Các chuyên gia nhận định tốc độ và bối cảnh vụ tai nạn này đủ để gây ra kết cục vụ tai nạn nghiêm trọng hơn nhưng rất may chỉ khiến 1 người thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương |
Vụ tai nạn tàu vừa qua tại New Jersey là vụ tai nạn đường sắt chết người thứ 5 ở Mỹ trong vòng 3 năm trở lại đây. Từ vụ việc này đã lộ ra lỗ hổng về vấn đề an toàn và việc thiếu tiền đầu tư đường sắt trầm trọng tại Mỹ.
Liên tiếp tai nạn vì thiếu đầu tư
Vụ tai nạn tàu nghiêm trọng xảy ra trên tuyến đường sắt New Jersey Transit (bận rộn thứ 3 nước Mỹ) khi tàu khách tốc độ cao trên đường tới Manhattan (New York) đâm vào nhà ga tại Hoboken, bang New Jersey khiến 1 phụ nữ thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương trong giờ cao điểm sáng 29/9. Các chuyên gia cho biết, với tốc độ và bối cảnh tai nạn lúc đó tàu chở hơn 250 hành khách, toa đầu tiên lao khỏi đường ray như bay trong không trung và đâm sầm vào tường của nhà ga khiến một phần mái nhà bị sập, số người thương vong dừng lại ở con số trên quả là điều kỳ diệu.
Vụ việc đánh dấu lần thứ 5 xảy ra tai nạn đường sắt chết người trong 3 năm tại Mỹ và là vụ thứ 4, tính riêng tại Bờ Đông. Trước đó, cả hai vụ lật tàu Amtrak tại Philadelphia năm 2015 khiến 8 người thiệt mạng, 200 người bị thương và vụ tai nạn tàu Metro-North tại New York vào tháng 12/2013 khiến 4 người thiệt mạng và 67 người khác bị thương đều được xác định nguyên nhân do tốc độ.
Ở vụ tai nạn vừa qua, mặc dù cơ quan chức năng đang điều tra nhưng nhiều chuyên gia nhanh chóng chỉ ra nguyên nhân là vấn đề mất an toàn và chậm chạp trong đầu tư nâng cấp đường sắt tại Mỹ. Mặc dù giới chức giao thông, không có chuyện thiếu hụt chi tiêu bảo trì và an toàn đường sắt dẫn đến tai nạn trên nhưng họ phải công nhận thực tế New Jersey Transit “ít được quan tâm chăm sóc” trong nhiều năm trở lại đây. Tháng 7 vừa qua, Thống đốc bang New Jersey, ông Chris Christie, đồng minh của ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ đã tạm dừng các dự án xây dựng đường sắt New Jersey Transit trị giá 2,7 tỉ USD vì tranh chấp chính trị với Đảng Cộng hòa.
Chần chừ lắp đặt công nghệ giảm tốc tự động
Ngoài ra, các công ty đường sắt còn chần chừ lắp đặt công nghệ giảm tốc tự động. Từ năm 2008, một điều luật liên bang yêu cầu, cho tới năm 2015, các công ty đường sắt phải lắp đặt công nghệ Kiểm soát đường sắt tích cực (PTC) - công nghệ được thiết kế nhằm ngăn chặn tai nạn. PTC sẽ tự động hãm tốc độ nếu người điều hành không tuân thủ các dấu hiệu tàu hoặc tốc độ hạn chế. Sau đó, hạn chót lắp đặt PTC bị đẩy lùi tới năm 2018.
Trong bối cảnh, công nghệ trên đắt đỏ, ngân sách Nhà nước ngày càng eo hẹp, nhiều nơi đành phải lùi kế hoạch thêm nữa. Chuyên gia về tái lập tai nạn đường sắt làm việc tại New York - ông Robert Halstead cho biết, đến thời điểm này, chỉ hơn 1 nửa nước Mỹ mới áp dụng công nghệ PTC trong đó đường sắt tại California là tiên tiến nhất. Theo ông, nguyên nhân khiến các công ty đường sắt Mỹ chưa lắp đặt công nghệ này vì “vấn đề nằm ở chi phí: Hệ thống này tiêu tốn chi phí khoảng 75.000 - 100.000 USD/tàu. Đó chưa kể chi phí cho hệ thống này cho đường ray”, ông Robert Halstead tiết lộ. “ Nếu lắp tất cả thiết bị PTC cho toàn hệ thống đường sắt chở khách của Mỹ sẽ tiêu tốn khoảng 10-15 tỉ USD và số tiền này phải được trích từ ngân sách bảo trì đường sắt”, ông Halstead nói.
Ngoài thiếu kinh phí, còn một vấn đề khác là các công ty đường sắt tại Mỹ đang sử dụng các loại đầu máy xe lửa khác nhau, khác giao thức liên lạc nên nếu muốn áp dụng thì cần phải chuẩn hóa lại toàn bộ.
Quay lại vụ tai nạn ngày 29/9, tại New Jersey, công nghệ đảm bảo an toàn PTC chưa được lắp trên bất cứ đoạn đường ray hay tàu của bang này đồng thời, chưa nhân viên nào của hãng được huấn luyện phương pháp sử dụng công nghệ tự động PTC - báo cáo NJ Transit lên Bộ Giao thông Mỹ cho biết. Đây là một trong những vấn đề mà cơ quan điều tra đang tập trung xem xét. Họ muốn làm rõ nếu lắp đặt hệ thống PTC trên tàu của New Jersey Transit thì liệu vụ tai nạn thảm khốc ngày 29/9 có xảy ra?, Phó chủ tịch Ban ATGT Quốc gia xác nhận.
Ngoài ra, trước khi xảy ra tai nạn, New Jersey Transit bị phạt 70.000 USD vì 10 vi phạm an toàn, trong đó có 2 vi phạm quy định về thiết bị an toàn cho hành khách, tờ NYtimes cho hay.
>>> Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận