Sáng 8/8, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, cùng lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, các chuyên gia địa chất kiểm tra tình trạng nứt, sụt đất tại dự án hồ chứa nước Đông Thanh.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cùng các chuyên gia đang phân tích nguyên nhân lún trượt hồ Đông Thanh.
Ông Nguyễn Minh An, Phó chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết: “Do mưa lũ liên tục, đáy dốc nước số 2 và dốc nước số 3 bị nứt 2 đường chân chim. Đáy giao giữa dốc nước số 1 và dốc nước số 2 bị nứt khe 1cm. Tường bên trái đoạn dốc nước số 3 bị đẩy nổi 7cm. Tường giao giữa dốc 3 và số 4 nứt khe 1cm. Tường trái đoạn dốc nước số 4 giao với tường đoạn nước rơi bị tách nứt 7,5cm.
Đoạn dốc nước số 4 bị đẩy nghiêng dẫn đến tường bên trái thấp hơn thiết kế 2cm, tường bên phải cao hơn thiết kế 49cm. Đáy dốc nước số 4 bị tách nứt 7,5cm. Tường phải bể tiêu năng giáp đoạn nước rơi bị đẩy trồi 53cm. Tường trái bể tiêu năng giáp đoạn nước rơi bị đẩy trồi 11cm. Đáy bể tiêu năng bên phải bị đẩy trồi 60cm. Tấm mái số 2 kênh hạ lưu bên bị đẩy nổi 60cm.
Đặc biệt, đối với đường tránh ngập khoảng 500m đường giao thông tránh ngập bị nứt, sụt lún có nguy cơ sạt trượt”.
Có 4 hộ gia đình có công trình nhà ở xây dựng năm 2022 trên đất nông nghiệp bên cạnh hồ Đông Thanh. Trong đó, ngôi biệt thự của ông Nguyễn Văn Thắng bị nứt sụt nhiều vị trí tại sân vườn và đường. Sau nhà ông Thắng là taluy dương được san gạt cao hơn 10m, trong đó có một số mạch nước ngầm chảy bùn ra sân, tạo những rãnh lớn, gây sụt lún. Công trình nhà ông Thắng không có hệ thống thoát nước, mưa nhiều nước ứ đọng thấm vào đất gây ra sụt lún.
Trong quá trình xây dựng, tháng 8/2022, vợ chồng ông Thắng bị lập biên bản xử phạt hành chính.
Chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng và đơn vị chủ đầu tư, thi công công trình hồ chứa nước Đông Thanh đã di tản người dân, hỗ trợ di dời đồ đạc của người dân ra khỏi khu vực nguy cơ sạt lở. Đồng thời, hỗ trợ mỗi hộ dân bị ảnh hưởng nhà ở 10 triệu đồng.
Mời chuyên gia tìm giải pháp khắc phục
Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện tại, nhiều vị trí đất vẫn tiếp tục nhão ra và sạt trượt. Chính vì vậy, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan cần tiếp tục sát sao, theo dõi để xử lý các tình huống có thể xảy ra. Đặc biệt là cần di tản người.
Ngay khi xảy ra sự cố, UBND huyện Lâm Hà đã phối hợp với Sở NN&PTNT kiểm tra, đánh giá sơ bộ về tình hình trượt, sạt lở đất và thống nhất chỉ đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý sự cố, hạn chế ảnh hưởng của sự cố đến sự an toàn của cụm công trình đầu mối và tài sản của người dân.
Cụ thể, lắp trả các hố đào sâu, tạo độ dốc thoát nước về hạ lưu không cho đọng nước trong phạm vi công trình; làm tầng dăm lọc, cát lọc, đá hộc và đá tảng tại chân mái taluy đào để tăng cường ổn định chân mái đào.
Các đơn vị tiếp tục quan trắc các vết nứt ở vai đồi, nhà dân, đặc biệt trước và sau khi mưa; khơi thông toàn bộ rãnh tiêu, suối ở vị trí vai đồi đảm bảo thoát nước mưa, thi công cống ly tâm đường kính 1,0m thoát nước ngang đường.
Đồng thời, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn và cảnh báo khu vực sạt, trượt đất nguy hiểm; cắm biển cảnh báo nguy hiểm ở những khu vực có nguy cơ sạt lở đất và cử lực lượng trực 24/24h để theo dõi, xử lý kịp thời ở những điểm có nguy cơ sạt cao.
Ngôi biệt thự trái phép bên hồ chứa Đông Thanh bị sụt lún do không có hệ thống thoát nước từ mạch nước ngầm trên núi đổ xuống.
Ban QLDA đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện chủ trì, phối hợp với đơn vị tư vấn là Công ty CP Tư vấn xây dựng thủy lợi 3 và đơn vị thi công Công ty CP Thủy lợi Lâm Đồng triển khai thực hiện khảo sát địa chất... để đánh giá diễn biến sạt trượt đất, nguyên nhân, đề xuất giải pháp kỹ thuật xử lý.
Đến nay, đã thực hiện xong các công việc đo vẽ địa hình khu vực sạt trượt, đo địa vật lý bằng phương pháp ảnh điện; đang xử lý nội nghiệp, dự kiến đến ngày 10/8 có kết quả mặt cắt địa chất.
Đang triển khai khoan địa chất khu vực sạt trượt và quan trắc liên tục theo ngày, trong những ngày mưa thực hiện quan trắc trước và sau khi mưa. Hiện nay, đã khoan hoàn thành 7/13 mũi khoan, đang tiếp tục khoan 3 mũi.
Lâm Đồng cũng đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với chính quyền tỉnh Lâm Đồng mời các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá, đưa ra kết luận cụ thể về nguyên nhân sụt, nứt và trượt đất tại khu vực. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân không hoang mang, lo sợ nhưng cũng không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Cần 100 tỷ đồng để khắc phục sự cố
Theo dự toán của UBND huyện Lâm Hà, trên cơ sở kết quả đánh giá sơ bộ về địa hình, địa chất và kinh nghiệm của các chuyên gia giải pháp dự kiến là thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và thực hiện đào đất, giật cấp để giảm tải, xây dựng một số hạng mục công trình để xử lý sạt trượt đất… đảm bảo an toàn cho khu vực và cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Đông Thanh với quy mô thu hồi 10ha đất, với khối lượng đất đào giảm tải: 400.000m3. Kinh phí dự kiến thực hiện khoảng 100 tỷ đồng (trong đó, bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 35 tỷ đồng).
Video: Thứ trưởng Bộ NN&PTTN Nguyễn Hoàng Hiệp nói về nguyên nhân sụt lún hồ Đông Thanh
Tuy nhiên, sau khi khảo sát thực tế, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cùng các chuyên gia nhận định: Nguyên nhân hồ Đông Thanh bị sụt lún không hẳn do mưa lớn. Trong tháng vừa qua khu vực này mưa khoảng 200mm, lượng mưa không thể nói là quá lớn. Khảo sát tại bên hồ có một số vết trượt trên núi đã hình thành từ lâu và giờ do một số tác động nên gây ra tiếp tục sụt lún.
"Tỉnh Lâm Đồng đang có 15 mũi khoan, chúng tôi đề nghị bố trí thêm một số mũi khoan nữa để xác định rất rõ nguyên nhân, vị trí sẽ đưa ra giải pháp. Trước mắt phải có biện pháp làm cho các cung trượt đất này chậm lại và dừng không trượt nữa. Việc đầu tiên là xử lý hệ thống thoát nước mặt và thoát nước ngầm để cho nước không tác động vào cung trượt này nữa.
Ngoài ra, cần những giải pháp tính toán lại phạm vi cung trượt để gia cố đập. Về lâu dài cần phải khảo sát rộng hơn để có giải pháp lâu dài. Việc cấp bách cần xử lý khối sạt trượt này trước. Mặt khác, đề nghị tỉnh Lâm Đồng tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến của thời tiết, rà soát các điểm, khu vực có sạt lở, trượt đất, ngập lụt… để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống theo phương châm “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng”…
Sau khi kiểm tra dự án hồ Đông Thanh (Lâm Đồng) và hồ thủy lợi Đắk N’Ting (Đắk Nông), ông Nguyễn Hoàng Hiệp và các chuyên gia nhận định: “Từ trước tới quy chuẩn của khảo sát thiết kế hồ chứa nước, mới chỉ khảo sát từ đường bờ hồ xuống lòng hồ, chưa khảo sát vai hồ và đỉnh núi sát bên hồ. Tuy nhiên, địa bàn đồi núi các tỉnh Tây Nguyên có độ dốc cao, dễ bị sụt lún, sạt trượt. Vì vậy sau đợt kiểm tra này, đoàn kiểm tra sẽ thống nhất báo cáo Chính phủ thay đổi quy chuẩn cho công tác khảo sát, thiết kế vùng Tây Nguyên, thêm khảo sát cả vai hồ và mở rộng hơn nữa khi cần thiết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận