Bộ trưởng Bộ Giao thông và Hạ tầng Hy Lạp bật khóc
Tính đến tối cùng ngày, vụ tai nạn làm ít nhất 38 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Trực tiếp tới hiện trường vụ tai nạn thảm khốc, chứng kiến cảnh tượng những toa tàu ngổn ngang trên đường, nhiều toa bẹp rúm, hàng chục người thiệt mạng, Bộ trưởng Giao thông và Hạ tầng Hy Lạp Kostas Karamanlis đã bật khóc.
Sau đó, ông Kostas Karamanlis nộp đơn từ chức, nêu rõ hành động này là vì tự nhận trách nhiệm của người đứng đầu.
“Thực tế, chúng tôi thừa nhận hệ thống đường sắt Hy Lạp ở trong tình trạng không đáp ứng tiêu chuẩn của thế kỷ XXI” – Bộ trưởng Bộ Giao thông Hy Lạp Kostas Karamanlis nói khi đệ đơn từ chức.
Các toa tàu nằm ngổn ngang tại hiện trường.
Ông nhấn mạnh: "Trong 3,5 năm qua, Chính phủ Hy Lạp đã dốc tất cả nỗ lực để cải thiện tình trạng này nhưng không may nỗ lực của chúng tôi không đủ để ngăn chặn sự cố tồi tệ tiếp diễn. Đây là điều đau đớn với tất cả chúng ta và bản thân tôi".
“Tôi nộp đơn từ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông và Hạ tầng Hy Lạp vì cảm thấy trách nhiệm phải làm điều gì đó cho những người đã thiệt mạng oan" - ông Karamanlis nói.
Cùng ngày, trong bài phát biểu trên truyền hình sau khi trở về từ hiện trường vụ tai nạn, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết, sự việc ngày 28/2 chủ yếu là do lỗi nghiêm trọng của con người.
“Hàng chục công dân, hầu hết là người trẻ đã mất mạng trong vụ tai nạn kinh hoàng, chưa có tiền lệ tại Hy Lạp” – ông Mitsotakis nói.
Ông khẳng định quyết định từ chức của Bộ trưởng Bộ Giao thông và Hạ tầng Hy Lạp là đáng ghi nhận, đồng thời cho biết, người đứng đầu Công ty Đường sắt Hellenic (OSE) và công ty con ERGOSE cũng đệ đơn từ chức.
Trước đó, Công tố viên Tòa án tối cao Hy Lạp đã yêu cầu mở cuộc điều tra về vụ tai nạn xảy ra đêm 28/2 (giờ địa phương) khi 1 tàu chở 350 hành khách đang trên đường từ Thủ đô Athens đến thành phố Thessaloniki, miền Bắc Hy Lạp, đâm trực diện vào 1 tàu chở hàng.
Giới chức Hy Lạp thông báo sau quá trình thẩm vấn, đã bắt giữ quản lý nhà ga thành phố Larissa vì cáo buộc lơ là xảy ra tai nạn chết người.
Tuy nhiên, người này bác bỏ cáo buộc, cho rằng tai nạn xảy ra có thể do lỗi kỹ thuật.
Theo người phát ngôn chính phủ Yiannis Economou, khi xảy ra tai nạn, 2 tàu đã di chuyển trên cùng 1 tuyến đường ray trong nhiều km. Tàu chở khách đã chuyển làn và đổi sang đường ray tàu chở hàng đang đi, kết quả, tai nạn thảm khốc xảy ra.
Vụ va chạm mạnh với tàu hàng đã khiến 4 toa tàu đầu tiên trật khỏi đường ray, 2 toa khác gần như biến dạng hoàn toàn, nhiệt độ trong 1 khoang tàu bị nạn đã lên tới 1.300 độ C.
Người phát ngôn Vassilis Varthakogiannis cho biết lửa đã bùng lên bên trong toa tàu gặp nạn, khiến nhiệt độ tăng cao, cản trở việc xác nhận số người bên trong. Do đó, lực lượng cứu hỏa tham gia công tác cứu nạn tại hiện trường lo ngại số người thiệt mạng sẽ tăng.
Hy Lạp có hồ sơ an toàn đường sắt kém trong khu vực châu Âu
Vụ tai nạn chết người nhiều nhất trong lịch sử Hy Lạp kể từ năm 1968 khiến dư luận đặt câu hỏi về thực trạng đường sắt nước này.
Theo hãng tin CNN, Hy Lạp có hồ sơ an toàn đường sắt không cao so với các quốc gia khác trong khu vực châu Âu.
Tỉ lệ số người thiệt mạng vì tai nạn đường sắt tính trên 1 triệu km trong giai đoạn năm 2018 - 2020 của Hy Lạp ở mức cao nhất trong số 28 quốc gia tại châu lục này, theo báo cáo của Cơ quan Đường sắt Liên minh châu Âu.
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis tới hiện trường vụ tai nạn. Ảnh - Alexandros Avramidis/Reuters
Công ty vận hành tuyến đường sắt vừa gặp tai nạn là Hellenic Train. Công ty này đã được doanh nghiệp đường sắt của Italy là Ferrovie dello Stato Italiane mua lại từ năm 2017 và hiện do công ty vận hành đường sắt Trenitalia của Italy kiểm soát.
Hellenic Train vận hành cả vận tải hàng hóa và hành khách. Tuyến đường sắt chính phục vụ hoạt động đi lại hằng ngày mà Hellenic Train cung cấp là tuyến Athens - Thessaloniki.
Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, rất nhiều người biểu tình đã đổ dồn về trụ sở Hellenic Train. Nhiều cuộc biểu tình đã leo thang thành bạo lực dẫn đến đụng độ với cảnh sát.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận