Chiều 12/12, lãnh đạo Cục CSGT (C08) cho biết, Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) đã gửi danh sách chủ các phương tiện mà tài xế tham gia tháo dải phân cách trên cao tốc Long Thành ngày 1/12 đến Cục. Có ít nhất 5 tài xế liên quan đến vụ việc này.
Sau khi nhận được danh sách, Cục đã phối hợp với các địa phương và gửi giấy yêu cầu các chủ phương tiện đến làm việc. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có chủ phương tiện nào đến làm việc tại Cục CSGT về vấn đề này.
Trước đó, khoảng 15h30 ngày 1/12 trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã xảy ra vụ tai nạn liên hoàn trên cầu Long Thành hướng từ Đồng Nai về TP.HCM. Vụ tai nạn khiến giao thông ùn tắc nghiêm trọng. VEC E đã phối hợp với cơ quan chức năng chủ động đóng đường tại nhánh A, tạm ngưng phục vụ các phương tiện theo hướng từ Quốc lộ 51 vào cao tốc đi TP.HCM.
Tuy nhiên, một số tài xế đã tự ý tháo dỡ các tôn hộ lan của điểm quay đầu khẩn cấp tại lý trình 15+550 để quay đầu xe đi về hướng QL51 khi không có sự chỉ dẫn giao thông của lực lượng CSGT cũng như không có công tác đảm bảo ATGT của đơn vị quản lý khai thác đường. Hành vi này vi phạm nghiêm trọng các nội dung được quy định Điểm C, Khoản 4, Điều 15, Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ.
Theo Luật sư Thái Văn Chung (Đoàn luật sư TP.HCM), hành vi trên của các tài xế là “cố ý làm hư hỏng tài sản của tổ chức, cá nhân”. Nếu những tài sản này bị hư hỏng với trị giá trên 2 triệu đồng là có thể áp dụng vào các điều khoản đề khởi tố hình sự. Trường hợp những tài xế này tháo dải phân cách ra sau đó lắp vào lại, không gây thiệt hại thì chỉ áp dụng xử phạt hành chính. Còn nếu cố ý tháo dải phân cách sau đó mang đi bán hoặc gây hư hỏng nhiều hơn thì có thể khởi tố.
“Tuy nhiên, do việc làm này chưa gây hậu quả nghiêm trọng, tài sản vẫn còn sau khi các tài xế tháo dỡ, vì vậy theo tôi chỉ nên áp dụng xử phạt hành chính để răn đe các tài xế này”, ông Chung nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận