Hạ tầng

Tái khởi động cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

01/08/2017, 08:15

Vượt qua nhiều khó khăn, các nhà đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã bắt tay vào thi công...

10

Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc đã huy động thiết bị thi công gói thầu XL-02 và XL-03

Bắt tay thi công rầm rộ

Sau một thời gian tạm dừng để điều chỉnh thiết kế, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã triển khai thi công trở lại. Trực tiếp có mặt tại công trường dự án ngày 30/7, PV Báo Giao thông ghi nhận, các nhà thầu bắt đầu tập trung thiết bị, nhân lực để thi công rầm rộ. Tại gói thầu XL-04 xây dựng nút giao Thân Cửu Nghĩa, tiếp giáp với cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Công ty CP Xây dựng hạ tầng CII đã tập trung 2 xe đào, 1 máy ủi, 1 cẩu búa ra công trường. Gói thầu này gồm phần đường tiếp nối cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài 1,4km, các nhánh rẽ lên xuống cao tốc và cầu vượt trên tỉnh lộ 878 dài 368m.

Ông Phạm Vũ Ngọc Phương, Giám đốc Ban điều hành gói thầu này cho biết, trước đây đã thi công đào xử lý đất yếu, đắp cát K95. Phần cầu cũng đã đóng 13 cọc thử, nhưng sau đó dừng gần 1 năm để điều chỉnh thiết kế. “Để tiếp tục triển khai, nhà thầu huy động thiết bị phát quang, lu lèn lại, sau đó tiếp tục bơm cát, tập kết cọc thử. Trong tháng 8 sẽ huy động 2 dàn máy đóng cọc đại trà”, ông Phương nói.

"Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là tuyến đường huyết mạch quan trọng để giảm thiểu mật độ giao thông trên QL1, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Vì vậy, Thủ tướng chỉ đạo phải hoàn thành dự án vào năm 2019. Dù còn nhiều khó khăn nhưng các nhà đầu tư, nhà thầu vẫn quyết tâm phấn đấu hoàn thành dự án theo tiến độ đề ra”.

Ông Phan Anh Dũng
Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận

Hạng mục thi công cầu Cai Lậy thuộc gói thầu XL-05 cũng được liên danh Công ty Cầu 12 - Yên Khánh thi công xong phần móng của trụ T7,8 khi dự án mới bắt đầu. Trên công trường, phần thân trụ T7 đã được đóng cốp-pha vẫn còn nguyên. Ông Hà Quang Tiếp, Chỉ huy trưởng Công ty Cầu 12 cho biết, đơn vị đã lên phương án thi công tiếp cầu Cai Lậy. Nhà thầu đã đóng cọc đại trà được 2 trụ, đóng cọc thử được 3 trụ trên tổng số 8 trụ. Việc đúc cọc thử đã hoàn thành và đang vận chuyển về công trường để đóng đại trà đầu tháng 8. Ngay tại công trường, nhà thầu đã lắp đặt 1 trạm trộn bê tông với công suất 60m3/h đáp ứng cho việc thi công cầu Cai Lậy và các cầu khác của dự án.

Cạnh đó, gói thầu XL-12 cũng huy động 6 xe lu, 1 máy đào, 1 xe ben tập kết chuẩn bị thi công. Ông Trần Văn Dũng, Chỉ huy trưởng Công ty CP Đầu tư xây dựng 515 cho biết, địa phương đã bàn giao mặt bằng 1,5km/4km. Nhà thầu đã nhận và đang tiến hành phát quang, đào bóc đất hữu cơ để tiến hành bơm cát trong những ngày tới.

Hai gói thầu XL-02, XL-03 cũng đang được Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc huy động thiết bị, phương tiện phát quang. Ông Phạm Hoàng Mỹ, Giám đốc điều hành Công ty Tuấn Lộc cho biết, tại hai gói thầu này đã thi công được hơn 85.000m3 cát K95, trải vải địa kỹ thuật được hơn 200.000m2.

Quyết tâm hoàn thành vào năm 2019

Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 được đầu tư theo hình thức BOT, chiều dài toàn tuyến 51,2km. Điểm đầu dự án tại nút giao Thân Cửu Nghĩa, tiếp nối cao tốc TP.HCM - Trung Lương tại Km 49+620, điểm cuối tại nút giao QL30. Dự án này được khởi công từ năm 2010 nhưng sau đó nhà đầu tư xin rút. Đến năm 2015, dự án được tái khởi động bởi Liên danh các nhà đầu tư Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc - Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh - Công ty CP Đầu tư Xây dựng BMT - Công ty TNHH Tập đoàn Thắng Lợi - Công ty CP Hoàng An - Công ty CP Đầu tư cầu đường CII. Tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu là 14.678 tỷ đồng.

Toàn bộ dự án chia thành 21 gói thầu xây lắp. Từ năm 2016, các nhà thầu đã triển khai thi công trước 4 gói thầu bằng việc đào bỏ đất hữu cơ, bơm cát, lu lèn. Sau đó, dự án lại tạm dừng để điều chỉnh quy mô. Cụ thể, là điều chỉnh mặt cắt ngang phần đường và cầu tăng từ 13,75m lên 17m, gồm 4 làn xe lưu thông và có dải phân cách; điều chỉnh 7 cầu vượt sông, 3 cầu nút giao, một cầu ở đường nối, thay đổi sơ đồ nhịp 4 cầu vượt, điều chỉnh thiết kế 3 nút giao.

Theo Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), việc điều chỉnh Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 nhằm phù hợp với quy mô tổng thể dự án đường cao tốc TP.HCM - Cần Thơ và theo quy định tạm thời về thiết kế phân kỳ đường cao tốc mà Bộ GTVT đã ban hành.

Ông Phan Anh Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, vượt qua nhiều khó khăn, đến nay nhà đầu tư đã chỉ đạo các nhà thầu bắt tay vào công việc trở lại với 7 gói thầu. Trên công trường, các nhà thầu đã tập trung thiết bị, nhân lực thi công khi hồ sơ thiết kế được phê duyệt. Trong tháng 8 sẽ hoàn thành công tác lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công của các gói thầu còn lại.

Về công tác GPMB, ông Dũng cho biết, tổng kinh phí được địa phương quyết định thu hồi đất là gần 1.170 tỷ đồng. Nhà đầu tư đã chuyển cho địa phương trên 820 tỷ đồng và đang tiếp tục chuyển tiếp để địa phương chi trả. Địa phương cũng đã bàn giao gần 23km mặt bằng để triển khai thi công. Việc cắm cọc GPMB đã được thực hiện 32/33 hạng mục chiều dài gần 50km, còn đoạn Rạch Miễu - Cổ Cò (1,8km) đang được cắm cọc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.