Đường bộ

Tài xế ồ ạt bỏ nghề, khách khó đặt xe, hãng xe nói gì?

22/05/2022, 14:37

Tác động của dịch bệnh, lượng khách giảm sút, giá xăng dầu tăng, doanh thu sụt giảm khiến nhiều tài xế quyết định chuyển nghề để mưu sinh.

Tắt app bỏ nghề, chuyển hướng mưu sinh

Chưa hết khó khăn vì dịch bệnh, người dân vẫn còn tâm lý ngại đi phương tiện công cộng, các lái xe taxi công nghệ lại đối mặt với chuyện giá nhiên liệu tăng cao, an sinh xã hội không được đảm bảo....

Theo các tài xế, chi phí xăng và chiết khấu đã chiếm hơn 70% doanh thu, số còn lại không đủ để trả tiền lãi ngân hàng. Bỏ nghề, chuyển hướng mưu sinh là chọn lựa không thể khác đối với không ít lái xe.

img

Nhiều tài xế taxi công nghệ bỏ nghề khiến việc đặt xe của hành khách gặp nhiều khó khăn - Ảnh minh họa

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, tài xế GrabCar Nguyễn Văn Định (35 tuổi, quê Hải Dương) tỏ rõ sự chán nản: Dịch bệnh đã dần được kiểm soát nhưng nhu cầu đi lại của người dân rất hạn chế, kiếm khách rất khó.

"Gần đây giá xăng tăng quá cao, trong một tháng qua, trung bình mỗi tuần chỉ thu về khoảng 1,5 - 2 triệu đồng. Trừ đi chiết khấu của hãng ở mức 32%, xăng xe, khấu hao xe, bảo dưỡng, lãi vay mua xe thì số tiền kiếm được luôn là âm. Đi làm như vậy chưa đủ nuôi thân, chứ nói gì đến nuôi vợ con nên tôi không thể tiếp tục với nghề, đành phải chuyển hướng tìm kế sinh nhai khác để duy trì cuộc sống" anh Định cho hay.

Anh Lê Minh Cường, tài xế GrabCar điều khiển xe 29A - 705.xx cho hay, hiện tại nhiều tài xế Grab đang phải chấp nhận chạy xe “không công”, tức là chạy mỗi ngày chỉ đủ tiền chi phí xăng xe và tiền ăn, dư ra hầu như không đáng kể. Nhưng nếu không chạy thì không có tiền trả lãi mua xe. Nhiều anh em đang “gồng mình” chạy 10 - 12 tiếng mỗi ngày.

"Chúng tôi mang danh "đối tác", ăn chia qua tỷ lệ chiết khấu nên không được hưởng bất kỳ chế độ an sinh xã hội nào như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ hãng. Nhiều người lựa chọn bỏ nghề, chuyển sang làm nghề khác để mưu sinh như làm công nhân tại các khu công nghiệp hay thậm chí “cò” đất. Một số người khác về quê chờ thị trường khởi sắc thì họ sẽ quay trở lại", anh Cường nói.

Tuy chưa có con số thống kê cụ thể nhưng nhiều tài xế taxi ồ ạt bỏ nghề là có thật. Cũng từ đây, một số thời điểm trong ngày, khách hàng rất khó khăn để đặt xe.

Chiều ngày 21/5, phóng viên sử dụng dịch vụ GrabPlus của ứng dụng Grab đặt xe cho quãng đường từ cuối đường Nguyễn Khang (Yên Hòa, cầu Giấy) đến Hồ Gươm Plaza (Hà Đông). Đây là dịch vụ của Grab mà chỉ có các tài xế có đời xe cao mới được tham gia.

Mặc dù không phải là khung giờ cao điểm nhưng ứng dụng báo giá với số tiền là 120.000 đồng cho quãng đường gần 7 km, đắt gần gấp 2 lần bình thường. Tuy nhiên, hiển thị trên ứng dụng chỉ có lác đác vài ba tài xế. Sau nhiều lần đặt, ứng dụng đều báo các tài xế đang bận. Gần 30 phút trôi qua nhưng không có tài xế nào nhận chuyến đi.

Chuyển sang đặt dịch vụ yêu cầu thấp hơn về phương tiện là GrabCar nhưng sau nhiều lần PV mới đặt được xe với báo giá 100.000 đồng cho cuốc xe, gần gấp đôi so với giá thường ngày đặt trước giai đoạn dịch và giá xăng chưa tăng.

Cũng gặp tình cảnh tương tự, chị Lê Thị Hương (Yên Hòa, Cầu Giấy) cho biết, gần đây nhiều cuốc xe chị đặt xe qua ứng dụng Grab, chờ tới 6 phút, ứng dụng vẫn báo chưa tìm được tài xế. Có chuyến phải chờ rất lâu sau mới có tài xế nhận cuốc nhưng phải chờ khoảng 10 phút vì tài xế ở quá xa. Chuyến đi cũng tăng khoảng 20% so với mặt bằng chung giá cước của ứng dụng thời điểm trước. "Loay hoay gần 30 phút mới bắt được xe, tôi không ngờ tìm taxi công nghệ thời điểm này khó như thế", chị Hương than thở.

Doanh nghiệp có hỗ trợ tài xế?

Trao đổi với Báo Giao thông về tình trạng lái xe ồ ạt bỏ nghề, đại diện Grab Việt Nam cho biết đang triển khai một số chương trình thưởng hấp dẫn để giữ chân lái xe.

"Chúng tôi đang có hàng loạt chương trình như "An tâm thu nhập" giúp đảm bảo doanh thu theo khung giờ hoạt động, chương trình "Thưởng ngọc" áp dụng đối với chuyến xe có điểm đón khách xa... Chương trình này nhằm khuyến khích đối tác tài xế tích cực hoạt động hơn, từ đó có thêm cơ hội tăng thu nhập", đại diện Grab nói và cho biết: Grab sẽ tiếp tục theo dõi các biến động của thị trường để có thể thực hiện những chương trình phù hợp trên cơ sở cân bằng lợi ích cho đối tác tài xế và người dùng.

Phía Be Group, ông Nguyễn Việt Linh, Trưởng phòng truyền thông cho hay, từ cuối năm 2021, Be đã triển khai nhiều chính sách kích cầu dành cho khách hàng, song hành cùng các chương trình thưởng lớn cho tài xế như thưởng hoàn tiền lên tới 6,5% doanh thu cuốc xe cho năm 2022.

"Nhiều tài xế beBike tại TP.HCM đã tăng tới 30% thu nhập trong 2 tháng trở lại đây", ông Linh thông tin.

Cũng theo ông Linh, Be đã bắt tay cùng Shopee để hợp tác nhiều mặt, trong đó beDelivery trở thành phương thức giao nhận nếu cả người mua và bán ở cùng khu vực nội thành Hà Nội hoặc TP.HCM. Thông qua beDelivery, tài xế Be có thêm cơ hội nâng cao thu nhập khi có thêm đơn hàng giao nhận từ Shopee trong mùa mua sắm cuối năm.

"Với phương châm "lấy tài xế làm gốc", hãng xe công nghệ Be đặc biệt đầu tư vào các chính sách bảo hiểm cho tài xế. Tài xế được cung cấp bảo hiểm tai nạn 24/7 lẫn bảo hiểm sức khoẻ, qua chương trình bảo hiểm beHealthcare", ông Linh nói và nhấn mạnh: beHealthcare có mức chi trả cho các khoản nội trú ốm đau, bệnh tật hay thương tật lên đến 70 triệu đồng. Bảo hiểm bệnh hiểm nghèo lên đến 110 triệu đồng. Tổng giá trị cho gói bảo hiểm đến 350 triệu đồng. Tài xế được chọn cơ sở y tế mong muốn với quyền lợi bảo hiểm cao so với chương trình bảo hiểm y tế thông thường.

Cùng đó, hãng gọi xe cũng giảm chiết khấu lên đến 10% cho các tài xế beCar thân thiết tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai; Mức chiết khấu với các tài xế được giảm kể từ ngày 17/3 nhằm chia sẻ khó khăn với tài xế trong giai đoạn phục hồi kinh tế, chi phí tăng cao như hiện nay.

Mới đây, Be vừa phối hợp cùng Ngân hàng số Cake by VPBank (Cake) hỗ trợ các tài xế vay tiêu dùng ngay trên ứng dụng. Theo đó, tài xế có thể vay từ 3 triệu đến 20 triệu đồng trong thời gian từ 3 - 24 tháng mà không tốn phí hồ sơ cũng như không cần thế chấp tài sản.

"Đối tượng đầu tiên được hưởng chính sách ưu đãi này là các tài xế của Be Group đang hoạt động trên 3 tháng tại TP HCM và Hà Nội, độ tuổi từ 22 đến dưới 60 tuổi cũng như thỏa mãn tiêu chí về điểm tín dụng được quy định", ông Linh thông tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.