Xã hội

Tại sao không công khai sức khoẻ lãnh đạo cấp cao cho dân biết?

13/11/2017, 16:38

Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, sức khoẻ Chủ tịch nước và các lãnh đạo cấp cao có phải thông tin mật?

buidangdung-1510559604275

Đại biểu QH Bùi Đặng Dũng thảo luận về Dự thảo Luật bảo vệ bí mật Nhà nước

Chiều 13/11, thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng cho rằng phải hết sức lưu ý việc lộ bí mật Nhà nước và bị hạn chế thông tin bí mật Nhà nước.

“Tôi công tác ở Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, bất cứ tài liệu nào liên quan đến tài chính ngân sách đưa ra đều “cộp” dấu mật, 10 năm sau mới giải thì cái "mật" đó giữ đến bao giờ? Trong khi các quốc gia khác liên quan tài chính ngân sách là công khai trên mạng, mọi người dân vào mạng đều biết là quá trình xây dựng như này, ngân sách năm nay, lĩnh vực bao nhiêu tiền”, ông Dũng nêu thực tế và cho rằng chúng ta đang có tình trạng lạm dụng đóng dấu mật để hạn chế thông tin.

“Vì vậy luật này quy định bí mật Nhà nước thế nào phải có khái niệm rõ ràng”, ông đề nghị.

Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng thực tế hiện nay có hiện tượng xem nhẹ, chủ quan nên dẫn đến phát biểu tại hội nghị, trong bài viết, trao đổi tại hội thảo, chuyện trò tâm sự trong cuộc sống “vô tình” làm lộ bí mật Nhà nước.

“Sức khoẻ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước của chúng ta có phải là bí mật Nhà nước không? Nếu đúng thì chúng ta phải thực hiện theo đúng tính chất, còn không phải thì chúng ta hoàn toàn công khai. Tôi nói chuyện liên quan sức khoẻ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, tại sao không công khai cho cử tri, nhân dân cả nước biết mà để mạng xã hội đồn thổi, khiến tất cả nhân dân và cán bộ, đảng viên lo lắng, băn khoăn. Rồi đến khi hình ảnh của Chủ tịch nước rạng ngời, mạnh khoẻ mà gần đây nhất là hình ảnh ở APEC đã đập tan mọi dư luận", ông Dũng nêu ví dụ.

Từ những thực tế đã nêu, ông thẳng thắn cho rằng chúng ta đang “xử lý rất kém” chuyện liên quan đến thông tin mật, và không nên cái gì cũng quy chụp là “bí mật”.

ĐB Vũ Xuân Hùng (Thanh Hoá) cho rằng thực tiễn lộ lọt bí mật Nhà nước, quốc gia, quốc phòng an ninh diễn ra khá phổ biến. Do đó, việc xây dựng luật là cần thiết.

Ông đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng quy định danh mục bí mật Nhà nước cần bảo vệ để tránh tình trạng lợi dụng quy định để gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, tăng thêm thủ tục hành chính hay “mật hoá” văn bản để bưng bít thông tin.

ĐB cũng băn khoăn khi dự thảo giao Chủ tịch UBND tỉnh, thành lập danh mục bí mật Nhà nước. Bởi, với 63 tỉnh, thành thì có thể xảy ra tình trạng cùng một danh mục nhưng độ mật lại khác nhau tuỳ thuộc đánh giá của mỗi địa phương, như nơi này “mật” nhưng nơi kia lại “tối mật” tạo nên sự không thống nhất.

“Nếu quy định như thế thì dễ lợi dụng bưng bít thông tin, không phổ biến thông tin vì mục đích riêng. Đặc biệt với những vấn đề nhạy cảm như đất đai, tài nguyên, khoáng sản có khi gây bất lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân. Do đó, để đảm bảo danh mục thống nhất thì nên quy định theo ngành dọc, tức các bộ ngành trung ương đến địa phương để đồng nhất hơn”, ông Hùng kiến nghị.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.