Xã hội

Tác nghiệp ở tâm lũ vỡ đập thủy điện Nam Lào

21/06/2019, 06:50

Trước khi tôi xuất phát, nhiều lần Tổng biên tập điện thoại dặn dò các nội dung cần tập trung khai thác thông tin về hoàn cảnh người dân...

img
Tan hoang sau vỡ đập thuỷ điện ở Sanamxay - Attapeu - Nam Lào

Hôm đó là một ngày mưa rền rã ở Bắc Tây Nguyên. Bên kia biên giới, tại Sanamxay, Attapeu (Lào) đã xảy một vụ vỡ đập thuỷ điện kinh hoàng. Và chuyến hành trình vào tâm lũ ấy thật khó quên trong nghiệp cầm bút của tôi…

Chuyến đi bất ngờ

8h sáng ngày 24/7/2018, hãng thông tấn ABC – Lào (Laos News Agency) đăng tải video đầu tiên trên Facebook cảnh tượng tan hoang tại vùng hạ du đang ngập lụt vụ vỡ đập thuỷ điện Sepian- Senamnoi, huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu (Nam Lào). Cảnh quay từ video trên máy bay trực thăng quân đội nước này cho thấy một cảnh tượng kinh hoàng đang diễn ra ở khu vực. Hàng ngàn người dân đang được các lực lượng cứu hộ, cứu nạn nhanh chóng di tản ra khỏi các làng bản ngập lụt.

Sau khi cập nhật thông tin, tôi đã lên Google bản đồ tra địa danh nơi vỡ đập và thấy nơi này cách tỉnh Kon Tum hơn 200km. Vì là phóng viên thường trú tại Tây Nguyên, nên khoảng cách để tôi đến được nơi vỡ đập khá gần.

Ngay sau đó, tôi đã nghĩ ngay đến hành trình sang Lào để tường thuật thông tin về vụ vỡ đập thuỷ điện. Cuộc gọi đầu tiên tôi thông báo đến trưởng đại diện văn phòng Báo Giao thông khu vực Tây nguyên. Qua điện thoại tôi thông báo sự việc đồng thời xin ý kiến đi sang Lào để tác nghiệp. Anh hỏi tôi mọi điều kiện thủ tục, sự chuẩn bị an toàn cho chuyến đi. Tôi trả lời dứt khoát trong điện thoại rằng tôi có nhiều người bạn học cùng đại học là người Lào đang ở gần khu vực vỡ đập thuỷ điện. Bạn tôi hứa sẽ giúp tôi đến vùng lũ lụt thực hiện công việc.

Trong điện thoại, trưởng văn phòng đồng ý với đề xuất sang Lào tác nghiệp của tôi. Còn đi hay không thì quyết định cuối cùng là của Ban Biên tập. 10 phút sau, Tổng Biên tập đã gọi trực tiếp cho tôi. Qua điện thoại, anh hỏi tôi về kế hoạch công việc, liên hệ với ai, phương tiện đi lại, phiên dịch…

Rất nhiều phương án tôi đưa ra và Tổng Biên tập đã đồng ý cho tôi sang Lào tiếp cận vùng ngập lụt nơi vỡ đập thuỷ điện. Trước khi tôi xuất phát, nhiều lần Tổng biên tập điện thoại dặn dò các nội dung cần tập trung khai thác thông tin về hoàn cảnh người dân gặp hoạn nạn, công tác cứu trợ của Lào, sự hỗ trợ của Chính phủ và Quân đội Việt Nam và các nước khác. Khi tôi qua khỏi cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum), các lãnh đạo cũng thường xuyên gọi điện thoại, nhắn tin yêu cầu phải đảm bảo an toàn sức khoẻ khi đi tác nghiệp ở vùng nguy hiểm.

img
Tan hoang sau vỡ đập thuỷ điện ở Sanamxay - Attapeu - Nam Lào

Trực thăng bay trên vùng lũ

Chiều 24/7/2017, tôi và hai nhà báo của Báo Tuổi trẻ và Lao động đã chủ động liên hệ họp bàn kế hoạch bắt xe đi đến trung tâm tỉnh lỵ Attapeu. Con đường từ cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) về trung tâm tỉnh Attapeu mất 2/3 đường là đèo cao vực sâu. Sau nhiều ngày mưa, con đường sạt lở, những trụ điện bị đá xô đổ nằm ngay giữa đường gieo lên nỗi lo trong tôi. Chúng tôi ngồi trên xe mà không biết phía trước sẽ gặp những điều gì…

Vượt qua những chặng đường vất vả, chuyến xe khách ấy đã đưa chúng tôi đến trung tâm tỉnh lỵ Attapeu. Tranh thủ những cuộc gọi từ những nguồn tin ở Sanaxay, từ đây, những ghi nhận tình hình cứu hộ sau vụ vỡ đập thuỷ điện được đăng tải.

Sáng 25/7, bằng các mối quan hệ công việc, những người bạn đã đưa chúng tôi đến gặp các lãnh đạo cao cấp của Chính phủ Lào đang túc trực tại trụ sở hành chính tỉnh Attapeu đang chỉ huy cứu hộ, cứu nạn. Những người có trách nhiệm này đã đưa chúng tôi đến đơn vị quân đội của tỉnh, nơi có Thiếu tướng Khanh Yai, Tỉnh đội trưởng tỉnh Attapeu đang chỉ huy các đội cứu hộ bằng không quân để tiếp tế lương thực, nước uống và tiếp nhận nạn nhân bị thương để đưa đi cấp cứu.

Qua câu chuyện, Thiếu tướng Khanh Yai đã đồng ý cho chúng tôi được lên máy bay trực thăng cùng đoàn cứu hộ vào trung tâm huyện Sanamsay, nơi đường sá giao thông đang bị nước lũ dâng cao chia cắt. 9h 30 sáng, chuyến bay chở nhóm phóng viên quốc tế đầu tiên được cất cánh vào trung tâm vùng lũ. Chiếc máy bay trực thăng quân đội do được yêu cầu từ phía Bộ Quốc phòng Lào nên đã chở chúng tôi bay ở khoảng cách rất gần mặt đất và bay xa hơn hành trình thường lệ. Điều này giúp chúng tôi có thể dễ dàng quan sát cảnh tượng kinh hoàng ở bên dưới.

Hạ du vụ vỡ đập thuỷ điện Sepian - Senamnoi lúc này nước vẫn dâng cao, khoảng trống mênh mông nước ngầu đỏ. Có tới 6 bản (tương đương với cấp xã ở Việt Nam) của huyện Sanamsay bị lũ nhấn chìm và có tới trên 13.000 nóc nhà bị ngập. Một cảnh tượng kinh hoàng phía dưới chúng tôi đang bị mực nước dâng cao che khuất những đổ nát. Chỉ vài ngày sau đó, khi mực nước rút xuống 4-5m mới phát lộ những tang thương này.

Chúng tôi dùng máy ảnh, điện thoại chụp ảnh, ghi hình sử dụng 3G mạng viễn thông Lào cập nhật thông tin qua facebook để Thư ký toà soạn tổng hợp cập nhật thông tin lên báo điện tử.

Chiếc trực thăng chở chúng tôi cùng đoàn cứu hộ hạ xuống sân bóng của ngôi trường THPT Sanamxay. Nơi này tập trung rất đông những người dân ở các bản vùng ngập lụt liên tục được đưa về trung tâm thị trấn. Cả 3 phóng viên chia nhau ra, bắt đầu tập trung ghi nhận thông tin sau lũ.

Tình người trong tâm lũ

Chúng tôi được vợ chồng trẻ Khem Phone và Som Chit cho tá túc ngay trung tâm huyện Sanamxay. Cả hai lúc nào cũng đi từ 7h sáng đến 22h đêm mới về. Hỏi ra mới hay, anh chị túc trực ở trụ sở huyện để giúp người gặp nạn. Khem Phone tham gia đội tiếp nhận, hướng dẫn phân phối hàng cứu trợ trong khi vợ anh cùng hàng chục phụ nữ khác ở đội hậu cần nấu nướng cho hàng nghìn đồng bào vùng lũ đang đói, rét.

Hơn một tuần tác nghiệp, chúng tôi rời Sanamxay trên thùng sau một chiếc xe cứu hộ. Khi ấy, nắng bắt đầu le lói, con đường chúng tôi đi ra khỏi vùng “nhân tai” nhầy nhụa bùn lầy. Những đổ nát nhường lại cho ánh đèn dập dìu ở phố xá trung tâm tỉnh lỵ Attapeu. Tôi tự hứa với lòng mình, sớm thôi, tôi sẽ quay trở lại Sanamsay để thấy những đổi thay ở nơi này…

Khem Phone không biết nói tiếng Việt. Anh cũng như chúng tôi gặp khó khi nói chuyện. Từ ngày đến tá túc nhà anh, chúng tôi đã kết bạn Facebook với nhau. Biết chúng tôi thường phải liên tục di chuyển, chỉ buổi tối và sáng sớm mới ở nhà. Mỗi bữa sáng, anh chạy đến trung tâm huyện xách một ít xôi và thức ăn chia từng phần nhỏ, gói gém lại cẩn thận nhét vào ba lô chúng tôi. Anh nói với Khăn Dit, người phiên dịch của chúng tôi rằng đi vào vùng lũ sẽ không có thức ăn và nước uống sạch nên phải chuẩn bị sẵn.

Sau 4 ngày xảy ra vỡ đập, sông Senamnoi, chi lưu của sông Sê Kông nước rút dần. Cảnh tan hoang trên khắp bản Lào bắt đầu phát lộ. Những căn nhà gỗ xiêu vẹo, những xác động vật chết bắt đầu trương lên bốc mùi quyện với mùi bùn non rất khủng khiếp. Những người Lào sống sót khi bị cuốn vào rừng bắt đầu quay trở lại nhà mình thu vén những gì còn sót lại. Có người đứng trân trân trước ngôi nhà của mình bị lũ cuốn chỉ còn phần móng bị bùn non lấp. Ở những ngôi trường học, cảnh hàng ngàn người mất nhà cửa được đưa về đây ở chen chúc. Những người mất người thân cố nén đau thương để giữ trật tự trong một căn phòng quá đông người.

Sẽ thật kinh hoàng khi thấu tỏ việc đánh đổi năng lượng lấy cuộc sống an bình. Ánh sáng điện sẽ làm giàu ở đâu đó trên đất nước Lào, nhưng không phải nơi này. Chưa bao giờ tôi tận mắt thấy cảnh điêu tàn đến như vậy. Không có đủ ngôn từ để diễn tả cảm xúc trước nỗi đau của một người mẹ vừa mất đi 4 người con, thật khó để chia sẻ khi một người đàn ông mắt ngấn lệ ngồi một góc khi cả vợ con anh đều bị nước cuốn trong cơn lũ ập đến.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.