Xã hội

Tài sản kê biên trong vụ án không xử lý sớm sẽ gây ra lãng phí

09/11/2024, 12:54

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu cho hay, thực tế có những vụ án lớn kéo dài, tài sản bị tạm giữ, kê biên. Đến khi giải quyết xong có những tài sản lẽ ra phải xử lý hoặc xử lý sớm nhưng không xử lý được gây ra tình trạng lãng phí.

Trang thiết bị trong vụ án "không có tội"

Sáng nay (9/11), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, tố tụng và xét xử một số vụ án hình sự.

Tài sản kê biên trong vụ án không xử lý sớm sẽ gây ra lãng phí- Ảnh 1.

Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình).

Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho hay, thực tế có những vụ án lớn kéo dài, tài sản bị cơ quan điều tra tạm giữ, kê biên và cấm giao dịch. Đến khi vụ án giải quyết xong, có những tài sản lẽ ra phải xử lý hoặc xử lý sớm nhưng không xử lý được, gây ra tình trạng lãng phí.

Trong đó, có những tài sản kể cả bị cáo, bị can, người bị hại đều muốn xử lý. Thậm chí có bị cáo muốn nộp tiền, nộp tài sản khắc phục hậu quả nhằm có tình tiết giảm nhẹ nhưng không được.

Do đó, theo bà Thu, việc xây dựng dự thảo nghị quyết để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý để áp dụng, xem xét xử lý sớm vật chứng, tài sản trong vụ việc, vụ án.

Bà Thu cho rằng phạm vi dự thảo nghị quyết cũng chưa thể bao quát hết được vì các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo chỉ diễn ra ở một số tội phạm, các loại án này chỉ phức tạp về tính chất, quy mô.

Do đó, đại biểu đề nghị, cần quy định theo hướng cho phép thí điểm ở các tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự là phù hợp.

Bà Thu nêu ví dụ một vụ án buôn lậu trang thiết bị y tế có giá trị lớn hàng trăm tỷ đồng nhưng không có cơ chế xử lý tài sản hay có những vụ án bình thường như lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm, nếu không áp dụng cơ chế trong nghị quyết sẽ kéo dài thời gian xử lý tài sản, vật chứng gây ảnh hưởng đến tài sản của chủ sở hữu và lợi ích của người bị hại.

Nữ đại biểu cũng nêu điển hình trong ngành y tế có vụ án tại Bệnh viện Bạch Mai về sai phạm trong hoạt động liên doanh, liên kết và hoạt động đấu thầu.

Máy móc, trang thiết bị trong vụ án "không có tội", trong đó có những hệ thống máy móc hiện đại cho phép phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, có độ chính xác gấp 3 lần so với phẫu thuật bình thường, giảm tai biến và giúp người bệnh mau hồi phục.

Tuy nhiên khi xảy ra vụ án, hệ thống máy để đấy và với các thiết bị điện tử 1-2 năm không hoạt động chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng; người bệnh không có được thiết bị điều trị hiện đại. Đây là sự lãng phí vô cùng lớn.

"Bởi vậy nghị quyết cần quy định theo hướng cho phép thí điểm ở các vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng khác", bà Thu ý kiến.

Không chỉ áp dụng riêng với vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) đồng tình với sự cần thiết của việc ban hành Nghị quyết. Theo đại biểu, Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, vật chứng vụ án được xử lý như trả lại, tịch thu hay tiếp tục kê biên chỉ có thể thực hiện ở giai đoạn hồ sơ vụ án chuyển sang tòa án.

Tài sản kê biên trong vụ án không xử lý sớm sẽ gây ra lãng phí- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội).

Trong thực tiễn, nhiều vụ án có tính chất phức tạp, thời gian điều tra truy tố xét dài (có vụ từ 1-2 năm, cá biệt hơn 2 năm) đến khi tòa án giải quyết, tang vật là nhà xưởng, thiết bị máy móc, phương tiện hầu như hư hỏng không thể sử dụng được và chỉ còn là đống sắt vụn.

"Như vậy sẽ gây lãng phí, gây thiệt hại rất lớn, đặc biệt là các vụ án liên quan đến việc cho vay của ngân hàng thương mại", đại biểu Chính nói.

Cho ví dụ về nội dung này, đại biểu phân tích, trong vụ án Tân Hoàng Minh, bị cáo đã nộp và khắc phục số tiền hơn 8.460 tỷ đồng cho bị hại ngay sau khi khởi tố.

Với số tiền này, đáng lẽ có thể trả tiền ngay cho người bị hại nhưng theo quy định, số tiền trên phải gửi vào kho bạc để chờ tòa án xử lý. Hơn 2 năm sau khi kết thúc điều tra, tòa án mới quyết định bằng bản án trả tiền cho các bị hại được. Điều đó gây thiệt hại rất lớn khi đồng tiền gửi kho bạc không được lưu thông.

Do vậy, đại biểu cho rằng, việc ban hành nghị quyết trên là rất cần thiết và thiết thực. Mục đích của việc thí điểm xử lý vật chứng, tài sản đảm bảo tính kịp thời của một nền tư pháp không chậm trễ và tiết kiệm chi phí cho xã hội.

Cho dù cơ quan nào ra quyết định xử lý vật chứng cũng đều phải dựa trên khung pháp lý của Nghị quyết này cũng như các quy định pháp luật khác hiện hành và cơ quan đó và phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình.

Cho rằng các quy định tại dự thảo nghị quyết là vấn đề mới, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đồng tình triển khai thí điểm, sau đó tiến hành tổng kết, đánh giá rồi mới sửa đổi luật.

Tài sản kê biên trong vụ án không xử lý sớm sẽ gây ra lãng phí- Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương).

Bà Nga cũng đề nghị sau khi hết thời gian thí điểm, nếu thấy hiệu quả, có thể mở rộng áp dụng thêm đối với các vụ án khác, không chỉ áp dụng riêng với vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Một trong các biện pháp được đề xuất thí điểm là trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý. Trong đó, có quy định tiền gửi vào tài khoản thương mại của cơ quan tiến hành tố tụng mở tại ngân hàng thương mại trong nước do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, theo bà Nga, quy định như vậy không phù hợp, tạo ra sự mất công bằng giữa các ngân hàng thương mại thông thường và ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước.

Dự thảo nghị quyết cũng quy định biện pháp giao vật chứng cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, nữ đại biểu tỉnh Hải Dương băn khoăn khi chưa đặt ra trường hợp tài sản, vật chứng bị hao hụt, thiệt hại, không còn nguyên giá trị ban đầu hoặc mất.

"Trong trường hợp đó, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được giao quản lý, khai thác, sử dụng đến đâu, xử lý như thế nào?", bà Nga nêu vấn đề và đề nghị xem xét, bổ sung nội dung này tại dự thảo nghị quyết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.