Tiếp tục khát vọng đưa giao hưởng đến gần hơn với công chúng và nuôi dưỡng những thế hệ mầm non cho dòng nhạc hàn lâm kén khán giả này, ngày 2/3, Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời (SSO) tổ chức Chương trình Hòa nhạc Hợp tác Giáo dục – buổi số 2 tại Phòng hòa nhạc Lớn, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, 77 Hào Nam.
Chương trình nằm trong dự án Hòa nhạc Hợp tác Giáo dục của SSO và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam triển khai từ năm 2019. Và buổi hòa nhạc lần thứ hai trong khuôn khổ dự án sẽ diễn ra vào lúc 11h00 – 12h00, với sự tham gia của khách mời là 3 nghệ sỹ piano nhí gồm: Phan Thiên Bạch Anh, Trương Thị Ngân Hà và Lưu Danh Khôi.
Các nghệ sỹ nhí – những mầm non tương lai của Giao hưởng Việt Nam sẽ cùng với Sun Symphony Orchestra đưa khán giả hàn lâm đến với những bản giao hưởng đi cùng năm tháng của các nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới như Finlandia (Jean Sibelius); các tác phẩm độc tấu Piano Concerto của Mozart, Chopin và Beethoven; và Thunder and Lightning Polka của Strauss II.
Xuyên suốt lịch sử, âm nhạc được sáng tác vì nhiều lý do khác nhau, đôi khi để ăn mừng, đôi khi để than khóc và có khi lại chỉ để hồi tưởng. Bằng cách sử dụng những sắc màu đa dạng từ kỹ thuật sáng tác và các loại nhạc cụ khác nhau, nhà soạn nhạc có thể vẽ nên hình ảnh thông qua thanh âm.
Khán giả của buổi hòa nhạc sẽ được thấy lại một giai đoạn lịch sử của Phần Lan được tái hiện rõ mồn một trước mắt, qua “bài thơ bằng nhạc” mang tên Finlandia của nhà soạn nhạc Jean Sibelius. Tác phẩm được viết năm 1899 và sửa lại năm 1900- mô tả cuộc chiến âm thầm của người Phần Lan nhằm chống lại sự kiểm duyệt ngày càng tăng của Nga hoàng trên đất nước mình thời kỳ đó. Có những thanh âm gợi nhắc sự hỗn loạn, kích động của cuộc tranh đấu ở phần đầu của bản giao hưởng, để rồi, người nghe được lắng lại trong những nốt nhạc bình yên, thanh thản ở phần cuối tác phẩm, khi cuộc tranh đấu qua đi.
Tiếp nối những khoảnh khắc lịch sử của Finlandia sẽ là Chương 1 của bản giao hưởng số 23 dành cho Piano của nhà soạn nhạc thiên tài Mozart, được trình diễn bởi cây piano nhí Lưu Danh Khôi cùng với SSO.
Concerto No. 23 là một trong ba bản concerto được viết vào mùa xuân và được biểu diễn bởi chính Mozart. Mỗi chương trong ba chương của bản nhạc mang một cung bậc sắc màu tình cảm khác nhau. Chương 1 có tiết tấu đằm thắm, tha thiết, nhẹ nhàng, khiến người nghe có những lúc tưởng chừng như tiếng piano là những giọt âm thanh bay bổng trên một dòng sông âm nhạc.
Ở nửa sau của buổi hòa nhạc, Trương Thị Ngân Hà sẽ cùng với SSO trình diễn chương 1 của bản Giao hưởng số 2 viết cho piano của F. Chopin. Và chương 3 của bản concerto số 3 viết bởi nhà soạn nhạc thiên tài L. Beethoven sẽ do Phan Thiên Bạch Anh thể hiện với dàn nhạc
Người ta nói rằng, nếu cuộc đời Beethoven là một tấn bi kịch thì Bản giao hưởng số 3 này chính là một chương quan trọng nhất trong tấn bi kịch đó. Bản giao hưởng được viết năm 1800, nhưng mãi cho đến 1803 mới hoàn thành. Đó là quãng thời gian mà Beethoven phải vật lộn với sức khỏe suy sụp và nhận ra rằng ông có thể vĩnh viễn mất đi khả năng nghe.
Khi lần chữa trị cuối cùng tại Heiligenstadt không mang lại kết quả gì, nhà soạn nhạc gần như chỉ muốn tự tử- nhưng trong bức thư nổi tiếng gửi tới các anh em trai của mình, ông đã thổ lộ rằng âm nhạc đã ngăn ông không tự giết mình. Bản concerto số 3 bởi thế mà càng trở nên bất hủ.
Kết thúc buổi Hòa nhạc giáo dục số 2 sẽ là những giai điệu hết sức tươi vui của Thunder and Lightning Polka của Strauss II, đưa người nghe trở lại với tâm trạng phấn khởi, hạnh phúc, vui mừng sau những bi kịch đẫm nước mắt từ bản nhạc trước của Beethoven qua đi.
Trong suốt năm 2019, SSO sẽ cùng Học viện Âm nhạc thực hiện 6 buổi Hòa nhạc Hợp tác Giáo dục, với mục đích giới thiệu Dàn nhạc giao hưởng và âm nhạc cổ điển đến khán giả (là các em học sinh, sinh viên và khán giả yêu mến âm nhạc giao hưởng) thông qua những tác phẩm nổi tiếng. Dự án cũng nhằm mang lại cơ hội được biểu diễn cùng một Dàn nhạc chất lượng và chuyên nghiệp tới các em học sinh/sinh viên đang học tập tại trường cũng như các khán giả yêu mến và quan tâm.
Ở chương trình hòa nhạc số 2 này, ba tài năng trẻ của âm nhạc hàn lâm nước nhà sẽ lần lượt chứng minh cho khán giả yêu giao hưởng thấy Việt Nam không thiếu danh tài.
Phan Thiên Bạch Anh từng đạt Giải vàng Liên hoan Âm nhạc Quốc tế châu Á tại Hàn Quốc năm 2012, khi đó cô bé mới 10 tuổi. Trương Thị Ngân Hà (17 tuổi) đã từng giành giải nhất bảng B (lứa tuổi từ 10-12) tại cuộc thi International Music Competition “Pietro Argento” lần thứ 18. Còn Lưu Danh Khôi, cậu bé 16 tuổi cũng đã từng đạt Giải Bạc cuộc thi Piano quốc tế châu Á tại Hàn Quốc năm 2014. Danh vị đầu đời ấy, với những nghệ sỹ gạo cội trong làng nhạc giao hưởng, có thể chưa phải là lớn lao, nhưng đó là nền tảng, là bệ phóng, để các em có thể tiến xa hơn trong tương lai, đặc biệt, khi được học tập, được trình diễn dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng nổi tiếng thế giới Olivier Ochanine - Giám đốc Âm nhạc của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời.
Tôn vinh những tài năng trẻ, tạo cho các em những cơ hội được thể hiện tài năng thiên bẩm trong âm nhạc hàn lâm, đó là một trong những mục tiêu, sứ mệnh hàng đầu của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời. Sứ mệnh ấy, qua Chương trình Hòa nhạc Giáo dục số 1 (ngày 24/1/2019) đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của đông đảo khán giả là phụ huynh, học sinh các trường đào tạo âm nhạc. Và tương lai, SSO sẽ còn làm được nhiều hơn thế, để âm nhạc hàn lâm Việt có thể đĩnh đạc bước ra thế giới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận