Hiện trường vụ tai nạn đường sắt tuyến Indore-Patna |
Cuối tuần qua, vụ tai nạn đường sắt thảm khốc xảy ra tại miền Bắc Ấn Độ khiến ít nhất 140 người thiệt mạng và gần 170 người khác bị thương, bất chấp những cam kết quyết liệt cải thiện đường sắt thời gian gần đây.
Chở quá tải hơn 500 người
Tai nạn xảy ra khi con tàu cao tốc đang trên hành trình từ Patna tới Indore. 14 trong số 23 toa tàu bị trật khỏi đường ray, dồn đè lên nhau, vào khoảng 3h sáng 20/11, gần thị trấn Pukharayan, bang Uttar Pradesh, miền Bắc Ấn Độ. Lúc đó, các hành khách đều đang chìm trong giấc ngủ, không hay biết tai nạn để kịp thời thoát thân, dẫn đến thương vong nặng nề.
Đến sáng 21/11, giới chức vẫn chưa chắc chắn lúc gặp nạn tàu chở tổng số bao nhiêu người. Tuy Bộ Đường sắt khẳng định, khoảng 1.200 người trên tàu nhưng nhiều nguồn tin khác trong ngành cho rằng, số lượng thực tế cao hơn, bởi có hàng trăm người đi tàu “chui”. “Số hành khách đi tàu chui có thể lên tới 500 người, chiếm một nửa công suất tàu được phép chở”, một quan chức đường sắt giấu tên cho biết. Tờ IndianExpress ghi nhận cảnh hàng trăm thân nhân khác hoảng loạn tìm kiếm thông tin người thân là những hành khách lên tàu mà không có vé. Tại sân ga Indore, một người tên Raja Ram hoảng hốt tìm thông tin chị dâu trên chuyến tàu tử thần, nhưng rất khó khăn vì người chị lên tàu “chui” nên không có tên trong danh sách hành khách, khó xác định người này ở toa tàu nào và tình trạng sức khỏe hiện nay ra sao.
Nhiều người sống sót hoảng hốt khi chứng kiến vụ tai nạn kinh hoàng khiến 140 người thiệt mạng |
Theo số liệu mới nhất từ Cơ quan Thống kê tội phạm quốc gia (NCRB) Ấn Độ cung cấp, năm 2014, Ấn Độ chứng kiến 27.581 người thiệt mạng vì tai nạn đường sắt. Như vậy, cứ một ngày có hơn 75 người thiệt mạng vì tai nạn đường sắt. Nguyên nhân hàng đầu gây thiệt mạng trong tai nạn đường sắt là rơi từ trên tàu xuống/tàu đâm phải người trên đường ray (khiến 13.524 người thiệt mạng) và các nguyên nhân khác như tàu đụng độ, trật đường ray, cháy nổ…
137 tỷ USD không đủ nâng cấp đường sắt 162 tuổi
Vụ tai nạn trên khiến số vụ trật đường ray trong năm nay tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ quan Đường sắt Ấn Độ thừa nhận, biết rõ tình trạng an toàn đường ray yếu kém nhưng chưa thể cải thiện. “Trong năm tài khóa này, vấn đề an toàn đường sắt đáng báo động do số vụ trật đường ray tăng từ 69 lên 80 vụ so với cùng kỳ năm ngoái”, một quan chức đường sắt chia sẻ.
Sau một ngày kể từ khi xảy ra tai nạn, các quan chức đường sắt chưa xác định được nguyên nhân khiến hàng chục toa tàu trật bánh, nhưng nghi ngờ khả năng cao nhất là “nứt ray”. Thời tiết chuyển mùa từ hè sang mùa đông khiến thanh ray co giãn, bong rộp gây nứt. Ngoài ra, chính tình trạng chở quá tải khiến đường sắt vốn già cỗi không chịu được áp lực. Không riêng tuyến Patna-Indore, tờ DailyO của Ấn Độ cho biết, đường sắt nước này thường xuyên chở quá tải gấp 15 lần. Nếu nguyên nhân nứt ray được xác nhận, sự cố này một lần nữa là hồi chuông cảnh tỉnh trước tình trạng lơ là bảo trì, nâng cấp hạ tầng đường sắt “có tuổi” của Ấn Độ.
Hệ thống đường sắt Ấn Độ lớn thứ 4 thế giới, mỗi ngày vận tải lượng hành khách tương đương dân số Australia (23 triệu người) nhưng vô cùng lạc hậu và già cỗi nhất châu Á (162 tuổi). Nhiều năm trước, do tài chính eo hẹp nên Chính phủ trì hoãn việc nâng cấp hạ tầng. Đến đầu năm nay, Chính phủ mới bắt đầu thực hiện quyết liệt, đề ra “nhiệm vụ không tai nạn” đường sắt với dự chi ngân sách khoảng 137 tỷ USD trong 5 năm để nâng cấp hệ thống, tuần tra đường sắt... sớm phát hiện lỗi hạ tầng để sửa chữa.
Bộ trưởng Đường sắt Suresh Prabhu cũng hứa hẹn sớm phổ biến công nghệ thông tin vào đường sắt, nâng cấp hệ thống tín hiệu, phát triển cơ chế giảm lỗi (hầu hết là lỗi do con người) và đảm bảo ngăn chặn tai nạn. Song, do hệ thống đường sắt già cỗi quá đồ sộ nên các chuyên gia e ngại 137 tỉ USD không đủ để sửa sang, cải thiện theo đúng chuẩn, theo Guardian.
Hôm qua (21/11), được tin vụ lật tàu thảm khốc đã xảy ra tại Kanpur Dehat, bang Uttar Pradesh (Ấn Độ) khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện chia buồn đến Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Cùng ngày, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gửi điện chia buồn đến Bộ trưởng Ngoại giao Sushma Swaraj. |
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận