Tại sao giỗ Vua Hùng là Quốc giỗ?

10/04/2014, 07:26

PGS.TS. Bùi Quang Thanh một trong những người tham gia khảo sát và xây dựng bộ hồ sơ về Tín ngưỡng thờ Hùng Vương trình lên UESSCO đã chia sẻ với Báo Giao thông xung quanh chuyện này.

Nghi lễ dâng hương trong ngày Giỗ Tổ 10/3
Nghi lễ dâng hương trong ngày Giỗ Tổ 10/3


“Vua Hùng là biểu tượng cội nguồn Việt Nam" 


Xin ông cho biết cơ sở của việc hình thành tín ngưỡng thờ Hùng Vương?


Đối với người Việt ở vùng Đồng bằng trung du Bắc bộ, có 3 loại tín ngưỡng nổi bật được thực hiện thường xuyên. Đó là: Thờ cúng tổ tiên, thờ cúng Thành hoàng và thờ mẫu Tam phủ. Thờ cúng Hùng Vương được xây dựng trên cơ sở truyền thống thờ cúng tổ tiên của người Việt.  
 

Đối với các truyền thuyết dân gian, nói như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, bao giờ nó cũng có “những cái cốt lõi sự thật lịch sử”. Cái lõi sự thật lịch sử ở đây là những nhân vật lịch sử đích thực, khai phá ra đất nước thuở ban đầu. Sau này người ta huyền thoại hóa, tôn tạo tầm vóc chiến công của những người anh hùng khởi đầu dựng nước, để làm thành biểu tượng có khả năng quy tụ, đoàn kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh để dựng nước và giữ nước.

Vua Hùng là người khai sáng ra Nhà nước Văn Lang - Nhà nước đầu tiên của Việt Nam thuở khởi nguồn, nên trong tâm thức người dân, các Vua Hùng được coi là biểu tượng về một nhân vật có công khai lập Nhà nước từ thuở xa xưa. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xuất phát trên nền thờ cúng tổ tiên, có nghĩa là người Việt Nam trong tâm thức của mình luôn hướng về cội nguồn và nó gần như nét sơ khai xây dựng đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Đây chính là cơ sở xây dựng cái gọi là Minh triết Việt Nam, tức là nhận thức cái khởi đầu, chặng bắt nguồn cho sự vận hành nên một Nhà nước - một Quốc gia mang hiệu danh Văn Lang. 

Trong quá trình khảo sát, chúng tôi thấy việc thờ cúng Vua Hùng không chỉ tồn tại trong sinh hoạt tín ngưỡng của người Việt - Mường ở Phú Thọ mà còn của cộng đồng người Dao, Cao Lan… Nếu Phú Thọ là vùng đất trung tâm của việc thờ cúng, tôn vinh Hùng Vương, thì đến nay tín ngưỡng độc đáo này đã lan tỏa đến hầu hết các vùng miền của đất nước, thậm chí ở một số nước có người Việt định cư lao động, học tập.


Và như vậy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương dần lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng ở những vùng đất có người Việt Nam sinh sống, cả trong nước lẫn nước ngoài. Khi ấy, Vua Hùng không chỉ là biểu tượng của người Việt - Mường nữa mà đã trở thành biểu tượng chung cho cội nguồn của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam. Đấy là một giá trị văn hóa đặc biệt, được lan tỏa và trở thành sợi dây truyền thống, thắt chặt ý thức đoàn kết cộng đồng, là hạt nhân tạo ra truyền thống yêu nước, trải qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Tại sao lấy ngày 10/3 làm ngày giỗ tổ?
 

PGS.TS. Bùi Quang Thanh - Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam
PGS.TS. Bùi Quang Thanh - Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam
Việc chọn ngày 10/3 Âm lịch làm ngày Giỗ Tổ có từ khi nào, thưa ông?


Năm 1917, Tổng đốc tỉnh Phú Thọ đã đề đạt với triều đình nhà Nguyễn xin cho phép lấy ngày 10/3 Âm lịch hàng năm là ngày giỗ các Vua Hùng - ngày Giỗ Tổ. Theo truyền thuyết dân gian, người ta coi ngày 10/3 là ngày hóa của Hùng Vương thứ nhất, người đầu tiên lập ra Nhà nước Văn Lang. 


Trong tâm thức người dân, những nhân vật của cả một thời đại đã được lịch sử hóa, trở thành những nhân vật lịch sử như: Các Vua Hùng, Thánh Gióng, Sơn Tinh… gắn với những thời điểm cụ thể, vùng đất cụ thể. Tâm thức người Việt muốn có một thời điểm cụ thể nào đấy để tưởng nhớ, tri ân và tôn vinh những người có công với dân, với nước. Vì vậy, ngày 10/3 thực tế cũng là thời gian mang tính biểu tượng, nơi giải tỏa và đáp ứng nhu cầu tâm linh của cộng đồng mỗi khi hướng về cội nguồn theo đạo lý đã thành truyền thống mang giá trị văn hóa độc đáo từ hàng nghìn năm qua. 

Được biết, Kinh Dương Vương là bố của Lạc Long Quân, tức là ông nội của vua Hùng. Tại sao lại chọn giỗ Vua Hùng làm ngày Giỗ Tổ mà không chọn Kinh Dương Vương, thưa ông?


Theo truyền thuyết, Kinh Dương Vương là người thuộc dòng dõi Thần nông ở phương Bắc (trong đất Bách Việt),  sinh ra, sau đó truyền ngôi cho Lạc Long Quân. Lạc Long Quân đã kết duyên cùng Âu Cơ, sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra trăm người con trai. Người con trưởng được lên ngôi, lập ra Nhà nước Văn Lang đầu tiên của chúng ta, đóng đô ở Nghĩa Lĩnh - Việt Trì. Bởi vậy, người có công đầu tiên lập ra Nhà nước chính thống đó đã được cộng đồng tôn vinh là cội nguồn Quốc gia, suy tôn là Quốc Tổ, lấy ngày mất tương truyền làm ngày Quốc lễ - Quốc giỗ. 


Riêng với Kinh Dương Vương, nhiều trăm năm qua, tại thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã được cộng đồng tôn vinh và phụng thờ là Thủy tổ; và Lạc Long Quân được người dân Bình Đà, huyện Thanh Oai, Hà Nội tôn thờ là “Thánh tổ siêu việt”.

Cảm ơn ông!

Phạm Lý (Thực hiện)


Gần 7 triệu lượt người hành hương về đất Tổ 


Ngày 9/4 (tức 10/3 Âm lịch), tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, thuộc Khu di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đã trọng thể tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Đúng 7h, đoàn hành lễ đã tề tựu đông đủ tại sân trung tâm Lễ hội lên Đền Thượng trên đỉnh Nghĩa Lĩnh. Đi đầu đoàn hành lễ là các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam rước Quốc kỳ, cờ hội và vòng hoa mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước”. Theo sau là các thiếu nữ và 100 con Lạc, cháu Hồng cầm cờ hội cùng lễ vật hương, hoa, bánh chưng, bánh dày gắn liền với những truyền thuyết về vị hoàng tử Lang Liêu và quan niệm Trời tròn - Đất vuông của cha ông ta. 

img
Đúng 8h, đoàn hành lễ tề tựu trang nghiêm trước Đền Thượng trên đỉnh Nghĩa Lĩnh. Trong không khí trang nghiêm, thành kính, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước và các đại biểu vào thượng cung dâng hương tưởng niệm, thành kính tri ân công đức các Vua Hùng đã có công khai hoang, mở cõi, đánh đuổi giặc ngoại xâm, gìn giữ non sông để con cháu xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh như ngày nay.

 

Thay mặt Ban tổ chức, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, ông Chu Ngọc Anh đã đọc Chúc văn khẳng định ý nghĩa to lớn của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, ca ngợi công lao trời biển của các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước; Ca ngợi tinh thần quật khởi, kiên cường của các bậc tiền nhân đã không tiếc xương máu đánh đuổi giặc ngoại xâm, gìn giữ đất nước và tinh thần anh dũng của toàn quân, toàn dân trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do của Tổ quốc. 


Lễ hội năm nay do UBND Phú Thọ tổ chức và có sự tham gia của 4 tỉnh: Bắc Ninh, Quảng Bình, Vĩnh Long và Long An. Lễ hội được tổ chức trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng gắn với các hoạt động hội nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương; Tuyên truyền, quảng bá rộng rãi di sản “Hát Xoan ở Phú Thọ” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, góp phần nâng tầm giá trị của văn hóa Việt Nam trong đời sống cộng đồng dân tộc, đồng thời, xây dựng Khu di tích lịch sử Đền Hùng xứng tầm là di tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia và thành phố Việt Trì là thành phố lễ hội về với cội nguồn tiêu biểu của cả nước.


Thông tin từ Ban tổ chức lễ hội vào chiều 9/4 cho biết, từ ngày khai hội tới nay, ước tính có khoảng 7 triệu lượt du khách đến thăm Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Tuy lưu lượng người và phương tiện giao thông gia tăng nhưng công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, ATGT đã được thực hiện tốt, không xảy ra sự cố, tai nạn nghiêm trọng. Cùng ngày 9/4, tại nhiều địa phương trong cả nước diễn ra các hoạt động nhân Giỗ Tổ Hùng Vương năm Giáp Ngọ 2014.

 

L.H

 

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.