Hiện trường tàu Amtrak trật đường ray |
Amtrak - hãng tàu chở khách lớn nhất nước Mỹ lại vừa xảy ra một vụ tai nạn chết người hồi đầu tuần này, đánh dấu thảm họa gây thương vong thứ 4 chỉ trong vài tháng. Tình trạng liên tục xảy ra sự cố, tai nạn nghiêm trọng khiến nhiều người đặt câu hỏi về mức độ an toàn của hãng vận tải đường sắt này.
Kỹ sư lái tàu từng lo lắng về an toàn
Vụ tai nạn gần đây nhất xảy ra khi tàu Amtrak chở 147 người từ New York tới Miami đâm tàu hàng ở Nam Carolina, Mỹ khiến ít nhất 2 người chết và hơn 50 người thiệt mạng, đánh dấu lần va chạm thứ 5 của tàu Amtrak và là vụ thứ tư gây chết người/thương tích trong vài tháng qua.
Theo điều tra ban đầu, Chủ tịch Ban An toàn giao thông Quốc gia Mỹ, ông Robert Sumwalt cho biết, người điều khiển tàu Amtrak đã bẻ ghi bằng tay thay vì tự động và chuyển nhầm từ ray chính vào ray phụ nơi tàu chở hàng đang đỗ.
Amtrak là nhà khai thác đường sắt chở khách thuộc sở hữu của chính phủ cung cấp dịch vụ chở khách được nhiều người dân và cả các nghị sĩ thường xuyên sử dụng kể cả ở khu vực nông thôn hay thành thị. Năm ngoái, tàu đã chở tới 31 triệu lượt khách tới hơn 500 địa điểm ở 46 bang và 3 tỉnh Canada. |
Lãnh đạo Amtrak đã nhận trách nhiệm về việc phân đường và tín hiệu. Cách đó vài ngày, một tàu khác của Amtrak chở 100 nghị sĩ bao gồm Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan đâm vào xe chở rác ở Virginia khiến 1 người chết và 6 người bị thương.
Dù nguyên nhân mỗi vụ tai nạn khác nhau nhưng các vụ tai nạn xảy ra liên tiếp trong thời gian ngắn khiến dư luận nghi ngờ tính an toàn của tàu Amtrak.
Tờ New York Post dẫn lời ông Richard Kempf, em trai của kỹ sư tàu thiệt mạng trong vụ tai nạn này cho biết, bản thân nhân viên này rất lo ngại về an toàn tàu chở khách của Mỹ.
Theo lời ông Richard Kempf, trước khi anh trai lên tàu, ông đã nhắc nhở phải “thực sự cẩn trọng”. Kỹ sư Michael Kempf trấn an em trai rằng “anh sẽ cẩn thận, mọi việc đều ổn” rồi bước lên tàu Ngôi sao bạc của Amtrak.
Ông Kempf cho biết, trước khi bỏ mạng trong vụ tai nạn này, kỹ sư Michael từng chứng kiến 4 - 5 vụ tai nạn tàu trong 6 - 8 năm ông làm việc cho Amtrak. “Luôn có ai đó có ý định đập đường ray hoặc có người tự tử chờ chực tàu đi qua để lao vào”, Kempf nói.
Theo ông: “Sau mỗi vụ tai nạn, Amtrak đều cho anh tôi thời gian một tuần để nghỉ ngơi nhưng luôn thúc giục ông quay trở lại đi làm ngay”. Cứ như vậy, ông Michael trở nên ốm yếu, bị khủng hoảng tinh thần vì các vụ tai nạn và sợ hãi mỗi chuyến tàu sẽ có chuyện xảy ra.
Nhưng Amtrak lờ đi và ông Michael không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải tiếp tục làm việc sau khi được công ty cho kiểm tra qua bác sĩ tâm lý, Richard cho biết.
Đáng lẽ đã có thể ngăn chặn thảm họa
Mặt khác, theo truyền thông Mỹ, vụ tai nạn lần này lẽ ra có thể ngăn chặn nếu Amtrak sớm hoàn thành việc lắp đặt hệ thống chống va chạm tích cực (PTC) được thiết kế để ngăn chặn rủi ro trật đường ray, tai nạn do vượt quá tốc độ.
Ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, từ năm 1969, ít nhất 81 vụ tai nạn chết người đã có thể được ngăn chặn nhờ PTC.
Reuters dẫn số liệu từ Cục Đường sắt Liên bang cho biết, chỉ khoảng 1/4 số đường ray phục vụ tàu chở khách có hệ thống chống va chạm trong khi thời hạn để hoàn tất hệ thống này chỉ còn vài tháng nữa.
Sau khi các công ty đường sắt lớn của Mỹ vận động hành lang, Quốc hội Hoa Kỳ đã gia hạn thêm 3 năm để hoàn tất việc lắp đặt và dự tính thời hạn tới năm 2020.
Dự án này đã bị chậm lại một phần vì chi phí quá đắt đỏ, lên tới khoảng 14 tỉ USD đối với 96 nghìn km đường ray và 18.500 đầu máy xe lửa.
Một trở ngại khác khiến dự án không hoàn thành đúng hạn là do hệ thống PTC khó có thể phù hợp với rất nhiều loại đường sắt khác nhau, ông Allan Rutter, chuyên gia hạ tầng đường sắt tại Viện Giao thông của Đại học Texas A&M cho biết.
“Vấn đề này không đơn giản, dễ dàng như ăn bánh đâu”, ông Rutter nhận định. Dù biết khó khăn nhưng để sớm ngăn chặn những thảm họa tương tự tiếp diễn, Bộ trưởng Bộ Giao thông Elaine Chao đã gửi thư thúc giục các công ty vận tải và đường sắt sớm đáp ứng yêu cầu lắp đặt PTC đúng hạn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận