Xe chạy hoàn toàn bằng điện là xu hướng dễ thấy mà ngành ô tô thế giới, đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc, các nước châu Âu… đang chạy đua và dồn nguồn lực phát triển trong 10 năm nữa.
Nhưng, hãng sản xuất ô tô lớn nhất thế giới là Toyota lại đi ngược dòng, tập trung vào xe lai xăng - điện (hybrid). Câu hỏi đặt ra, Toyota chậm nắm bắt công nghệ hay đơn giản là họ có lối đi riêng?
Hơn 7 năm qua, Toyota mới bán được 11.000 xe nhiên liệu hydrogen Mirai
Đi ngược xu hướng của thế giới
Từ năm 1997, khi Tesla còn chưa ra đời, thế giới nghĩ tới xe điện như một công nghệ xa vời. Toyota - nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới đã tạo bước ngoặt với thiết kế xe lai điện Toyota Prius. Hiện tại, dòng xe này vẫn đang thu hút hàng triệu người mua trên toàn thế giới.
Từ tháng 11/2016, Toyota đã thành lập một công ty khởi nghiệp nội bộ để phát triển xe hoàn toàn chạy bằng điện.
Theo một bài viết từ Nikkei cuối năm 2020, Toyota tuyên bố sẽ trở thành hãng xe đầu tiên sản xuất xe bình dân được trang bị pin thể rắn.
Loại pin này có nhiều đặc điểm tối ưu hơn pin lithium-ion thông thường như có thời lượng hoạt động cao gấp đôi, chỉ mất 10 phút để sạc, tiết kiệm không gian.
Chúng tôi đồng ý và hoàn toàn ủng hộ thực tế rằng xe chạy hoàn toàn bằng điện chính là tương lai. Nhưng Toyota cho rằng, thế giới chưa thực sự chú tâm, đánh giá, xem xét những gì đang diễn ra ngày hôm nay. Hiện tại, 98% xe con và xe tải được bán ra đều là xe sử dụng xăng hoặc hybrid. Các mục tiêu điện hóa hoàn toàn trong 1 - 2 thập kỷ tới là quá vội vàng.
Ông Eric Booth, người phát ngôn Toyota tại Mỹ
Như vậy hãng xe Nhật có định hướng và năng lực phát triển xe thân thiện môi trường từ lâu. Chỉ có điều, với họ, lúc này xe chạy hoàn toàn bằng điện không phải ưu tiên hàng đầu.
Vài tháng qua, Toyota đã trở thành hãng xe phản đối mạnh nhất tiến trình chuyển đổi sang xe điện trên khắp thế giới.
Trái với nhận định thông thường rằng xe điện là “chìa khoá” giải quyết biến đổi khí hậu, Toyota cho rằng, càng sản xuất nhiều loại xe này càng ô nhiễm.
Trong cuộc họp báo cuối năm ngoái của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, ông Akio Toyoda, người đứng đầu Toyota Motor nói: “Nếu tất cả ô tô đều chạy bằng điện, thì Nhật Bản sẽ không có điện vào mùa hè. Ở một đất nước như Nhật Bản, nơi hầu hết điện đến từ việc đốt than và khí đốt tự nhiên, xe điện không hề có lợi cho môi trường”.
Nhật Bản vốn là quốc gia phụ thuộc vào than và khí đốt tự nhiên để sản xuất điện. Nước này đã có kế hoạch dùng điện hạt nhân để bù đắp điện năng thiếu hụt nhưng do thảm họa hạt nhân xảy ra năm 2011, nên chính phủ không thể hiện thực hóa mục tiêu.
Gần đây, ông Chris Reynolds, Giám đốc điều hành cấp cao, chịu trách nhiệm quan hệ với chính quyền của Toyota đã có chuyến thăm tới Washington, họp kín với các thành viên quốc hội Mỹ, vạch ra quan điểm phản đối xu hướng chuyển đổi sang xe hoàn toàn chạy bằng điện.
Ông Reynolds cho rằng, các loại xe hybrid như Prius và xe chạy bằng năng lượng hydrogen nên đóng vai trò chính trong cuộc cách mạng ô tô thân thiện môi trường, theo tờ New York Times.
Trước đó, hãng xe Nhật cũng tác động tới nhiều thị trường khác như Anh, Áo, Liên minh châu Âu, phản đối các chính phủ áp quy chuẩn khí thải ô tô ngặt nghèo hoặc bắt buộc các hãng xe phải điện hóa.
Cùng với các nhà sản xuất ô tô khác, Toyota kết hợp với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chống lại Luật Không khí sạch của bang California và kiện Mexico về quy định hiệu quả nhiên liệu. Tại Nhật Bản, giới chức Toyota cũng phản đối thuế carbon.
Chiến lược của Toyota có khả thi?
Xe Toyota Prius được sử dụng tại Olympic Tokyo
Chiến lược của Toyota là trong ngắn hạn, xe lai điện - xăng sẽ giúp giảm một phần khí thải và tạo thời cơ để phát triển ô tô sử dụng nhiên liệu hydrogen trong dài hạn.
Trên lý thuyết, cách tiếp cận của Toyota là “giấc mơ đẹp”. Nếu như pin điện cần rất nhiều nguyên liệu kim loại quý hiếm, pin nhiên liệu hydrogen được tạo ra từ khí hydro (có trữ lượng dồi dào) và hoàn toàn không phát thải. Các phương tiện này có thể nạp nhiên liệu với tốc độ nhanh, cho phép xe di chuyển quãng đường dài.
Nhưng trên thực tế, tốc độ phát triển xe hydrogen rất thấp vì chi phí sản xuất hiện tại quá cao. Ngoài ra, hạ tầng sạc cho phương tiện loại này rất ít.
Chi phí trung bình để xây dựng một trạm nhiên liệu hydrogen lên tới 1,1 triệu USD, trong khi một trạm sạc ô tô điện với 4 cổng 150kW chỉ tốn hơn nửa.
Kể từ khi ra mắt vào năm 2014 đến nay, Toyota mới bán được 11.000 xe nhiên liệu hydrogen Mirai. Trong khi đó, Honda, một hãng xe khác tiên phong về hydrogen đã “khai tử” dòng xe chạy pin nhiên liệu hydrogen đầu tiên của hãng.
Nhiều nhà phân tích chỉ ra, công nghệ hydrogen phù hợp với xe tải đường dài hơn là xe ô tô cá nhân. “Tôi thấy, hydrogen rất hứa hẹn nhưng có lẽ phải ở thời điểm sau xe pin điện khoảng 1 thập kỷ”, ông David Friedman, Phó Chủ tịch về vận động của Consumer Reports và là cựu quan chức trong Ủy ban ATGT Quốc gia Mỹ nhận định.
Theo ông Friedman, Toyota muốn kéo dài thời gian, chờ đến khi xe sử dụng pin nhiên liệu hydrogen sẵn sàng nhưng khí hậu thì không thể chờ.
Một số chuyên gia cho rằng, có rất nhiều yếu tố khiến Toyota sẽ sớm phải thay đổi suy nghĩ. Điển hình như thị trường quan trọng nhất của Toyota là Trung Quốc đang theo đuổi xe điện. Hiện tại Toyota đã phải khởi động sản xuất xe điện theo hợp đồng liên doanh với hãng xe địa phương ở Trung Quốc.
Tranh thủ Olympic để quảng bá xe hydrogen
Toyota vốn là nhà tài trợ chính cho Thế vận hội Tokyo 2020, đã sử dụng cơ hội này để quảng bá thông điệp của mình về năng lượng bền vững. Nguyên liệu hydrogen đã được sử dụng một phần trong hành trình rước đuốc Olympic. Toyota cũng đưa dàn xe hydrogen Mirai thế hệ mới sử dụng nhiên liệu hydrogen để phục vụ các quan chức Olympic di chuyển khắp Thủ đô Tokyo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận