Đã sơ tán dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn
Ngày 20/7, đoàn công tác Cục Đường bộ Việt Nam đã kiểm tra hiện trường vị trí sụt trượt đoạn qua dốc Chuối, QL16 (đoạn qua địa phận xã Châu Kim, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An).
Theo quan sát, toàn bộ mặt đường kéo dài khoảng 50m đoạn Km 264+700, QL16 đã bị sụt trượt, đứt gãy xuống ta luy âm. Vị trí sụt trượt sâu nhất lên đến khoảng hơn 3m so với mặt bằng ban đầu.
Ngoài ra, hiện nay cách vị trí sụt trượt nói trên khoảng 200m về phía thị trấn Kim Sơn, xuất hiện tình trạng đất đá từ trên núi đùn ra mặt đường, mặt đường xuất hiện vết nứt ngang. Trên đồi núi khu vực này cũng xuất hiện các vết nứt, nhiều vị trí vết nứt ngay sát nhà dân; đất đá đùn ra, cây cối ngả nghiêng…
Theo báo cáo nhanh của đơn vị quản lý tuyến: Những ngày qua, đêm sụt lún sâu nhất là 50cm, còn đêm sụt lún thấp nhất là 20m, riêng đêm qua (19/7), sụt lún 40cm.
Ông Bùi Văn Hiền, Phó chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Ngay phía dưới vị trí sụt trượt có 6 hộ dân của xã Châu Kim sinh sống. Ngay sau khi sụt trượt xảy ra, huyện đã chỉ đạo xã Châu Kim vận động cả 6 hộ dân sơ tán và di dời đồ đạc, tài sản đến nơi an toàn.
Cũng theo ông Hiền, QL16 là tuyến đường khá độc đạo, một nửa dân cư của huyện (có tới 5 xã) sinh sống ở phía Tây vị trí sụt trượt. Ngoài ra, nhiều công trình của huyện, tỉnh nằm ở phía bên kia. Việc đóng đường đã và đang gây rất nhiều ảnh hưởng tới việc đi lại, giao thương buôn bán của người dân, và làm chậm tiến độ của các công trình trên địa bàn.
Đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT quan tâm, sớm có các giải pháp để người dân sớm đi lại an toàn.
Khắc phục sụt trượt, gắn với xử lý điểm đen
Chia sẻ những khó khăn của địa phương và người dân sở tại, ông Lê Hồng Điệp, Trưởng phòng Quản lý tổ chức giao thông đường bộ, Cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh: Trước mắt, đơn vị quản lý tuyến theo dõi sát sao diễn biến sụt trượt, nếu ổn định thì có thể cho xe máy lưu thông qua vào ban ngày.
Việc lưu thông sẽ được thực hiện theo từng tốp nhỏ để đảm bảo an toàn. Còn về ban đêm và lúc mưa gió thì tuyệt đối cấm phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Ông Điệp đề nghị Sở GTVT Nghệ An nhanh chóng phối hợp với các cơ quan chuyên môn, với địa phương, tiến hành khảo sát để đưa ra đánh giá sơ bộ.
Từ đó đưa ra giải pháp làm đường tạm hay cầu tạm để người dân, xe máy, xe tải nhẹ có thể qua lại.
“Việc này phải làm ngay, bởi để xử lý dứt điểm sụt trượt cần phải có thời gian dài trong khi người dân cần phải đi lại, cần phải giao thương buôn bán”, ông Điệp nói.
Cũng theo ông Điệp, về lâu dài, Sở GTVT Nghệ An phải tiến hành khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn… để xác định cung trượt từ đó đánh giá, nghiên cứu đưa ra giải pháp phù hợp, triệt để.
Việc xử lý sụt trượt ở đây phải gắn liền với việc xử lý điểm đen ở khu vực lân cận. Đoạn đường này có độ dốc dọc lớn, lại cong cua, trong khi mặt đường đã đưa vào sử dụng từ lâu, rất trơn trượt.
Trước khi khảo sát và có đánh giá chi tiết, kỹ lưỡng cuối cùng, có thể tham khảo các giải pháp của các chuyên gia như làm cầu cạn, nút xoắn hình lò xo và thậm chí là cải tuyến…
Ngay sau khi sụt lún, Sở GTVT Nghệ An đã chỉ đạo Hạt Quản lý đường bộ đắp bù lún và làm đường tạm cho người dân đi lại.
Tuy nhiên, sau đó do sụt lún sâu đến hơn 3m so với mặt bằng ban đầu nên sở đã quyết định đóng đường để đảm bảo an toàn cho người dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận