Dễ dãi nhận hàng
Những ngày cuối tháng 3/2024, tại Bến xe Mỹ Đình (TP Hà Nội), PV Báo Giao thông ghi nhận cảnh tấp nập của hàng trăm lượt xe ô tô khách ra vào bến. Ngoài hành khách, có rất nhiều bưu kiện hàng hóa gửi theo các xe rời bến và được các xe về bến trả cho khách.
Trong vai người cần gửi một túi đồ về Phú Thọ, chúng tôi tìm đến nhà xe T.H chạy tuyến Hà Nội - Thái Nguyên và được phụ xe thông báo để lại số điện thoại người nhận, thu phí 100 nghìn đồng. Phụ xe không hề hỏi và thẩm định là bên trong gói hàng là gì.
"Cứ gửi thế nào thì nhà xe trả cho khách đúng như vậy. Hành khách chỉ cần lưu lại biển số xe, giao dịch này chủ yếu là tin tưởng giữa hai bên, nhà xe chúng tôi chưa từng thấy có vướng mắc gì", phụ xe này cho hay.
Chị H (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, quê chị ở Hải Phòng nên chị nhận đặt đồ ăn đặc sản đất Cảng cho những khách hàng ở Hà Nội có nhu cầu. Vì vậy, ngày nào người nhà chị cũng đóng thùng hàng gửi từ Hải Phòng lên cho chị, cước phí tùy khối lượng, thường từ 50-100 nghìn đồng.
"Dịch vụ gửi hàng qua xe khách khá tiện, giá rẻ, không cần thủ tục rườm rà", chị H nói.
Hiện ở Hà Nội, nhiều nhà xe có văn phòng tiếp nhận hàng hóa ký gửi, nên người dân có thể đến gửi hàng khi có nhu cầu; hoặc có thể đến bến xe gửi trực tiếp cho tài xế/phụ xe. Việc giao nhận chỉ thông qua giao dịch bằng miệng chứ không cần thủ tục, hóa đơn, chứng từ. Còn nhà xe, vì lợi nhuận, thường không từ chối bất cứ loại hàng hóa nào, khối lượng bao nhiêu.
Rủi ro kề cận
Tuy nhiên, việc dễ dãi nhận hàng hóa ký gửi như hiện nay cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với lái xe, phụ xe. Công an tỉnh Lạng Sơn đã từng cảnh báo tình trạng lừa đảo qua dịch vụ gửi hàng hóa qua xe khách. Theo đó, nhóm lừa đảo có từ 2 đối tượng trở lên, trong đó 1 đối tượng sẽ giả danh CSGT, sử dụng sim rác gọi điện thoại đến các nhà xe khách nói cần gửi gói hàng tới địa phương mà nhà xe đi đến.
Tiếp đến, đối tượng khác sử dụng số sim rác khác tự xưng là người sẽ nhận gói hàng này, nhờ nhà xe ứng trước khoản tiền hàng cho người gửi, khi nhận hàng sẽ thanh toán đủ cả tiền cước vận chuyển.
Trước khi xe xuất bến, CSGT giả danh kia sẽ gọi cho nhà xe nói lý do bận đột xuất và nhờ xe ôm chuyển hàng đến, nhận tiền giúp. Ngay sau khi nhà xe đưa tiền hoặc chuyển khoản, đối tượng giả danh CSGT sẽ lập tức gặp người xe ôm lấy tiền mặt rồi chiếm đoạt, đồng thời cắt liên lạc với nhà xe.
Trên thực tế, đã có một số tài xế vướng vòng lao lý khi nhận chở những kiện hàng là động vật nằm danh mục nguy cấp quý hiếm; hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ; thậm chí cả ma tuý...
Cần làm gì để tránh rước họa?
Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hầu hết giao dịch gửi hàng hóa, bưu phẩm diễn ra chớp nhoáng, nhà xe không kiểm tra xem bên trong chứa hàng hóa gì và cũng không cần hỏi người gửi xem họ gửi gì.
Thực trạng này đẩy nhà xe đối mặt với tình huống pháp lý nếu tội phạm và các đối tượng xấu lợi dụng dịch vụ này để vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, thực phẩm độc hại. Nếu bị phát hiện, việc điều tra cũng rất khó khăn vì thiếu thông tin để xác minh danh tính người gửi. Với người gửi, khi việc gửi hàng hóa, bưu phẩm hầu hết dưới dạng giao dịch miệng nên nếu những hàng hóa này thất lạc sẽ rất khó phân định trách nhiệm pháp lý.
Luật sư cũng cho biết, Thông tư 12/2020 của Bộ GTVT về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ quy định, hàng hóa gửi trên xe khách thuộc trách nhiệm chính của lái xe, nhân viên phục vụ. Những đối tượng trên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm vận chuyển các loại hàng cấm hoặc hàng hóa gây nguy hiểm cho hành khách.
"Do đó, lái, phụ xe khi nhận hành lý, hàng hóa của khách, phải xác minh người gửi lẫn người nhận để có thể truy trách nhiệm khi hàng hóa đó có vấn đề", luật sư Lực nói.
Trung tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội CSGT số 6 (Công an TP Hà Nội), đơn vị phụ trách tuyến đường Phạm Hùng, khu vực có Bến xe Mỹ Đình thông tin, quá trình làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, CSGT thấy có nhiều nhà xe nhận, người gửi hàng hóa lên xe theo quy trình rất dễ dãi, không hề có giao nhận, kiểm tra.
Ông Chiến cho biết, để tránh những rắc rối về pháp lý, tài xế cũng như phụ xe cần phải kiểm tra hàng hóa và nhân thân người gửi rõ ràng trước khi nhận vận chuyển. Cần phải kiểm tra nhân thân bằng việc yêu cầu người gửi xuất trình căn cước công dân và để chắc chắn hơn, có thể chụp ảnh người gửi. Sau đó kiểm tra kỹ lưỡng và yêu cầu người gửi viết cam kết là không phải hàng cấm thì mới nhận vận chuyển.
Điều này vừa phòng tránh được hành vi vô tình vận chuyển hàng cấm, hàng lậu mà còn giúp tài xế và phụ xe có thể tránh được lừa đảo.
Gửi hàng bằng xe ô tô phải cung cấp 6 thông tin
Theo Nghị định 47, người gửi hàng trên xe khách phải cung cấp đầy đủ, chính xác 6 thông tin.
Cụ thể, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) khi nhận hàng hóa ký gửi xe ô tô (người gửi hàng hóa không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng hóa cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về: Tên hàng hóa, cân nặng, họ và tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân/số thẻ căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận