Với gần 230km đường cao tốc được đưa vào khai thác; Siêu sân bay Long Thành đấu thầu thành công gói thầu nhà ga và đường băng; Hơn 424km đường cao tốc và Vành đai 3 TP.HCM được khởi công với tổng nguồn vốn hơn 166.500 tỷ đồng, đại công trường ở miền Nam đang mang đến những cơ hội và kỳ vọng lớn lao.
Lọt top địa phương 10.000 tỷ nhờ cao tốc
Tết Dương lịch năm 2024, anh Nguyễn Thế Toàn (quận 10, TP.HCM) cùng gia đình đi nghỉ mát ở Kê Gà (Phan Thiết, Bình Thuận). Cảm nhận đầu tiên của anh Toàn là việc đi lại rất thuận tiện.
"Ăn sáng ở TP.HCM, tầm 9h xuất phát theo cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, đến quốc lộ 55 rẽ xuống theo đường ven biển ra Kê Gà. Tầm 2 tiếng là tới, nhanh hơn cả đi Vũng Tàu", anh Toàn chia sẻ.
Đó cũng là cảm nhận chung của nhiều người khi đi du lịch Bình Thuận trong thời gian qua.
"Bình Thuận đã lọt top các địa phương có doanh thu từ du lịch trên 10.000 tỷ đồng, khẳng định dấu ấn trên bản đồ du lịch Việt Nam", ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Thuận hồ hởi chia sẻ và cho biết thêm, năm 2023 tỉnh đón 8,5 triệu khách du lịch, tăng 2 triệu so với chỉ tiêu, doanh thu đạt hơn 20.000 tỷ đồng. Trong đó, khách quốc tế đạt khoảng 220.000 lượt.
Lý giải sự tăng trưởng đột biến về du lịch, ông Nhân cho biết, năm vừa qua, du lịch Bình Thuận có nhiều thuận lợi. Trong đó, các tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài hơn 200km đưa vào hoạt động đã giúp Bình Thuận có bước tiến nhảy vọt.
"Chỉ riêng các tuyến cao tốc đã giúp Bình Thuận tăng hơn 2 triệu lượt khách, dự báo khi sân bay Phan Thiết hoàn thành sẽ còn thu hút lượng khách gấp bội", ông Nhân nói.
Cùng hưởng lợi từ trục cao tốc Bắc - Nam đoạn Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo đưa vào khai thác giữa năm 2023, lượng khách du lịch đến Ninh Thuận đạt hơn 3 triệu lượt, tăng 22%, thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt hơn 2.500 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Long Biên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận khẳng định, sang năm 2024, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đưa vào khai thác sẽ tiếp tục tạo sức bật cho du lịch các tỉnh ven biển miền Trung.
Trong khi đó, sự kiện khánh thành cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ những ngày cuối năm 2023 cũng phần nào thỏa niềm ước mơ bao lâu nay của hơn 20 triệu người dân vùng ĐBSCL.
Đánh giá hai dự án này đã mở ra cơ hội mới cho địa phương thu hút đầu tư, ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, tới đây tỉnh sẽ tập trung quy hoạch phát triển luồng vận tải đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa nội tỉnh và liên tỉnh dựa trên lợi thế đường sông đã có và cao tốc đã kết nối.
"Cỗ xe" giải ngân đầu tư công chặn đà suy thoái
Những ngày đầu năm 2024, không khí thi công trên công trường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua TP Thủ Đức diễn ra hối hả.
Chỉ vào tấm bản đồ hệ thống giao thông vùng TP.HCM, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố nhận định, chưa bao giờ TP.HCM có cơ hội để hoàn thiện mạng lưới giao thông kết nối liên vùng tốt như hiện nay.
Cùng với cao tốc Bến Lức - Long Thành đã tái khởi động, đến năm 2025 tuyến Vành đai 3 sẽ trở thành tuyến động lực liên vùng, "con gà đẻ trứng vàng".
Đến thời điểm này, các gói thầu xây lắp của dự án Vành đai 3 đã được đấu thầu xong, nhà thầu đã huy động thiết bị, máy móc đến công trường. Nhiều gói thầu qua Hóc Môn, Củ Chi (TP.HCM) đã nên hình hài một tuyến vành đai rộng lớn. Đoạn qua tỉnh Long An tiến độ cũng rất tốt khi giải ngân hết 309 tỷ đồng vốn năm 2023 và 150 tỷ đồng vốn ứng năm 2024. Đoạn qua Bình Dương, Đồng Nai cũng đang được tăng tốc thi công.
Một tín hiệu tích cực khác là những ngày cuối năm 2023, HĐND TP.HCM đã thông qua chủ trương đầu tư hai đoạn phía Đông của tuyến Vành đai 2, gồm đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp, tổng mức đầu tư hơn 9.300 tỷ đồng; đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng với tổng mức 4.500 tỷ đồng; 5 dự án BOT ở các cửa ngõ với tổng mức đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng...
Chỉ trong 3 năm tới, nguồn vốn thành phố dành riêng cho các dự án giao thông lớn là trên 54.000 tỷ đồng, đã được thông qua chủ trương đầu tư bằng vốn ngân sách.
Năm 2023, ngành giao thông TP.HCM cũng được xem là "cỗ xe" chạy đua giải ngân vốn đầu tư công.
Theo ông Phúc, năm qua, chỉ riêng Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông đã được giao giải ngân hơn 30.000 tỷ đồng, chiếm gần 44% tổng vốn đầu tư công toàn thành phố. Sau quý I giải ngân chậm, đến các quý II, III, tỷ lệ lên 70%, và về đích hết năm với trên 90% kế hoạch.
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công có tác động quan trọng đến sự phát triển kinh tế của thành phố. Những tháng cuối năm, thành phố đã chặn được đà suy thoái khi tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,71% (quý I chỉ tăng 0,7%).
Chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch cho rằng, lâu nay tại TP.HCM cứ 1 đồng vốn đầu tư công sẽ huy động được thêm 10 đồng vốn đầu tư xã hội. Nguồn đầu tư từ ngân sách tăng lên sẽ tăng được vốn mồi. Đây là công cụ để thu hút mạnh hơn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực phát triển hạ tầng của thành phố.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định, những khó khăn của thị trường bất động sản trong ngắn hạn chưa hết. Nhưng chính sách trong phát triển hạ tầng giao thông sẽ có tác động tích cực đến bất động sản những năm tới.
"Khi hạ tầng kết nối tốt, nhiều dự án nhà ở sẽ được xây dựng ở các vùng ven, giá cả sẽ hợp lý hơn với người có thu nhập trung bình", ông Châu nói.
Cần 960.000 tỷ đồng phát triển hạ tầng giao thông
Năm 2023, TP.HCM có 34 dự án, công trình giao thông trọng điểm với tổng mức vốn đầu tư khoảng 280.472 tỷ đồng.
Từ nay đến năm 2030, TP.HCM cần 960.000 tỷ đồng để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, trong đó có các dự án lớn như hoàn thiện các tuyến metro còn lại, siêu cảng Cần Giờ, 5 dự án BOT ở cửa ngõ.
Năm 2023 cũng là năm khởi đầu cho nhiều dự án giao thông liên kết vùng ở khu vực phía Nam như: Cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Cao Lãnh - An Hữu, Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 TP.HCM. Tổng chiều dài của các tuyến cao tốc này lên đến 424,9km, tổng nguồn vốn đầu tư 166.597 tỷ đồng. Ngoài ra, cầu Đại Ngãi với chiều dài 15km, nguồn vốn 8.000 tỷ đồng cũng được đầu tư.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận