Chiến đấu cơ MiG-29.
Mặc dù tiêm kích đa năng MiG-29 đã được Liên Xô đưa vào hoạt động cách đây hơn 40 năm, nhưng loại máy bay này vẫn tiếp tục chiếm vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng những đại diện tiên tiến nhất của hàng không quân sự thế giới.
Vị trí vinh dự của MiG-29 có được là nhờ vào những giải pháp công nghệ - kỹ thuật độc đáo được áp dụng riêng cho máy bay mà chưa một chiến đấu cơ nào của các đối thủ có thể làm chủ hoàn toàn.
Vào thời điểm được tạo ra, MiG-29 sở hữu một trong những đặc điểm quan trọng mà được nhiều chuyên gia quân sự đánh giá là đi trước thời đại.
Đó là khả năng hiện đại hóa trên nền tảng khung máy bay gần như không có giới hạn, có thể lắp đặt hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, động cơ véc tơ lực đẩy mạnh mẽ hơn và có điều khiển, cũng như tổ hợp bảo vệ chủ động và thụ động mới nhất.
Cùng với các loại tên lửa không đối không và không đối đất hiện đại, những chiếc MiG-29 đã được đưa vào trang bị từ năm 1983.
Ngoài ra, về đặc tính chiến đấu máy bay được cập nhật nhiều công nghệ vượt trội hơn đáng kể so với tất cả các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư của phương Tây, chỉ thua kém một chút so với máy bay thế hệ thứ năm.
Cựu chỉ huy của phi đội tiêm kích Strizhi, phi công hạng 1 trung tá Valery Morozov đã chia sẻ với phóng viên của tờ Chính Trị Nga về những ưu điểm chính của MiG-29 so với các đối thủ tiềm tàng.
Theo trung tá Valery Morozov, "Nếu muốn biết máy bay nào có khả năng chiến đấu tốt hơn thì chỉ có cách là để các máy bay chiến đấu trực tiếp với nhau, tuy nhiên điều này hoàn toàn không đáng làm.
Nhìn chung, bất kỳ loại máy bay quân sự nào cũng có cả ưu điểm và nhược điểm. Tốt hơn là nên xem xét các tính năng riêng lẻ của mẫu máy bay này hoặc mẫu máy bay kia.
Ví dụ, nếu chúng ta xét yếu tố khí động học thì MiG-29 của Nga tốt hơn nhiều so với các đối thủ nước ngoài.
Ngoài ra, hệ thống điện tử hàng không được cập nhật cho phép máy bay Nga đạt đến trình độ hiện đại hàng đầu thế giới”.
Chiến đấu cơ MiG-29 trong biên chế của Không quân Nga
Hiện tại, Lực lượng vũ trang Nga đang hiện đại hóa một cách có hệ thống các máy bay chiến đấu hạng nhẹ MiG-29.
Những thiết kế lỗi thời của MiG-29 dần dần bị cho ngừng hoạt động và bị loại bỏ, trong khi các phiên bản tiên tiến hơn sẽ thế chỗ của chúng, chẳng hạn như các phiên bản máy bay thế hệ 4+ MiG-29SMT và MiG-29K.
MiG-29SMT được coi là phiên bản cải tiến tiên tiến nhất của “gia đình” MiG-29. Hệ thống điện tử hàng không mới nhất với radar Zhuk-M cho phép máy bay chiến đấu theo dõi 20 mục tiêu trên không và có thể tấn công đồng thời 4 mục tiêu.
Radar Zhuk-M có khả năng phát hiện máy bay đối phương ở khoảng cách lên tới 120 km, cùng với hệ thống định vị và ngắm mục tiêu quang-điện tử hiện đại OEPS-29 có khả năng chỉ thị mục tiêu được tích hợp trên mũ bảo hiểm, cho phép phi công thực hiện một cuộc tấn công chính xác với tốc độ cực nhanh.
Ngoài khả năng tiếp dầu trên không được bổ sung, MiG-29SMT còn được trang bị thêm thùng nhiên liệu tích hợp vào thân máy bay với dung tích 2.020 lít.
Điều này giúp máy bay chiến đấu có thể tăng phạm vi bay lên gần 1,5 lần so với phiên bản đầu.
Máy bay chiến đấu MiG-29K là một phiên bản cải tiến cho hải quân và được thiết kế để hoạt động trên các tàu tuần dương chở máy bay hoặc các tàu sân bay.
Ngoài các hệ thống điện tử hàng không đã được kể tới như radar Zhuk-M và OEPS-29, thì MiG-29K còn được trang bị động cơ RD-33MK mạnh hơn so với các phiên bản trên đất liền, lực đẩy của nó đã được tăng lên 9.000 kg.
Ngoài ra, loại máy bay chiến đấu MiG-35 đầy hứa hẹn thuộc thế hệ 4 ++ cũng là kết quả của quá trình hiện đại hóa những chiếc MiG-29 và có khả năng chiếm ưu thế trên không khi đối đầu với máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của đối phương.
Nhờ được trang bị radar Zhuk-A phiên bản mới nhất với dải ăng ten hoạt động theo từng giai đoạn, MiG-35 có khả năng phát hiện và tấn công máy bay địch ở khoảng cách lên đến 200 km.
Hai hệ thống định vị quang học cho phép máy bay chiến đấu không chỉ đảm bảo đánh trúng mục tiêu trên không mà còn thực hiện ném bom chính xác vào các mục tiêu mặt đất của đối phương.
Các động cơ RD-33MK nâng cấp với vector lực đẩy có điều khiển giúp MiG-35 có khả năng siêu cơ động, điều này khiến việc đánh chặn và tiêu diệt máy bay MiG-35 bằng tên lửa và pháo phòng không của đối phương trở nên khó khăn hơn nhiều.
Do đó, với khả năng hiện đại hóa rộng rãi của MiG-29 có thể cho phép tiêm kích này ngay cả sau gần nửa thế kỷ vẫn là một phương tiện chiến tranh hiệu quả.
Xét về đặc tính bay và khả năng của hệ thống điện tử hàng không, các phiên bản nâng cấp của chiếc MiG-29 là vô song nếu so với số các máy bay chiến đấu đa năng hạng nhẹ do nước ngoài sản xuất.
Tiếp tục cải tiến hơn nữa về thiết bị điện tử và động cơ sẽ kéo dài tuổi thọ của máy bay thêm ít nhất một thập kỷ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận