Nhu cầu vận tải bằng đường sông rất lớn |
Vận tải thuỷ lạc hậu, hàng hải chưa khai thác hết lợi thế
Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) VN Trần Văn Cừu thừa nhận, những năm qua, Cục mới chỉ tập trung quản lý luồng, tuyến mà chưa chú trọng đến phát triển vận tải thủy.
“Khiếm khuyết hiện nay là vận tải thủy nội địa không khai thác hết tiềm năng và lợi thế sẵn có, thiếu kết nối với các phương thức vận tải khác. Sự lạc hậu của vận tải thủy nội địa bộc lộ bởi đội tàu có độ tuổi bình quân cao, chủ yếu là tàu đẩy, tàu kéo với chi phí vận chuyển lớn. Hầu hết cảng, bến bốc xếp có hạ tầng thô sơ, sử dụng công nghệ xếp dỡ lạc hậu”, ông Cừu nói.
Phía Cục Hàng hải VN, Cục trưởng Nguyễn Nhật cũng cho rằng, thời gian qua, công tác triển khai quy hoạch hệ thống cảng biển còn chưa tương xứng với thực tế khách quan, thiếu tính bền vững. Công tác dự báo trong quy hoạch còn yếu, chưa lường hết được các yếu tố phát triển của nền kinh tế... dẫn đến việc thường xuyên phải điều chỉnh, bổ sung sau khi quy hoạch được duyệt. Quá trình đầu tư thiếu đồng bộ giữa hạ tầng cảng và hạ tầng giao thông kết nối kèm theo các chính sách đầu tư khai thác chưa kịp thời, dẫn đến tình trạng mất cân đối trong phát triển cảng biển, có nơi thiếu cầu bến để bốc dỡ hàng hóa, có nơi mật độ cầu bến đưa vào khai thác quá lớn so với nhu cầu thông qua hàng hóa. Điều này dẫn đến trạng cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh, khai thác cảng.
Về vận tải biển, ông Nhật cũng cho rằng, vấn đề của đội tàu vận tải biển VN hiện nay là dư thừa trọng tải tàu đối với tàu trọng tải nhỏ chở hàng khô, rời, trong khi thiếu các tàu chuyên dùng và tàu trọng tải lớn; Tuổi tàu bình quân cao, năng lực quản lý của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, bất cập.
Tách bạch rõ quản lý nhà nước và sản xuất kinh doanh
Góp ý xây dựng Đề án tái cơ cấu hai lĩnh vực hàng hải, đường thủy, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GTVT) Trần Văn Lâm cho rằng, trước tiên phải nêu được sự cần thiết của việc xây dựng đề án. Kế đó, phải nêu được mục tiêu và phạm vi xây dựng đề án. “Phải làm rõ tầm quan trọng, sự cần thiết phải tách bạch hoạt động quản lý Nhà nước với sản xuất kinh doanh của DN. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, thanh, kiểm tra; Tạo môi trường cạnh tranh tốt cho DN” - ông Lâm nói.
Ông Lâm cũng cho rằng cần đánh giá toàn bộ nội dung quản lý nhà nước của Cục Hàng hải VN và Cục ĐTNĐ VN. “Từng nội dung phải nêu được nhiệm vụ hiện nay đang được thực hiện như thế nào, những tồn tại bất cập trong quá trình thực hiện là gì? Giải pháp đặt ra phải hết sức cụ thể…” - ông Lâm gợi ý.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Tái cơ cấu toàn diện ngành GTVT và việc tái cơ cấu ngành đều dựa trên cơ sở tái cơ cấu từng lĩnh vực. Bộ trưởng yêu cầu Cục ĐTNĐ VN, Cục Hàng hải VN lập Đề án tái cơ cấu toàn diện, trình Bộ ngay trong tháng 9/2014.
“Tái cơ cấu ĐTNĐ chính là phân bổ nguồn lực một cách rõ ràng, ưu tiên thứ tự đầu tư các tuyến luồng, cảng bến để tạo điều kiện thúc đẩy vận tải thủy phát triển” - Bộ trưởng chỉ đạo. Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục ĐTNĐ VN triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giao thông ĐTNĐ sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua.
Đối với Cục Hàng hải VN, Bộ trưởng cho rằng, Việt Nam là một quốc gia biển, phải giàu mạnh lên từ biển. Xây dựng đề án tái cơ cấu, Bộ trưởng yêu cầu Cục Hàng hải VN phải đẩy mạnh, làm rõ sự phân cấp giữa bộ và cục, giữa cục và địa phương.
“Đề án phải gắn với kế hoạch 5 năm 2010 - 2015, 2016 - 2020, từ đó có kế hoạch đầu tư phát triển thế nào, ưu tiên nguồn vốn ra sao… Tái cơ cấu đầu tư phát triển phải làm sao cho hài hòa giữa các phương thức vận tải” - Bộ trưởng chỉ đạo.
Cùng đó, Bộ trưởng yêu cầu đề án phải đề cập được vấn đề đổi mới phát triển doanh nghiệp, vấn đề cổ phần hóa, xã hội hóa đầu tư, xây dựng chính quyền cảng, các vấn đề hợp tác quốc tế, an ninh, an toàn, đào tạo phát triển nguồn nhân lực…
Hồng Xiêm - Ngân Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận