Hồ sơ tài liệu

Tại sao Việt Nam chưa nên sở hữu máy bay chiến đấu phương Tây?

14/06/2015, 06:04
image

Truyền thông phương Tây gần đây ồ ạt đưa tin về việc Việt Nam quay sang các đối tác Âu-Mỹ để đàm phán...

6.1
Máy bay chiến đấu Su-30MK2 của Không quân Việt Nam

Việt Nam mua máy bay Âu - Mỹ: Khả năng rất xa

Ngày 5/6 vừa qua, Hãng thông tấn Anh Reuters đưa tin, Việt Nam đang đàm phán với các nhà thầu quốc phòng châu Âu và Mỹ về việc mua máy bay chiến đấu, máy bay tuần tra hàng hải, máy bay không người lái mang vũ khí để tăng cường khả năng bảo vệ không phận.

Những cuộc thảo luận của Việt Nam đã diễn ra với các doanh nghiệp quốc phòng Saab của Thụy Điển, Tập đoàn Eurofighter và Airbus của châu Âu, Tập đoàn Boeing và Lockheed Martin của Hoa Kỳ.

Reuters cho biết, theo nguồn tin riêng của họ, trong số các máy bay được Việt Nam thảo luận có chiến đấu cơ thế hệ 4 JAS-39 Gripen-E của Saab và loại máy bay có khả năng tuần tra trên biển và cảnh báo sớm Saab 340.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tổ chức đàm phán về việc mua máy bay chiến đấu EF-2000 của Eurofighter, FA-50 do hãng Aerospace Industries của Hàn Quốc và Lockheed Martin của Hoa Kỳ hợp tác chế tạo.

Tuy nhiên phía Việt Nam cũng như phương Tây đều khá kín tiếng và hầu như không cung cấp thêm bất cứ thông tin chi tiết nào.

2.2
Việt Nam được cho là đang đàm phán mua sắm máy bay chiến đấu phương Tây để thay thế MiG-21

Thông tin của Reuters mặc dù khá chi tiết và tương đối phù hợp với chủ trương đa dạng hóa nguồn cung vũ khí và chính sách đa phương hóa quan hệ hợp tác quân sự của Việt Nam nhưng xét về bản chất, nó có thể là thông tin không chính xác.

Việt Nam có thể sẽ mua máy bay chiến đấu của phương Tây nhưng phải là trong tương lai xa. Trước hết là do chúng ta chưa có những phương tiện để kết nối, chỉ huy, điều phối hoạt động tác chiến của các loại máy bay khác nhau, ví dụ như máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không.

Nếu chưa giải quyết được vấn đề này, việc mua sắm nhiều loại máy bay khác nhau sẽ không phát huy được hết sức mạnh tổng hợp của không quân.

Những lý do Việt Nam chưa thể mua sắm máy bay chiến đấu phương Tây 

Thứ nhất: Thông tin đàm phán không đúng với phong cách của Việt Nam

Việc Reuters đưa tin Việt Nam đàm phán với hàng loạt đối tác để mua sắm máy bay chiến đấu, máy bay bảo đảm của Âu - Mỹ có thể là thông tin không chính xác bởi từ trước đến nay Việt Nam luôn kiên định với phương châm “chắc chắn, tin cậy và đàm phán từng hạng mục”.

Nếu như Việt Nam đang đàm phán mua sắm hàng loạt máy bay, theo kiểu “quăng chài nhiều cá, trúng con nào thì trúng”, dường như không đúng với phong cách của chúng ta. Việt Nam có thể mua vũ khí Âu - Mỹ nhưng chắc chắn phải có quá trình chuẩn bị lâu dài, lựa chọn kỹ lưỡng.

Báo chí nước ngoài đưa tin, mục đích Việt Nam mua những loại máy bay trên là để thay thế hàng trăm chiếc MiG-21.

Tiêm kích đánh chặn là loại máy bay có tốc độ cao, điều khiển linh hoạt, thiên về không chiến và đặc biệt là phải dễ bổ sung hàng loạt bởi chúng sẽ thiệt hại rất nhiều trong chiến đấu.

Bởi vậy, việc Việt Nam mua sắm ồ ạt những chiếc tiêm kích đắt đỏ và sản xuất hết sức phức tạp như trên, trong bối cảnh chưa thông thạo sử dụng, chưa có kinh nghiệm tác chiến là điều khó xảy ra.

Thứ hai: Xu hướng mua sắm vũ khí của Việt Nam

Trong những năm gần đây Việt Nam đã bắt đầu đa dạng hóa nguồn cung vũ khí bằng việc mua thủy phi cơ DHC-6 Twin Otter của Canada, máy bay tuần tra C-212, máy bay vận tải C-295 của Airbus, tàu tuần tra của Nhật, Hàn, Mỹ...

Ngoài ra hãng Airbus cũng đang đàm phán với Việt Nam về hợp đồng mua bán trực thăng.

Tuy nhiên, nếu để ý kỹ đây chỉ là những loại máy bay phục vụ, bảo đảm còn Việt Nam vẫn trung thành với các dòng máy bay chiến đấu của Nga bởi sự chắc chắn, đáng tin cậy và quá trình sửa chữa, bảo dưỡng thuận tiện.

Nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là mua sắm vũ khí Nga, Việt Nam không sợ “đứt nguồn cung giữa chừng”.

Chúng ta có thể nhìn thấy nhiều bài học từ việc Argentina bị Pháp cắt nguồn cung vũ khí trong cuộc chiến bảo vệ quần đảo Fankland/Malvinas và hợp đồng Mistral thất bại giữa Nga và Pháp.

Đối với phương Tây, chính trị là yếu tố tiên quyết và bất biến, những mối quan hệ hợp tác của họ đều bị chi phối bởi yếu tố này.

Trong khi đó thể chế chính trị của Việt Nam không cho phép sự đồng điệu tuyệt đối trong quan hệ với phương Tây nên việc mua sắm máy bay chiến đấu của họ không thể tạo ra sự tin cậy tuyệt đối.

Đa phương hóa nguồn cung vũ khí và đa dạng hóa quan hệ hợp tác quân sự là chiến lược đúng đắn nhưng nó phải có định hướng rõ ràng và nhất quán. Trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, yếu tố đáng tin cậy của nguồn cung vũ khí phải được đặt lên hàng đầu.

Không thể giao phó vận mệnh của đất nước vào những đối tác không thể tin cậy tuyệt đối cũng như không thể đặt trọng trách bảo vệ Tổ quốc vào những loại vũ khí có thể biến thành sắt vụn bất cứ lúc nào. Đây là điều Việt Nam cần phải cân nhắc và suy tính kỹ lưỡng.

2.3
Máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon của châu Âu

Thứ 3: Vấn đề huấn luyện phi công

Một điều rất đáng quan tâm trong việc mua sắm vũ khí đa quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực máy bay chiến đấu là công tác huấn luyện phi công, bao gồm yếu tố con người và máy bay huấn luyện.

Nếu chỉ sở hữu những loại tiêm kích do một quốc gia chế tạo, chúng ta có thể sử dụng một loại máy bay huấn luyện, công tác chuyển loại phi công cũng rất đơn giản, kinh nghiệm bay, kinh nghiệm tác chiến cũng có thể áp dụng trên các loại máy bay khác nhau.

Có thể nhận thấy điều này trong quá trình xây dựng Không quân Việt Nam. Phi công của chúng ta có thể lái nhiều loại máy bay khác nhau, chuyển loại thần tốc trong vòng vài tháng, thậm chí là vài chục ngày, do chủ yếu sử dụng máy bay của Liên Xô/Nga.

Vấn đề này trong thời bình bị nhiều người xem nhẹ bởi khi đó ta có điều kiện, có thời gian huấn luyện phi công thoải mái.

Nhưng nếu trong thời chiến, việc lái thành thạo nhiều loại máy bay, chuyển loại nhanh có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi bổ sung trang bị mới, để bắt kịp yêu cầu của cuộc chiến. Mà điều đó chỉ có được khi sử dụng thống nhất một kiểu vũ khí, trang bị.

Với lực lượng không quân có những loại máy bay chiến đấu của nhiều quốc gia, đòi hỏi phải có những loại máy bay huấn luyện khác nhau, việc đào tạo đội ngũ phi công cũng phải làm lại từ đầu, đồng thời rất khó để phi công có thể chuyển sang lái một loại máy bay khác hẳn.

Điều đó sẽ làm đội chi phí mua sắm máy bay chiến đấu, máy bay huấn luyện và làm tăng số lượng phi công, tăng kinh phí đào tạo. Trong điều kiện ngân sách quốc phòng eo hẹp của Việt Nam, điều này là rất khó khăn.

Thứ 4: Công tác sửa chữa và bảo dưỡng

Bảo dưỡng và sửa chữa là yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc duy trì hoạt động của phi đội bay, nhất là đối với những nước nghèo, còn sử dụng nhiều loại máy bay cũ. Trong bối cảnh đó, việc bảo đảm kỹ thuật cho những chiếc máy bay đa quốc gia lại càng khó khăn.

Trong hơn nửa thế kỷ sử dụng máy bay Nga, Việt Nam đã xây dựng được đội ngũ kỹ thuật mạnh mặc dù trang thiết bị còn thiếu thốn. Trải qua quá trình tích lũy kiến thức cơ bản và kinh nghiệm, những người lính thợ Việt Nam đã có thể sửa chữa những hỏng hóc thông thường.

Nếu mua sắm máy bay chiến đấu phương Tây, Việt Nam sẽ phải có một đội ngũ kỹ thuật được đào tạo riêng, những cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa đầy đủ các thiết bị quy chuẩn phương Tây, bởi những loại máy bay này không “dễ tính” như tiêm kích của Nga.

Nếu không, việc phải làm việc với quá nhiều loại máy bay khác chủng loại và đặc tính kỹ thuật, tuy có thể làm đội ngũ kỹ thuật Việt Nam biết nhiều hơn nhưng rất khó để giỏi lên, bởi nền tảng công nghệ máy bay của Việt Nam còn kém.

Ví dụ như thợ kỹ thuật Việt Nam đã có thể khắc phục những hỏng hóc thông thường của động cơ phản lực AL-31F, điều này giúp nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu cho máy bay, tiết kiệm được rất nhiều kinh phí.

Đội ngũ kỹ thuật Việt Nam đạt đến trình độ này nhờ được làm việc trong môi trường bảo đảm chuyên sâu. Có thể khẳng định rằng, nếu phải bảo đảm sửa chữa cho nhiều loại máy bay khác nhau, rất khó để nâng cao trình độ như vậy.

Các chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng, máy bay chiến đấu Âu - Mỹ dễ bảo dưỡng, chi phí bảo đảm thấp, dẫn đến chi phí bay bình quân thấp hơn so với máy bay Nga.

Điều này chỉ đúng với phương Tây bởi họ có cơ sở hạ tầng hết sức hiện đại, còn đối với những quốc gia không có điều kiện xây dựng những cơ sở kỹ thuật như vậy, chi phí sửa chữa, bảo dưỡng kỹ thuật và chi phí bay chắc chắn sẽ vẫn cao hơn máy bay Nga.

2.4
Máy bay chiến đấu Su-30MK2 của không quân Việt Nam

Cần cân nhắc kỹ lưỡng

Với những vấn đề trên, việc Việt Nam mua sắm máy bay chiến đấu phương Tây trong thời điểm hiện nay là điều rất khó xảy ra.

Điều này chúng ta có thể đúc rút kinh nghiệm từ Ấn Độ, quốc gia có ngân sách quốc phòng khổng lồ với lực lượng không quân được đánh giá là hàng đầu châu Á, sở hữu nhiều loại tiêm kích của Nga và châu Âu như MiG-21/27; Su-30MKI, Mirage 2000, Jaguar…

Việc sở hữu quá nhiều loại máy bay của các quốc gia khác nhau đã khiến không quân nước này lâm vào tình trạng thiếu thốn máy bay huấn luyện, dẫn đến phi công phải cắt giảm giờ bay tập; đội ngũ kỹ thuật cũng không đủ khả năng bảo đảm chuyên sâu…

Những điều đó làm cho không quân Ấn Độ, dù được đánh giá rất cao về số lượng và chất lượng máy bay nhưng có thực lực không mạnh và đặc biệt họ trở thành nước đứng đầu thế giới về tai nạn máy bay quân sự.

Nếu Việt Nam không cân nhắc kỹ lưỡng, rất có thể chúng ta sẽ mắc phải những sai lầm giống như Ấn Độ.

2.5
Ấn Độ là quốc gia có nhiều chủng loại máy bay chiến đấu nhưng cũng đứng đầu thế giới về tai nạn máy bay (Ảnh: Su-30MKI do Nga chế tạo và Mirage 2000 do Pháp sản xuất)

Tuy nhiên trong tương lai, Việt Nam hoàn toàn là có thể mua sắm máy bay chiến đấu phương Tây, nếu đã xác định rằng đây là một hướng đi chắc chắn và không có rủi ro về quốc phòng an ninh.

Khi đó, Việt Nam sẽ phải xây dựng từ đầu những cơ sở hạ tầng cần thiết và yếu tố con người cho việc chuyển hướng này, theo Đại lộ.

Video SU30MK2 - Hổ mang chúa của không quân Việt Nam:

 Nguồn video: VTC 14

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.