Sáng nay (7/12), một số hành khách đã gọi điện về đường dây nóng của Báo Giao thông phản ánh tình trạng chuyến bay bị chậm đến 2- 3 tiếng chưa thể cất cánh.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Cảng HKQT Nội Bài cho biết: Do sương mù và trần mây thấp làm hạn chế tầm nhìn, có 7 chuyến bay đến Nội Bài buộc phải chuyển hướng hạ cánh tại sân bay khác.
Ngoài ra, cũng có 11 chuyến bay nội địa khởi hành từ Nội Bài buộc phải chậm kế hoạch cất cánh.
"Toàn bộ các chuyến bay có thời gian cất, hạ cánh từ 5-8h sáng đều không thể thực hiện theo kế hoạch. Đến 7h55 sương mù tan, các chuyến bay mới có thể cất, hạ cánh trở lại. Đến thời điểm này, các chuyến bay cũng đang dần được giải toả. Tuy nhiên cũng có khá nhiều chuyến bị ảnh hưởng dây chuyền do phải đợi slot bay.
Chuyến bay chậm vì những lý do như thế này là tình thế bắt buộc, vì lý do an toàn của hành khách nên cũng mong các hành khách thông cảm", đại diện sân bay Nội Bài cho hay.
Một phi công dày dặn kinh nghiệm cho biết: Trong ngành hàng không, hiện tượng gây giảm tầm nhìn được xem là nguy hiểm, có khả năng uy hiếp an toàn bay.
Để đảm bảo an toàn hàng không, tổ lái chuyến bay phải tuân thủ chặt chẽ quy trình khai thác, nhanh chóng chuyển hướng máy bay hạ cánh tại sân bay dự bị khi không thể hạ cánh tại sân bay chính thức theo kế hoạch.
"Sương mù gây cản trở tầm nhìn khi máy bay lăn ở trên sân và chạy đà cất cánh tại đường cất hạ cánh. Khi hạ cánh có thể dựa trên độ chính xác của trang thiết bị để tự động hạ cánh và giảm tiêu chuẩn khai thác. Tuy nhiên cất cánh đòi hỏi phi công dùng mắt để điều khiển tầu bay chạy đúng trên đường cất hạ cánh nên để đảm bảo an toàn, phi công cũng như chỉ huy không lưu sẽ cần có đủ tầm nhìn", phi công này phân tích.
Thực tế, tỷ lệ chuyến bay phải chuyển hướng hạ cánh do điều kiện thời tiết so với trước đây đã giảm đi rất nhiều do Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đã được đầu tư cải tạo, sửa chữa 2 đường cất hạ cánh và đầu tư hệ thống trang thiết bị đồng bộ, phục vụ bay an toàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận