Ông Nguyễn Thanh Hoài - Cục phó Cục QLĐB II, Tổng cục ĐBVN cho biết: Cầu treo sông Giăng, nằm ở lý trình Km105+970 Ql46C được xây dựng đưa vào sử dụng từ năm 1987.
Trước đây, vị trí này là bến đò sông Giăng, nơi này từng xảy ra vụ chìm đò làm 11 em học sinh tử vong vào năm 1985. Ban đầu, cầu này nằm trên tỉnh lộ 533 do Sở GTVT Nghệ An quản lý. Đến năm 2017, tỉnh lộ 533 được nâng lên thành QL46C nên tuyến đường và cầu được chuyển giao cho Cục quản lý.
Hiện trường vụ tai nạn thương tâm
“Ngay từ thời điểm tiếp nhận, Cục đã có văn bản đề nghị cho phép sửa chữa cầu theo dự án cấp bách sửa chữa thay thế cầu yếu do JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) hỗ trợ vốn, tuy nhiên sau đó không được phê duyệt. Do cầu rất yếu nên chúng tôi đã cho cắm biển hạn chế tải trọng chỉ cho phép xe dưới 7 tấn lưu thông, đồng thời cắm biển cảnh báo cầu yếu, làm thanh chắn giới hạn khổ phương tiện...
Vào năm 2017, khi cầu hư hỏng quá nặng Cục cũng đã tiến hành sửa chữa và duy tu bảo dưỡng hàng năm, tuy nhiên, xét một cách toàn diện thì cây cầu này vẫn thường trực nguy cơ mất ATGT”, ông Hoài cho hay.
Theo quan sát của PV, cầu và đường dẫn lên cầu khá hẹp. Bề rộng cầu và mặt đường khoảng 5m, chỉ đủ cho 1 ô tô 1 xe máy cùng lưu thông. Đi qua cầu gần như là cách duy nhất để người dân từ xã Phong Thịnh sang xã Thanh Liên và ra trung tâm huyện, nếu như không muốn phải vòng xa tới hàng chục km.
Phần cầu, cáp, trụ bê tông đã in hằn "dấu vết thời gian" với nhiều vị trí sắt bị hoen gỉ, bê tông nứt nẻ.
Đặc biệt, vào ban đêm, cầu tối om không có điện chiếu sáng.
Một điều tra viên của Công an huyện Thanh Chương tiết lộ: "Khi khám nghiệm hiện trường chúng tôi thấy hết sức bất ngờ vì lan can cầu quá yếu. Hệ thống lan can này gần như không còn tác dụng chịu lực và ngăn cản phương tiện. Nhìn vậy thôi chứ sắt bên trong gỉ mọt hết rồi".
Trên thực tế, vụ tai nạn cũng đã làm hư hỏng một đoạn lan can cầu dài hơn chục mét.
“Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, chúng tôi đã cho đặt biển cảnh báo từ xa, tổ chức phân làn cho phương tiện lưu thông.
Trong đêm nay, chúng tôi cũng yêu cầu đơn vị quản lý tuyến bố trí người trực gác, cảnh giới cầu. Sau khi công tác khám nghiệm hiện trường của cơ quan công an kết thúc, chúng tôi sẽ cho triển khai khôi phục ngay hệ thống lan can, cũng như các hạng mục bị hư hỏng do vụ tai nạn”, ông Hoài nêu phương án.
Ông Nguyễn Văn Tín (1964, trú xã Thanh Liên) khẩn thiết đề nghị: Cầu này yếu rồi, giờ cũng chỉ có xe con và xe máy đi được thôi nên rất bất tiện. Cầu lại bị giới hạn tải trọng, mỗi khi chở hàng hóa qua cầu, chúng tôi cũng không dám chở nặng. Nông sản, hàng hóa sản xuất ra khó đưa đi đâu được xa. Hơn nữa đây là khu thị tứ, dân cư tập trung đông, lại là nơi lưu chuyển hàng nông lâm nghiệp, cát đá của vùng nên rất cần có một cây cầu mới.
Trước đó, khoảng 19h40 ngày 4/10/2020, trên cầu treo sông Giăng xảy ra vụ TNGT thảm khốc. Lúc này, ô tô 7 chỗ nhãn hiệu Ford Everest BKS 30A - 93.553 do Nguyễn Thế Tuấn (SN 1980 trú tại xóm Nho Xuân) điều khiển chở theo Lê Đình Anh (SN 1983 trú tại xóm Nho Tân, xã Thanh Nho) và anh Lê Đình Quyết (SN 1973 trú tại xóm Nho Liên, Thanh Nho) va chạm với xe mô tô Honda Airblade do Đào Văn Nam trú tại xóm Liên Khai, Thanh Liên điều khiển chở theo Hoàng Anh Tuấn (SN 1992, người cùng xóm).
Hậu quả, ô tô rơi xuống sông Giăng, Đào Văn Nam tử vong khi đi cấp cứu. Đến 23h30 cùng ngày, lực lượng chức năng đã đưa được ô tô lên khỏi mặt nước, 3 người trên xe đều đã tử vong. Hoàng Anh Tuấn rơi xuống sông, lúc 22h36' lực lượng cứu hộ đã đưa được thi thể lên bờ.
Ngay sau khi nhận được tin báo về vụ tai nạn, Phó Thủ tướng thường trực kiêm Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Trương Hòa Bình đã chỉ đạo điều tra vụ tai nạn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận