Năm nay, việc ùn ứ khiến doanh nghiệp, nông dân chịu thiệt hại nặng nề hơn khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vốn đã bào mòn sức chịu đựng của họ.
Vậy nguyên nhân do đâu, có cách nào tháo gỡ để tình trạng này không tái diễn? Báo Giao thông trao đổi với ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương xung quanh vấn đề này.
Ông Trần Thanh Hải
Bán hàng kiểu “đi họp chợ phiên”
Ông nhìn nhận thế nào về việc hàng nghìn container lại ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc trong nhiều ngày qua, nguyên nhân là do đâu?
Việc hàng nghìn container lại ùn ứ ở cửa khẩu phía Bắc là do Trung Quốc thay đổi chính sách kiểm soát dịch Covid-19. Họ thực hiện chính sách “Zero Covid”, nên tăng cường phong tỏa để chống dịch.
Trong khi, tại Việt Nam đang thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Tức là chúng ta thích ứng, sống chung với dịch, số ca nhiễm cũng tăng hơn trước, nên phía Trung Quốc họ “siết” các biện pháp chống dịch.
Không có nguyên nhân nào đột biến, hay không rõ ràng cả. Tất cả là do các tình huống liên quan đến chính sách chống dịch của Trung Quốc, bởi không riêng gì biên giới với Việt Nam, mà các biên giới của Trung Quốc với Myanmar cũng đang xảy ra tình trạng tắc nghẽn tương tự.
Cũng không chỉ đường xuất khẩu, đường nhập khẩu về Việt Nam cũng đang gặp vấn đề này. Thương nhân Trung Quốc họ cũng bức xúc khi phải mất thêm nhiều thời gian mới thông quan được.
Nhưng, tình trạng này diễn ra nhiều năm nay, vì sao chúng ta không có giải pháp để giải quyết triệt để?
Cái khó nhất của chúng ta là hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu là hàng nông sản tươi. Còn họ xuất khẩu sang chúng ta phần lớn là hàng công nghiệp, nếu có ùn ứ cũng không lo hư hỏng.
Trong khi đó, đặc trưng với các loại hàng nông sản tươi, rẻ tiền là ở chỗ, kể cả bảo quản lạnh cũng chỉ được một thời gian nhất định.
Hàng hoa quả nếu chỉ làm mát thì cũng chỉ được khoảng 10 - 15 ngày, nếu là những mặt hàng thủy sản có thể lâu hơn nhờ cấp đông.
Chưa kể, những mặt hàng giá trị thấp, tiền bảo quản còn quá giá trị sản phẩm nên mới có tình trạng hoa quả được bày bán hoặc bỏ đi la liệt tại cửa khẩu.
Hàng năm, Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT cũng đã có những khuyến cáo tới các địa phương “không đưa hàng hóa lên biên giới” từ rất sớm, lưu ý việc trên đó đã ùn ứ rồi thì đừng vận chuyên lên thêm nữa.
Tuy nhiên, dù khuyến cáo nhưng các địa phương và doanh nghiệp (DN) vẫn cứ đưa lên, vì họ nghĩ không đưa lên đó thì biết đưa đi đâu?
Bởi lẽ, thị trường trong nước chỉ tiêu thụ ở một mức nào đó. Trong khi, hoa quả lại theo thời vụ, tập trung thu hoạch vào thời điểm cuối năm chứ không trải dài các thời điểm trong năm.
Do đó, khi hoa quả đã đến vụ rồi thì phải cho lên xe, cứ thế đưa lên biên giới. Sang bên kia nước bạn, bán được bao nhiêu thì bán, y như mình đi họp chợ phiên vậy.
Đây là kiểu làm ăn không theo kế hoạch hoặc hợp đồng trước. Thành ra “được chăng hay chớ”, khiến tình trạng tắc nghẽn năm này qua năm khác vẫn diễn ra, bất chấp những cảnh báo.
Trong khi đó, cũng là hàng nông sản mà xuất khẩu đi châu Âu, Hoa Kỳ, hay kể cả Trung Quốc mà xuất khẩu bằng tàu biển lại không bị ảnh hưởng, vì họ đã có hợp đồng trước với các khách hàng.
Cần thúc đẩy đầu tư vào chế biến
“Đến hẹn lại lên”, dịp cuối năm, cảnh tắc cửa khẩu lại tái diễn
Vậy, nông sản không thể xuất được thì tiêu thụ ra sao? Một số ý kiến cho rằng, cần đề xuất cơ chế thúc đẩy DN đầu tư vào chế biến tại địa phương mới giải quyết được bài toán này, quan điểm của ông thế nào?
Điều đó là rất đúng! Bộ NN&PTNT cũng đã đốc thúc và họ đã có luôn một chiến lược về vấn đề này. Tuy nhiên, trong lĩnh vực chế biến, nhà đầu tư nước ngoài và trong nước hiện rất ít. Nhà đầu tư trong nước rất nhỏ, còn nhà đầu tư nước ngoài chưa thấy.
Các địa phương đều mong muốn thu hút và đón chào nhà đầu tư. Song, để đưa ra một cơ chế ưu đãi đột phá thì khó, vì có thể vượt khung quy định chung hoặc có thể phải đi xin chủ trương từ trên.
Lúc này, địa phương cũng phải cân đối xem dự án đó đã xứng đáng đến mức để làm như thế chưa?.
Nếu quy mô nhỏ, nhưng DN lại yêu cầu đặc thù đặc cách cho mình, thì việc thu hút vào chế biến rất khó khả thi. Do đó, các DN nên áp theo các quy định thu hút đầu tư của các tỉnh để tính toán, chứ không đưa ra các yêu cầu và khi không đáp ứng được thì cho rằng đó là “không ưu đãi”.
Trong việc này, cũng cần có sự cân đối lợi ích từ DN nên không thể nói cứ thu hút là DN sẵn sàng, mà cần đánh giá từng đặc thù theo vùng...
Hiện nay, trong bối cảnh các cửa khẩu với Trung Quốc đang siết chặt để phòng dịch Covid-19 và sắp tới sẽ áp dụng những quy định mới từ ngày 1/1/2022 với các Lệnh 248, 249, việc này sẽ tác động đến cán cân thương mại giữa hai nước thế nào?
Ảnh hưởng của các lệnh này đến cán cân thương mại không quá lớn, nhưng có thể sẽ gây nên những khó khăn trong giai đoạn đầu thực hiện.
Các lệnh này quy định chặt chẽ với mặt hàng thực phẩm, nhưng mặt hàng này lại chưa phải là mặt hàng có kim ngạch với tỷ trọng lớn.
Bên cạnh đó, xuất khẩu thủy sản chiếm tỷ trọng tương đối trong nhóm nông thủy sản, trong khi châu Âu và Hoa Kỳ mới là thị trường lớn.
Còn Trung Quốc là thị trường lớn của nhóm cao su và sắn, nhưng vấn đề này không bị ảnh hưởng về bảo quản kho lạnh.
Tuy vậy, diện tác động lại rất lớn, ảnh hưởng nhiều đến nông dân do ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu các mặt hàng như: Thanh long, nhãn, chôm chôm, dưa hấu...
Nếu như trước đây người nông dân có thể thu hoạch, chất hàng lên xe và mang lên biên giới, thì với quy định mới, họ phải qua rất nhiều khâu khai báo.
Họ phải thay đổi lại hết quy trình, quy chuẩn mới được cấp mã vùng trồng, từ đó mới được xuất khẩu. Nếu không bắt nhịp được, hộ nông dân sẽ bị đào thải.
Cảm ơn ông!
Nâng cao năng lực chuỗi kết nối, tiêu thụ nông sản
Chuyên gia nông nghiệp Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, trước đây, việc ùn tắc thường chỉ xảy ra với thanh long, dưa hấu hoặc chuối do doanh nghiệp chở lên các chợ biên giới một cách tự phát, nhưng hiện nay tất cả các mặt hàng đều không qua được biên giới.
Điều này cho thấy, thị trường Trung Quốc đã thực sự thay đổi, không còn như trước. Vì thế, Việt Nam cần nâng cao năng lực chuỗi kết nối, tiêu thụ nông sản. “Đã đến lúc cần đi thẳng vào thị trường nội địa của Trung Quốc bằng đường hàng không, đường biển chứ không chỉ đi qua đường bộ như hiện tại”, ông Sơn nói.
Ở góc độ doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm xuất khẩu, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bagico nhấn mạnh, đến nay Trung Quốc không còn muốn nhập khẩu theo đường tiểu ngạch nữa. Tuy nhiên, việc xây dựng mã số vùng trồng theo Luật Trồng trọt đến nay vẫn chưa thực thi. Nếu không làm được điều này, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sẽ còn vô vàn khó khăn.
Theo bà Thực, hiện nay, thương lái vẫn phải đi tới từng vùng nguyên liệu để nắm tình hình thực tế, còn dữ liệu của các ban, ngành chức năng không sử dụng được. Do đó, để nâng cao hiệu quả xuất khẩu thời gian tới, cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu mang tính thực tế hơn. Muốn làm được điều đó, bà Thực cho rằng, cần sự vào cuộc của cả Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao...
Sớm có cơ chế thu hút đầu tư chế biến nông sản
Trả lời câu hỏi về việc làm sao thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản tại các vùng trọng điểm, để có thể giải quyết được bài toán “phải đổ bỏ” do bị ùn ứ tại các cửa khẩu, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, chiến lược chế biến đã được Bộ NN&PTNT trình Chính phủ và sẽ sớm ban hành.
Riêng với thị trường Trung Quốc cũng sẽ có đề án riêng, trong đó tiếp tục đàm phán mở rộng cho các loại nông sản xuất khẩu chính ngạch, đầu tư hạ tầng logistics ở các cửa khẩu như kho trữ lạnh, chế biến...
Song, theo vị này, cần sự chủ động của chính quyền địa phương trong việc quy hoạch, tạo vùng nguyên liệu, có cơ chế mời gọi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này.
Trước mặt, để giải quyết việc ùn ứ tại các cửa khẩu cần các địa phương lên phương án cân đối, chủ động biện pháp tạm thời bảo quản nông sản tại các kho lạnh.
Đồng thời, các bên cần kết nối thông tin với Sở Công thương Lạng Sơn cập nhật thông tin tiến độ thông quan, để giảm thiểu những rủi ro, chi phí... cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cũng cần cẩn trọng kiểm tra chất lượng nông sản xuất sang Trung Quốc vì gần đây phía quốc gia này tăng cường kiểm soát dịch bệnh. Tránh trường hợp đua nhau xuất cùng thời điểm để phải nằm chờ, tốn kém chi phí...
Chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch
Ngày 23/12, Bộ Công thương đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về việc thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Trước việc Trung Quốc tiếp tục kiên trì chính sách “Zero Covid”, quản lý nghiêm ngặt đối với người và hàng hóa nhập cảnh, Bộ Công thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tăng cường khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, hộ nông dân, cơ sở sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản và trái cây tươi trên địa bàn thường xuyên cập nhật tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Trong đó, đặc biệt lưu ý lịch nghỉ Tết Nguyên đán của phía Trung Quốc để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác.
Đồng thời, trao đổi ngay với bạn hàng Trung Quốc để giao hàng qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh khác (ví dụ Cao Bằng) nhằm giảm ùn ứ tại Lạng Sơn; hoặc chuyển sang sử dụng phương thức vận tải khác như đường biển; Tiếp tục chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch; đẩy nhanh triển khai thực hiện đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc về đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản như Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương đã hướng dẫn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận