Vận tải

Tài xế công nghệ đồng loạt tắt ứng dụng, chạy ngoài

29/03/2022, 06:19

Thay vì bật ứng dụng theo quy định, nhiều tài xế xe hợp đồng, xe ôm công nghệ hoạt động ở Hà Nội tự ý tắt app và điều chỉnh theo hướng tăng giá.

Lý do là vì họ không được giảm phí chiết khấu từ các hãng trong bối cảnh giá xăng tăng cao.

Sáng chạy app, chiều chạy ngoài

Cả tháng nay, chị Bùi Thu Huyền (quận Hà Đông, Hà Nội) và nhiều bạn bè rất khó đặt xe công nghệ từ ứng dụng (app).

img

Tài xế Grab Bike tắt app nhận khách ngoài tại khu vực Bến xe Mỹ Đình

Chị Huyền cho biết, những lúc cần xe, cố chờ mãi nhưng cũng không có tài xế nào nhận. Thế nhưng ra đến cổng cơ quan, lại có hàng chục tài xế mặc áo Grab Bike, Be đang đậu trên đường chờ khách.

Hiện nay Hà Nội chưa có chế tài quản lý xe ôm công nghệ và xe ôm hai bánh. Các tài xế ra đường kinh doanh chỉ phải chấp hành Luật Giao thông đường bộ theo quy định. Có thể đây là nguyên nhân khiến hoạt động kinh doanh của họ vẫn tùy tiện.
Tôi cũng đã trao đổi với hãng Grab về việc này, họ khẳng định có đội kiểm tra hoạt động của các lái xe và tới đây sẽ kiểm tra chặt chẽ hơn. Để hoạt động kinh doanh theo hướng hiệu quả, các hãng cần làm hợp đồng dân sự với lái xe, có những quy định ràng buộc rõ ràng và phải sẵn sàng cho nghỉ việc với lái xe vi phạm.

Ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Sở GTVT Hà Nội


“Những tài xế này sau đó chia sẻ, do xăng tăng giá nhưng đơn vị cung cấp phần mềm, ứng dụng không giảm cước chiết khấu. Đi như vậy chẳng được bao nhiêu nên họ tắt ứng dụng để chạy theo kiểu xe ôm truyền thống”, chị Huyền kể.

Ghi nhận của PV Báo Giao tại khu vực cổng Bến xe Mỹ Đình những ngày gần đây có rất đông tài xế xe ôm mặc đồng phục Grab Bike, Be… chạy vòng quanh mời chào khách hàng thay vì theo dõi ứng dụng trên điện thoại để nhận khách.

Tài xế xe ôm Grab Bike BKS 19G1 - 194.xx chia sẻ, xăng dầu liên tục tăng giá, chi phí cũng vì thế tăng lên rất nhiều trong khi giá cước không tăng. Đơn vị cung cấp ứng dụng vẫn giữ giá chiết khấu cao hơn 30%.

“Thu nhập của tôi có ngày không nổi 150.000 đồng do xăng tăng cao, chi phí chiết khấu cao nên tôi và nhiều anh em trong nghề bảo nhau sáng chạy app và chiều tắt để chạy theo kiểu truyền thống. Giá cả tự thương lượng với khách sẽ được cao hơn”, tài xế này nói.

Một tài xế xe ôm hoạt động trên phố Trần Bình chia sẻ: “Tôi làm cả xe ôm truyền thống và Grab Bike bởi hiện theo ứng dụng, giờ thấp điểm chỉ 5.000 đồng/km, giờ cao điểm 6.000 đồng/km và phải chiết khấu lại 30%. Lúc nào gặp khách ngoài thì tắt app, còn bình thường vẫn phải bật để tìm kiếm khách”.

Không chỉ với xe ôm công nghệ, xe ô tô theo dạng xe hợp đồng cũng hoạt động kiểu tương tự.

Ở các khu vực bệnh viện hay điểm vui chơi giải trí, nhiều ô tô “xe hợp đồng” với BKS màu vàng vẫn chèo kéo khách thay vì thông qua ứng dụng.

Tài xế Grab Car BKS 30G - 232.xx đang chờ khách đón khách từ Bệnh viện Nhi Trung ương bộc bạch: “Nếu có được khách gọi trực tiếp thì quá tốt, đỡ được khoản chiết khấu 33%. Xăng dầu cao như hiện nay, nếu nhận khách qua ứng dụng, khoản tiền thu lại chẳng được bao nhiêu. Ráo mồ hôi là “ráo” luôn cả tiền”.

Cần quản chặt chẽ, bảo vệ khách hàng

img

Các tài xế Grab Bike vẫn hoạt động trên đường nhưng tại điểm này người dùng vẫn khó tiếp cận với tài xế trên ứng dụng do họ tắt app

PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Thủy - Giảng viên Trường Đại học GTVT cho rằng, việc các hãng chậm điều chỉnh giá cước, phí chiết khấu khiến nhiều tài xế tắt app, gây ảnh hưởng lớn tới người tiêu dùng.

“Cơ quan quản lý, giám sát cần kiểm soát yêu cầu các hãng và lái xe khắc phục. Không thể vì những bất cập chưa thỏa thuận giữa đơn vị ứng dụng và tài xế mà làm ảnh hưởng tới người dùng.

Như tôi được biết, các tài xế chủ yếu họ vẫn phải chấp nhận sử dụng ứng dụng do thông qua đó kết nối với khách hàng. Có thể điều này khiến các hãng tùy tiện điều chỉnh theo hướng không có lợi cho tài xế. Về lâu dài cần mở rộng thêm các đơn vị cung cấp ứng dụng để tài xế lựa chọn đơn vị phù hợp”, bà Thủy nói.

Theo bà Thủy, các đơn vị ứng dụng cũng cần quản lý tài xế của mình chặt chẽ hơn. Cụ thể, đã sử dụng ứng dụng thì không thể tự ý tắt app để chạy theo nhu cầu cá nhân. Chẳng hạn như taxi hiện nay, họ không thể hoạt động tùy tiện.

Phía Sở GTVT Hà Nội, ông Nguyễn Tuyển - Trưởng phòng Quản lý Vận tải cho biết, Sở GTVT và Sở Tài chính quản lý việc kê khai giá cước của các đơn vị vận tải theo đúng quy định. Việc điều hành sản xuất kinh doanh là của đơn vị vận tải.

“Trường hợp các hãng công nghệ không giảm phí chiết khấu để các tài xế tắt app, hoạt động kinh doanh của họ chắc chắn giảm hiệu quả. Về lâu dài họ sẽ phải điều chỉnh. Chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Tài chính yêu cầu các hãng công nghệ quản lý chặt tài xế, đảm bảo cước dịch vụ phải theo đúng quy định”, ông Tuyển nói.

Trong khi đó, khi được hỏi, phía hãng xe công nghệ chỉ trả lời chung chung. Đại diện Grab cho hay: “Grab Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi các biến động của thị trường để có thể thực hiện những chương trình phù hợp trên cơ sở cân bằng lợi ích cho các đối tác tài xế và người dùng”.

Còn Be Group thì cho biết, đã và đang áp dụng nhiều chính sách về chiết khấu và thưởng để đảm bảo mức thu nhập cạnh tranh nhất cho các tài xế Be. Tuy nhiên, thực tế các tài xế Be cho rằng, phí chiết khấu của đơn vị này chưa được điều chỉnh, thậm chí còn cao ở mức 35%.

Khi được hỏi về thực trạng nhiều tài xế xe công nghệ tắt app chạy ngoài, ảnh hưởng tới khách hàng, đại diện Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng cho biết: “Những nội dung phản ánh trên hiệp hội đã tiếp nhận, nhưng để có thể bảo vệ được người dùng cần có đơn gửi tới để chúng tôi thông qua đó giải quyết”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.