim ngạch nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa từ Trung Quốc luôn đạt 200 triệu USD thì sau năm 2008, nhập khẩu sữa giảm dần. Và đến năm 2013, con số này chỉ gần 90 triệu USD/năm.
Hiện nay, rất khó tìm các sản phẩm sữa Trung Quốc tại thị trường Việt Nam. Tại một số chợ truyền thống, một vài tiểu thương bày bán sữa không rõ nguồn gốc. Không ít người nghi đây là sữa Trung Quốc. Nhưng lượng tiêu thụ của loại sữa này rất chậm vì người tiêu dùng không dám mạo hiểm sức khỏe của gia đình.
Một chuyên gia ngành bán lẻ nhận xét, hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam có thể đi theo đường tiểu ngạch và chính ngạch, nhưng riêng sản phẩm từ sữa do người tiêu dùng thận trọng và cơ quản quan quản lý kiểm soát chặt chẽ nên con đường tiểu ngạch khó có thể được chấp nhận.
Sữa nội lên ngôi
Thị trường sữa Việt Nam rất đa dạng sản phẩm nhưng có 2 dòng chính là sữa bột và sữa nước. Nếu ở dòng sữa bột, các thương hiệu mạnh của thế giới như Abbott, Mead Johnson, Nestley,… làm chủ thị trường thì ở dòng sữa nước, doanh nghiệp nội mới là “ông chủ”.
Theo thống kê của Euromonitor, thị trường sữa nước Việt Nam hiện có hơn 10 doanh nghiệp tham gia cuộc chơi dành thị phần sữa nước gồm: Vinamilk, FrieslandCampina, Hanoi Milk, đường Quảng Ngãi, sữa Ba Vì, sữa Mộc Châu,…
Sữa nội đang làm chủ thị trường sữa nước |
Tuy nhiên Vinamilk và FrieslandCampina Việt Nam dành phần lớn sân chơi. Các doanh nghiệp khác chỉ chiếm được một góc nhỏ bên cạnh hai người khổng lồ này.
Vinamilk hiện có 5 thương hiệu sữa nước. FrieslandCampina Việt Nam hiện có 4 dòng sản phẩm sữa nước trong đó Dutch Lady (Sữa Cô gái Hà Lan) chiếm vị trí chủ lực. Tổng thị phần của hai ông lớn này chiếm gần 66% thị phần toàn ngành.
Năm 2013, thị trường sữa nước ước đạt 670.000 tấn, tương đương 18.000 tỷ đồng và dự tính đạt hơn 1.000 tấn, tương đương 34.000 tỷ đồng vào năm 2017. Có thể thấy sữa nước là ngành hàng hái ra tiền của doanh nghiệp nội.
Tuy nhiên, theo ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch Hanoimilk, muốn "hái" ra tiền ở ngành hàng này, doanh nghiệp ít nhất phải có thị phần lớn thứ 3 mới sống khỏe được.
Vì vậy, cuộc chiến tranh giành vị trí thứ 3 trong phân khúc sữa nước giữa Hanoi Milk, đường Quảng Ngãi, sữa Ba Vì, sữa Mộc Châu,… cũng diễn ra khá khốc liệt. Sản phẩm Izzi của Hanoimilk phải “đấu’ với sữa Ba Vì, Love’ in Farm, sữa Mộc Châu.
Các giải pháp mà các doanh nghiệp nhỏ nước ngoài thường sử dụng bao gồm: tăng cường hoạt động Marketing, nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng, đầu tư nghiên cứu các sản phẩm mới, tăng thị phần qua các thương vụ M&A….
Nhưng dù cạnh tranh khốc liệt tới đâu, các doanh nghiệp vẫn đảm bảo "không có đường” cho sữa Trung Quốc vào thị trường Việt Nam.
Theo VTC News
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận