Hết mặc cảm, tự ti
Nhận kết quả chẩn đoán ung thư vú trong một lần khám tổng quát tại Bệnh viện Bạch Mai, chị A.B.N đã rất sốc. May mắn là với sự phối hợp giữa các chuyên khoa Ung bướu, Phẫu thuật lồng ngực - mạch máu và Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, phác đồ điều trị dành cho chị N là trong cùng lần mổ.
Các bác sĩ vừa cắt bỏ khối ung thư cùng toàn bộ tuyến vú, đồng thời tái tạo bầu vú khuyết. Chính vì vậy, sau ca phẫu thuật, chị N vẫn giữ lại hình thể đủ đầy.
"Mọi sinh hoạt của tôi gần như không bị biến động. Việc không khuyết đi một bên ngực giúp tôi tự tin hơn đối diện với cuộc sống sau điều trị ung thư vú", chị N chia sẻ.
Tương tự, chị N.M.P cũng hoang mang khi phát hiện ung thư vú trong một lần đi khám. Cầm kết quả chẩn đoán, chị P thầm nghĩ mình đã mất tất cả. Tuy nhiên, được sự động viên của gia đình, bạn bè và tư vấn của các bác sĩ, chị P bước vào ca phẫu thuật cắt bỏ phần vú trên trái để tránh ung thư di căn.
Sau giai đoạn điều trị hóa chất đầy gian nan, chị đẩy lùi được căn bệnh quái ác. 6 năm sau, chị quyết định tái tạo bầu ngực để tìm lại tự tin. Sau ca phẫu thuật, chị P thấy hài lòng.
Chị N.T.T cũng thực hiện tái tạo vú sau 1 năm cắt bỏ khối ung thư. "Quá trình điều trị bệnh được chồng và gia đình luôn động viên nhưng sâu thẳm trong tôi vẫn còn nhiều mặc cảm vì sự khiếm khuyết của bản thân. Mới đây được tái tạo vú từ chính vạt da mỡ bụng sổ sau sinh của mình, thực sự tôi rất mãn nguyện", chị T bộc bạch.
Một công đôi việc
Theo PGS.TS Phạm Thị Việt Dung, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai, đối với người phụ nữ, tuyến vú vừa là biểu tượng của thiên chức, vừa là biểu trưng của cái đẹp và sự quyến rũ. Do đó, sau khi phải cắt bỏ, không ít bệnh nhân ung thư vú thường cảm thấy mặc cảm, tự ti về bản thân.
Điều này gây cản trở trong giao tiếp xã hội và ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống tình cảm vợ chồng. Chưa kể, việc phải sử dụng áo ngực có bộ phận ngực giả gây ra không ít bất tiện trong sinh hoạt.
ThS. BS Nguyễn Thị Vân, khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, với sự phát triển của y học, khoa học hiện đại, bệnh nhân ung thư vú hoàn toàn có thể có lại vòng 1 với hình dáng cân đối, tránh những tự ti, mặc cảm và bất tiện trong cuộc sống. Thậm chí, phần được tái tạo còn căng đẹp hơn ngực vốn có.
Tùy từng thể trạng, tình trạng bệnh lý và điều kiện của người bệnh để có thể tiến hành tạo hình vú sau ung thư. Tạo hình vú tức thì với cắt bỏ khối ung thư (1 thì) hoặc tạo hình sau khi đã cắt bỏ và điều trị ung thư vú ổn định (2 thì).
Với hình thức nào thì việc tái tạo ngực cũng không ảnh hưởng đến quá trình theo dõi, tái phát hay điều trị ung thư của người bệnh.
"Hơn nữa, tái tạo vú hiện nay hầu hết sử dụng vạt da mỡ tự thân, là da và mỡ bụng của chính bệnh nhân nên có độ tương thích tốt, vú tạo được mềm mại, tự nhiên, có tính thẩm mỹ cao. Do đó, trong cùng 1 lần phẫu thuật, người bệnh vừa được tái tạo vú vừa được tạo hình thẩm mỹ thành bụng, cắt bỏ mỡ da thừa, hình thể cân đối, tươi mới hơn", BS Vân nhấn mạnh.
Không phải bệnh nhân nào cũng có thể tái tạo
Theo BS Nguyễn Đỗ Thùy Giang, Khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, phẫu thuật tái tạo vú là phẫu thuật lớn, mang tính chất tiếp nối điều trị và đòi hỏi kỹ thuật cao. Do đó, không phải bệnh nhân ung thư vú nào cũng có thể thực hiện tái tạo ngực. Phương pháp này chỉ thực hiện trên các bệnh nhân đã phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến vú và có đủ điều kiện sức khỏe.
Tái tạo vú có thể giúp khôi phục lại hình dáng của bộ ngực, xóa bỏ mặc cảm bệnh tật và khiếm khuyết cơ thể sau phẫu thuật điều trị ung thư vú, nhưng không làm tăng tỷ lệ tái phát hay kéo dài thời gian hỗ trợ điều trị ung thư vú. Do đó, nếu có đủ điều kiện sức khỏe và kinh tế, người bệnh có thể cân nhắc thực hiện tái tạo vú để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận