Tập trận chung thường niên Balikatan 2015 giữa Mỹ và Philippines. (Ảnh: The Diplomat) |
Wall Street Journal dẫn một nguồn tin chính phủ cho hay, Mỹ đã chính thức hủy kế hoạch Tự do hàng hải Biển Đông (FONOP) như đã định trước đó nhằm làm “hạ nhiệt” trên “chảo lửa” này trong một báo cáo tối 26/4.
Thay vào đó, Washington cho triển khai máy bay tuần tra gần bãi cạn tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines: Scarborough.
Nếu đúng như dự định, FONOP lần này sẽ là kế hoạch thứ ba Mỹ triển khai trên Biển Đông, sau 2 lần trước đó: Kế hoạch lần 1 được thực hiện hồi tháng 10/2015 tại quần đảo Trường Sa, kế hoạch lần 2 được thực hiện hồi tháng 1/2016 tại quần đảo Hoàng Sa – đều thuộc chủ quyền Việt Nam.
Hiện phía Mỹ chưa công bố cụ thể lý do tại sao lại hủy kế hoạch FONOP trên Biển Đông, song các chuyên gia cho rằng, nhiều khả năng Mỹ muốn kiểm soát mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc trên Biển Đông. Thay vì thực hiện một FONOP mà gần như chắc chắn sẽ vấp phải các phản ứng gay gắt từ phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc, như những lần trước đó, chính quyền Tổng thống Obama chọn cách đứng về phía Philippines.
Hồi đầu tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã tới Philippines – đây là hoạt động ngoại giao cấp cao nhằm thắt chặt quan hệ đồng minh kể từ sau Hiệp định tăng cường hợp tác Quốc phòng (EDCA) được thông qua, cho phép Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự của Philippines. Chưa kể, hai bên cũng tiến hành tập trận chung Balikatan dưới sự thị sát của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter.
Ngoài ra, việc hủy FONOP cũng là cách Washington thể hiện mối quan ngại về các động thái bồi đắp trái phép của Trung Quốc trên bãi cạn Scarborough. Song song với đó, Washington dường như muốn phát đi thông điệp tới Bắc Kinh bằng việc triển khai các máy bay quân sự gần Scarborough những ngày gần đây: “Thần sấm” A-10 và trực thăng HH-60 Pave Hawk được triển khai từ căn cứ không quân Clark của Philippines chính là cách Hải quân Mỹ “nhắc nhở” Bắc Kinh về không phận quốc tế.
Không còn nghi ngờ gì nữa, việc Mỹ-Philippines tập trận chung cùng với các hoạt động bay tuần tra trên bãi cạn Scarborough đã cho thấy quyết tâm của Washington trong việc thực hiện cam kết bảo vệ đồng minh Manila.
Hồi đầu tuần này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng về việc bay tuần tra của Mỹ trên vùng không phận gần bãi cạn Scarborough. Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc rằng, Mỹ đang “lợi dụng chiêu bài tự do hàng hải, hàng không để quân sự hóa Biển Đông”.
Bà Hoa khẳng định: “Không phải tự nhiên mà Mỹ đã thực hiện các chuyến bay này”. Phản ứng của bà Hoa chẳng khác gì việc Bắc Kinh từng “nổi đóa” trước đó với việc triển khai FONOP 2 lần trước của Washington.
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc lần này cũng sử dụng các ngôn từ tương tự như họ từng phản ứng với FONOP: “Hoàng Nham (cách Trung Quốc gọi bãi cạn Scarborough) là lãnh thổ cố hữu của quân đội Trung Quốc và quân đội Trung Quốc sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia”.
Bắc Kinh thậm chí “chẳng hề chớp mắt” khi nói rằng: “Các hành động trên của Mỹ đe dọa chủ quyền, an ninh quốc gia của các nước xung quanh khu vực Biển Đông, phá hoại hòa bình và ổn định khu vực”, The Diplomat nhận định.
Tạp chí có trụ sở ở Tokyo Nhật Bản cho rằng, việc Mỹ hủy FONOP lần này không hoàn toàn là một… tín hiệu xấu, khi thay vào đó – Washington triển khai tuần tra bãi cạn Scarborough, một động thái có tác dụng tương tự, lại vừa là cách “trấn an hiệu quả” đối với đồng minh Philippines.
Hơn nữa, các động thái của Bắc Kinh đối với việc Mỹ thực hiện bay tuần tra gần Scarborough cho thấy, Trung Quốc sẽ chẳng có lựa chọn phản ứng nào khác nữa nếu như Mỹ triển khai FONOP lần này như đã định. Chưa kể, cách mà Mỹ hướng sự tập trung của dư luận về bãi cạn Scarborough thậm chí còn là cách “nhắc khéo” đối với một chính quyền vốn quá “nhạy cảm” về Biển Đông như Bắc Kinh.
Bắc Kinh "ăn không nói có" Trong một nhận định khác liên quan tới vấn đề Biển Đông vốn đang được dư luận quan tâm, The Diplomat cũng đưa ra các ý kiến đáng chú ý về tuyên bố mới đây của Trung Quốc, về việc đạt “đồng thuận” với 3 nước gồm Brunei, Campuchia và Lào: “Thực chất, đây chỉ là một động thái ngoại giao rỗng tuếch mà thôi”, The Diplomat viết. Chưa kể, hôm 25/4 vừa qua, chính phủ Campuchia đã thẳng thắn lên tiếng phủ nhận về cái gọi là “sự đồng thuận quan trọng” mà Bắc Kinh tuyên bố trước đó – giống như một “gáo nước lạnh” dập tắt âm mưu chia rẽ khối đoàn kết ASEAN về vấn đề Biển Đông. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận