Ảnh 360 độ giúp người xem thưởng thức mọi góc độ chỉ bằng việc dùng con trỏ chuột |
Người làm báo phải “làm mới” bản thân
Tại Việt Nam, nhiều tòa soạn như: Báo điện tử VietnamPlus.vn, Zing.vn, Soha.vn, CafeF.vn… đã ứng dụng tổ chức sản xuất các sản phẩm sáng tạo, tạo nên những hình thức thể hiện mới, khác với lối mòn làm báo truyền thống, hấp dẫn, thu hút công chúng. Điều này cũng đồng nghĩa các phóng viên buộc phải làm mới, thay đổi tư duy, cách làm báo để đáp ứng yêu cầu của tòa soạn. Trao đổi với PV Báo Giao thông, chị Phạm Thị Thanh Trà, phóng viên chuyên sản xuất dạng tin đồ họa, video đồ họa của báo điện tử VietnamPlus chia sẻ: Ban đầu, khi cơ quan có định hướng phát triển các hình thức sáng tạo trên báo, bản thân chị không ngừng học hỏi và tìm hiểu những hình thức mới. Khi có điều kiện, chị tham gia các khóa học, khóa đào tạo ngắn hạn, và tự rèn luyện, nâng cao kỹ năng làm các sản phẩm theo hình thức mới để đáp ứng yêu cầu của tòa soạn. Theo chị, việc thực hiện các tin, bài theo những hình thức sáng tạo tốn thời gian và công sức hơn nhiều so với cách làm báo truyền thống. “Có những tác phẩm với lượng dữ liệu lớn, tôi phải dành cả tháng trời để thực hiện, từ khâu lên ý tưởng, thu thập và xử lý dữ liệu, sử dụng phần mềm thiết kế, cho đến khi được duyệt xuất bản”.
Một phóng viên khác của Báo Lao động, chị Linh Trang chia sẻ: “Vốn chỉ là phóng viên sản xuất các dạng bài truyền thống, khi các hình thức sáng tạo trở thành xu thế của nhiều tờ báo, tôi đã mày mò, thử nghiệm cách làm các tác phẩm dạng mega story, long-form (dạng bài sâu được thiết kế như tạp chí trên báo in) và các sản phẩm đồ họa”.
Theo chị Trang, để làm được các tác phẩm sáng tạo, phải tìm hiểu về công nghệ, học sử dụng các phần mềm thiết kế, đặc biệt là phải có tư duy sáng tạo, mới mẻ. Nên hiện tại chị vẫn đang trong quá trình vừa học, vừa làm các sản phẩm mới, đồng thời sản xuất các tin, bài dạng truyền thống.
Không chỉ riêng chị Trang mà phần lớn phóng viên hiện nay cho rằng, họ hầu như đã quen với cách làm báo truyền thống, nên để theo kịp những xu thế chung, bản thân phóng viên phải chủ động cập nhật những xu thế mới, kỹ năng mới.
Tác phẩm “Mega Story Ký sự đường sắt Bắc - Nam” của VietnamPlus |
Tòa soạn cũng phải đổi mới
Tác phẩm báo chí sáng tạo được biết đến ở Việt Nam đầu tiên phải kể đến bản tin rap news của báo VietnamPlus lên sóng lần đầu. Thời gian đầu khi mới xuất hiện, bản tin nhạc rap trở thành hiện tượng lạ của báo chí ở Việt Nam, thu hút mạnh mẽ công chúng và dành giải thưởng báo chí thế giới về hình thức sáng tạo. Tuy nhiên, sau khoảng 2 năm, đến năm 2017 - 2018, bản tin bằng nhạc rap đã không còn được sản xuất định kỳ mà chỉ còn được lên sóng theo “đơn đặt hàng” nếu có.
Một số những hình thức báo chí sáng tạo trên thế giới cũng như Việt Nam đang ứng dụng sản xuất hiện nay có thể kể đến như: Mega Story (Siêu tác phẩm báo chí), long-form (tác phẩm báo chí dài, sâu được thiết kế như một bìa tạp chí điện tử), infographics (thông tin đồ họa), videography (clip đồ họa), ảnh 360 độ, tin timeline (một dạng đưa thông tin trực tiếp), rap news (bản tin bằng nhạc rap). Ngoài các xu hướng báo chí dạng tác phẩm như trên, còn có một hình thức sản xuất báo chí sáng tạo dạng trò chơi tin tức (news game) của báo điện tử VietnamPlus. |
Ông Hoàng Long, Phó phòng Biên tập Báo VietnamPlus cho biết: “Khi các hình thức không còn thu hút công chúng, tòa soạn sẽ xem xét nguyên nhân, từ đó đưa ra giải pháp thay đổi, khắc phục. Nếu nguyên nhân do chất lượng các sản phẩm, tòa soạn sẽ tìm cách thay đổi, nâng cao chất lượng những hình thức đó. Còn trong trường hợp những hình thức này không còn phù hợp với xu thế của báo chí, không đem lại hiệu quả truyền thông cao, tòa soạn sẽ xem xét ngừng sản xuất hoặc giảm tần suất những tin, bài theo hình thức đó.”
Báo chí sáng tạo đang dần trở thành xu thế tất yếu của báo chí thế giới đang ngày một phát triển ở Việt Nam, nhưng không phải cơ quan báo chí nào cũng có thể thay đổi cách làm báo theo xu hướng sáng tạo. Bởi việc tổ chức sản xuất các sản phẩm báo chí sáng tạo phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố như định hướng của tòa soạn, điều kiện tài chính, hệ thống cơ sở vật chất, công nghệ - kỹ thuật để sản xuất, khả năng của đội ngũ phóng viên...
Chuyên gia nghiên cứu báo chí, PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi, Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: “Trước hết, lãnh đạo tòa soạn phải coi việc đổi mới, sáng tạo là yếu tố cần thiết, quan trọng trong việc duy trì, phát triển, xây dựng thương hiệu tờ báo. Từ lãnh đạo tòa soạn đến phóng viên, biên tập viên phải thay đổi tư duy làm nghề. Từ đó có hướng tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân lực thực hiện sản xuất các sản phẩm sáng tạo”.
Cũng theo ông Lợi, các tòa soạn nên có một chiến lược cụ thể trong việc ứng dụng xu hướng báo chí sáng tạo. Tập trung đầu tư sản xuất và phát triển những xu hướng hiệu quả. Có những chiến lược thu hút tài trợ, quảng cáo, tạo nguồn thu cho tòa soạn để có kinh phí đầu tư sản xuất các xu hướng báo chí sáng tạo theo xu thế của báo chí thế giới hiện nay. Về vấn đề tài chính, nhiều tòa soạn ở Việt Nam hiện nay đã ứng dụng sản xuất những sản phẩm chất lượng để thu phí báo chí, tăng doanh thu cho tờ báo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận