Hạ tầng

Tại sao chưa xây cầu Mã Đà kết nối Bình Phước - Đồng Nai?

07/04/2022, 16:39

Bình Phước nhiều năm đề xuất xây cầu Mã Đà, nhưng Đồng Nai chưa đồng thuận và đề nghị "nắn" đường do lo ngại ảnh hưởng Khu sinh quyển thế giới.

10 năm chưa thống nhất vị trí xây cầu

Nhiều năm qua tỉnh Bình Phước đã đề nghị Đồng Nai phối hợp làm cầu Mã Đà. Tuy nhiên, qua 10 năm họp bàn phương án và trao đổi công văn qua lại, hai tỉnh vẫn dùng dằng chưa thống nhất phương án kết nối giao thông.

img

Một góc Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Đồng Nai

Theo tài liệu của PV năm 2002, tỉnh Bình Phước đã đề xuất xây cầu Mã Đà kết nối qua huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Sau đó tỉnh Đồng Nai phản hồi không đồng ý xây dựng cầu Mã Đà.

Trong hai năm 2013, 2014 qua nhiều cuộc họp và làm việc Bình Phước tiếp tục đề nghị và hối thúc tỉnh Đồng Nai thống nhất phương án xây cầu. Kết quả Đồng Nai có văn bản phản hồi không đồng thuận về việc xây cầu Mã Đà. Đến nay cây cầu này chưa thể triển khai xây dựng.

Đến tháng 8/2016, tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh Bình Phước và Bộ GTVT, tỉnh Bình Phước đã đề nghị Bộ GTVT xem xét để tỉnh Bình Phước xây dựng cầu Mã Đà kết nối huyện Đồng Phú (Bình Phước) và huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai).

Sau cuộc làm việc với Bộ GTVT năm 2016, lãnh đạo Bộ giao Tổng cục Đường bộ VN làm việc cùng tỉnh Bình Phước, Đồng Nai khảo sát để thống nhất phương án, hướng tuyến.

img

Để bảo vệ rừng Chi cục Kiểm lâm lập nhiều chốt gác ra vào Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai.

img

Kiểm lâm Khu bảo tồn kiểm tra phương tiện ra vào rừng.

Tháng 9/2016, Sở GTVT Đồng Nai đã chủ trì cuộc họp mời lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bình Phước và các đơn vị liên quan để thống nhất đề xuất xây cầu Mã Đà. Tại Hội nghị các bên đã thống nhất việc xây cầu kết nối tuyến đường ở 2 tỉnh là không khả thi và không phù hợp định hướng và phát triển của Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai (viết tắt Khu bảo tồn).

Tháng 7/2020, Tổng cục Đường bộ VN đề nghị Sở GTVT Đồng Nai, Bình Phước đơn vị tư vấn lập quy hoạch tổ chức Hội thảo phương án kết nối tuyến, đánh giá tác động môi trường để xem phương án đầu tư, hạn chế tác động đến Khu bảo tồn.

Mới đây nhất (ngày 20/3), trong chuyến làm việc của Đoàn công tác Chính phủ tỉnh Bình Phước tiếp tục đề xuất xây cầu Mã Đà. Theo UBND tình Bình Phước đây là cây cầu kết nối giao thông hỗ trợ phát triển khu đô thị, dịch vụ, KCN Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) rút ngắn khoảng cách ra QL1, QL20, sân bay Long Thành.

Nguyên nhân nhiều năm qua cầu chưa được xây dựng là do UBND tỉnh Đồng Nai chưa đồng thuận, vì lo ngại ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng tại Khu bảo tồn.

img

Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai hiện là một trong những khu vực hiếm hoi trên cả nước còn đàn voi gần 20 cá thể.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hảo - Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, năm 2004, Khu bảo tồn được thành lập, nằm trong hệ thống rừng đặc dụng và di sản văn hóa của Việt Nam, thuộc tiểu vùng sinh thái khẩn cấp cần bảo vệ.

Đây là hệ thống rừng nằm trong hệ sinh thái Trường Sơn, thuộc một trong 200 vùng sinh thái quan trọng thế giới được xác định trong “Global 200 Ecoregions”. Năm 2011 tổ chức Unesco đã công nhận trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Do đó việc làm cầu Mã Đà nối thẳng vào tuyến đường đi xuyên qua khu bảo tồn và gần với Vườn Quốc gia Cát Tiên sẽ có nguy cơ phá rừng và đe dọa nơi cư trú của các loài động vật quý hiếm.

“Trước đây hai tỉnh đã họp bàn phương án và có định hướng kết nối nhau qua đường Vành đai 4. Do vậy cần kết nối các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai đến QL1, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, sân bay Long Thành sẽ tránh đi qua vùng lõi rừng”, ông Hảo cho hay.

img

Theo đề xuất của Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai, cần tránh xây cầu, mở đường đi vào vùng lõi của rừng và nên "nắn" tuyến đi dọc bìa rừng. Trong ảnh: Nét đỏ dự kiến mở đường xuyên khu bảo tồn và đề xuất nắn tuyến đi dọc bìa rừng Khu bảo tồn (nét đứt).

Sẽ “nắn” đường đi vòng tránh Khu bảo tồn?

Bày tỏ lo ngại xây cầu, mở đường đi xuyên vùng lõi rừng, ông Lê Việt Dũng - Phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai cho rằng, việc xây cầu, mở đường thành QL13C sẽ tác động rất tiêu cực đến môi trường.

Đặc biệt là làm thay đổi căn bản hệ sinh thái rừng của Khu bảo tồn và Vườn quốc gia Cát Tiên, khu vực đã được xem là “lá phổi xanh” cả vùng Đông Nam bộ và được Unesco công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Cũng theo ông Dũng, Khu bảo tồn nằm cạnh hồ thủy điện Trị An có chức năng giữ nước, điều hòa khí hậu ngăn ngừa mưa lũ trên hệ thống sông Đồng Nai xuống hạ nguồn.

Thời gian qua tỉnh Đồng Nai, ngành Kiểm lâm đã có nhiều nỗ lực bảo vệ rừng, bảo tồn động vật hoang dã trong danh sách đỏ như: Voi, Bò tót, Nai, Hươu, Vượn, Voọc chà vá…

img

Bò tót rừng Mã Đà nằm trong danh sách đỏ đang sinh sống trong Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai. Ảnh: Chi cục Kiểm lâm

Hiện nay, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa không chỉ riêng của tỉnh, của Quốc gia mà đã được tổ chức Unesco công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam vào năm 2011. Vì vậy cần được bảo vệ nghiêm ngặt, thực hiện đúng các cam kết.

Đây là tài sản quý giá cần để lại của nhiều thế hệ. Do đó việc xây dựng cầu và đường vào vùng lõi Khu bảo tồn là chưa phù hợp các qui định của pháp luật Việt Nam và các cam kết với các tổ chức quốc tế.

Theo ông Dũng, trước đây hai tỉnh đã có phương án kết nối giao thông, trường hợp mở đường kết nối giao thông giữa hai tỉnh cần có phương án không tác động tránh đi vào vùng lõi khu bảo tồn.

"Tôi cho rằng nếu dự án vẫn triển khai trong trường hợp cấp bách, có thể nắn đường đi ngoài ranh giới Khu bảo tồn có thể tránh được việc tác động trực tiếp vào Khu dự trữ sinh quyển thế giới”, ông Dũng đề xuất.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, một lãnh đạo Sở GTVT Đồng Nai cho biết, nhiều năm trước tỉnh Bình Phước đã đề xuất xây cầu Mã Đà, sau đó Tỉnh ủy Đồng Nai đã có Nghị quyết không đồng ý xây dựng cầu Mã Đà do cây cầu này đi thẳng vào Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa của tỉnh.

Hiện Bộ GTVT đang phối hợp với TP.HCM, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương… xây dựng quy hoạch hệ thống giao thông kết nối đồng bộ qua dự án đường Vành đai 4 (TP.HCM). Theo đó Đồng Nai đề nghị Bình Phước nghiên cứu phương án kết nối với QL1, sân bay Quốc tế Long Thành… bằng cách đấu nối vào tuyến đường vành đai 4.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.