Gửi câu hỏi đến Báo Giao thông, anh Trần Văn Đạt, ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây, lực lượng CSGT tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn.
Anh Đạt băn khoăn, nếu CSGT dừng xe kiểm tra nồng độ cồn, thì tài xế có được dùng điện thoại ghi lại hình ảnh làm việc giữa hai bên không.
"Việc dùng điện thoại để ghi lại hình ảnh CSGT làm việc có đúng quy định pháp luật không?", anh Đạt hỏi.
Tài xế được quyền ghi hình CSGT khi đang làm nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn
Giải đáp thắc mắc trên, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật thông tin, theo Thông tư 69/2019/TT - BCA của Bộ Công an, người dân được quyền giám sát lực lượng CSGT khi đang làm nhiệm vụ thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình.
Việc giám sát phải bảo đảm các điều kiện như không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; ngoài khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông và tuân thủ các quy định pháp luật khác.
"Như vậy, người dân được quyền quay phim, chụp ảnh CSGT làm việc nhưng phải đảm bảo khách quan, trung thực và ngoài phạm vi được giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để lực lượng chiến sĩ thực thi nhiệm vụ", luật sư Bình cho hay.
Cũng theo luật sư Bình, việc cho phép người dân quay phim, chụp ảnh CSGT làm nhiệm vụ sẽ góp phần đảm bảo việc thực thi pháp luật, ngăn chặn hành vi tiêu cực.
Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp cắt ghép nhằm đưa thông tin phiến diện, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của CSGT, lợi dụng vào đó kích động, lôi kéo gây mất an ninh trật tự.
"Nếu đưa thông tin nhằm mục đích bôi nhọ, xúc phạm lực lượng chức năng thì tuỳ vào tính chất, mức độ nguy hiểm mà người thực hiện có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Bình thông tin thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận